Đây cũng là dịp để nông dân nuôi tôm học hỏi, trao đổi với chuyên gia về những vấn đề xử lý môi trường, tiếp cận các sản phẩm, công nghệ, thiết bị mới trong ngành tôm... để nhà nông áp dụng vào thực tiễn đạt hiệu quả tốt nhất, đặc biệt trước tình hình dự báo ảnh hưởng của ElNino gây nên hạn hán, xâm nhập mặn sắp diễn ra vào đầu mùa khô năm 2024.

Thực tế cho thấy, hiện nay chi phí sản xuất tôm của Việt Nam nói chung và Cà Mau nói riêng còn cao hơn so với các nước trong khu vực như Ấn Độ, Ecuador,... Từ đó, doanh nghiệp khó cạnh tranh về giá tại một số thị trường nhập khẩu lớn, kéo theo người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh cũng đang rất khó khăn, đặc biệt là về giá thành. Thực tế, giá tôm thời gian qua diễn biến bất lợi cho người nuôi, nhiều cỡ tôm giảm giá ở mức thấp. Giá thành tôm nguyên liệu giảm đã khiến đa số người nuôi gặp rất nhiều khó khăn, nhất là nguồn vốn. Theo kết quả khảo sát cho thấy, có đến trên 90% các hộ nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh thiếu vốn sản xuất và hình thức sản xuất hiện tại của các hộ nuôi tôm thông qua vốn đầu tư của đại lý, nhà phân phối là chính. Thiếu vốn nhưng để tiếp cận được vốn vay từ các ngân hàng cũng vô cùng khó, nhất là bằng hình thức tín chấp.

Trước những khó khăn trên, các chuyên gia đã thông tin đến người nuôi tôm vùng đồng bằng sông Cửu Long các công nghệ mới, các mô hình, cách thức nuôi tôm hiệu quả nhưng giảm giá thành, như: Thay thế kháng sinh trong nuôi tôm bằng chế phẩm chiết xuất rong biển; Giải pháp giảm chất tạo khoáng cho ao tôm thâm canh; Hiệu quả nuôi tôm tuần hoàn nước Growmax; Mô hình GroFarm - Giải pháp toàn diện nuôi tôm công nghệ cao trong môi trường ngày càng thách thức; Công nghệ SAEN - S® nuôi tôm thẻ chân trắng bán thâm canh và thâm canh: Chi phí sản xuất thấp và lợi nhuận cao thích ứng biến đổi khí hậu đồng bằng sông Cửu Long.

TS. Vũ Anh Tuấn - Giám đốc kỹ thuật thủy sản châu Á, Tập đoàn Olmix cho biết: Hiện Việt Nam có 64% nông dân nuôi cá, 24% nông dân nuôi tôm dùng kháng sinh thường xuyên trong quá trình sản xuất; trong 11 nhóm kháng sinh thì người nuôi tôm dùng chủ yếu là Tetracycline. Tập đoàn đã nghiên cứu sản xuất sản phẩm chiết xuất từ rong biển là chất thay thế thuốc kháng sinh khi nuôi tôm.

leftcenterrightdel
 

Đại diện Công ty TNHH Thức ăn Thủy sản Growmax giới thiệu hiệu quả mô hình nuôi tôm tuần hoàn nước Growmax: dễ áp dụng, dễ vận hành, chi phí đầu tư thấp, hoàn toàn không sử dụng kháng sinh trong suốt quá trình nuôi, tạo ra sản phẩm về tôm sạch, an toàn và hạn chế dịch bệnh. Khẳng định mô hình mang đến hiệu quả cao, giúp tiết kiệm tài nguyên đất, tài nguyên nước, giúp tăng năng suất, nuôi được tôm về cỡ lớn hơn với chi phí thấp, từ đó đem lại lợi nhuận cao cho người nuôi tôm.

leftcenterrightdel
 Mô hình nuôi tôm tuần hoàn nước của GrowMax

Hội thảo cũng ghi nhận rất nhiều ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm của người nuôi tôm về kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới giảm giá thành trong nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, giúp nâng cao giá trị cho sản phẩm tôm nuôi.

leftcenterrightdel
 Thức ăn là loại chi phí chiếm hơn 50% tổng giá thành nuôi tôm

Theo dự báo, thị trường xuất khẩu thuỷ sản có nhiều yếu tố thuận lợi và cơ hội phục hồi lại. Do đó, để giúp người nuôi tôm vượt qua giai đoạn khó khăn, phục hồi lại sản xuất, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, các đại biểu kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương có giải pháp bình ổn giá tôm nguyên liệu và giá thức ăn, vi sinh, hóa chất, thuốc thú y thuỷ sản, ... để người dân chủ động sản xuất. Đồng thời, giảm lãi suất ngân hàng, có cơ chế chính sách đặc thù ưu đãi cho lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản, hỗ trợ hình thành các vùng nguyên liệu trong nước để phục vụ sản xuất, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.