Nghêu có tên khoa học là Meretrix lyrata (Sowerby, 1851) còn được gọi là Nghêu Bến Tre vì có xuất xứ và sinh sản đặc biệt tốt tại vùng biển thuộc Bến Tre. Bến Tre là tỉnh đứng đầu cả nước về phát triển nghề nuôi nghêu, có diện tích phát triển trên 7.000 hecta, sản lượng trên 10.000 tấn/năm, góp phần tăng giá trị ngành nông nghiệp của tỉnh nói chung và nghề nuôi nghêu nói riêng.

 

Tuy nhiên, thời gian qua nuôi nghêu thương phẩm tại Bến Tre cũng gặp những khó khăn, thách thức phải đối mặt như:

 

- Ảnh hưởng biến đổi khí hậu: Nắng nóng, mưa bão, độ mặn nước biển biến động bất thường gây thiệt hại cho nghêu nuôi.

 

- Ảnh hưởng ô nhiễm nguồn nước, các chỉ số môi trường nước thay đổi bất thường.

 

- Giá cả thị trường: Giá cả nghêu giống và nghêu thịt biến động theo thị trường, thời tiết, mùa vụ ảnh hưởng đến thu nhập của người nuôi.

 

Nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần phát triển bền vững nghề nuôi nghêu Bến Tre trong thời gian tới, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

 

- Về con giống:

 

+ Cần nâng cao tỉ lệ sống bằng cách thả giống cỡ lớn từ 1.000 - 2.000 con/kg (có thể thuần dưỡng, ương giống trước khi thả).

 

+ Thả nuôi mật độ vừa phải (180-200 con/m2).

 

+ Khi thả giống cần chú ý đến chất lượng con giống, kích cỡ tương đối đồng đều; kích cỡ giống thả phải phù hợp mùa vụ, điều kiện sân bãi.

leftcenterrightdel

Khu ương Nghêu giống 

 

- Về chăm sóc nghêu nuôi: 

 

+ Thường xuyên kiểm tra vệ sinh bãi nuôi, xử lý rác thải, từ đó giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước, tạo môi trường thuận lợi cho nghêu và các loài thủy sản khác phát triển, góp phần bảo tồn và phát triển hệ sinh thái, đa dạng sinh học vùng ven biển.

 

+ Thường xuyên kiểm tra sân bãi để khai thông vùng nước ứ đọng, san thưa nghêu đặc biệt vào mùa nắng nóng.

 

+ Nuôi nghêu về cỡ lớn (50-60 con/kg) sẽ gia tăng lợi nhuận do vừa bán được giá cao hơn 30-40% so với cỡ nhỏ (80-100 con/kg) vừa tăng năng suất.

 

+ Tất cả các vùng nuôi nghêu tập trung cần được lắp đặt thiết bị quan trắc môi trường tự động nhằm phát huy hiệu quả tích cực cho quá trình theo dõi các chỉ số môi trường; hợp tác xã và người dân thường xuyên theo dõi các chỉ số đo trên ứng dụng điện thoại để sớm phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra.

 

- Về xã hội: Tập huấn, tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức nhằm thúc đẩy tinh thần cộng đồng, người dân cùng nhau quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản chung. Góp phần tạo việc làm cho người dân nghèo làm nghề thủy sản, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

 

- Về tổ chức quản lý, kết nối thị trường:

 

+ Đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, năng lực quản lý cho các hợp tác xã nuôi nghêu trên địa bàn tỉnh để đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất.

 

+ Các vùng nuôi nghêu phải được kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm.

 

+ Bảo tồn nguồn lợi nghêu bố mẹ, khai thác hợp lý và bảo vệ tốt nguồn nghêu giống tự nhiên.

 

+ Công tác quản lý sản xuất đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn MSC, duy trì và phát triển chứng nhận MSC cho nghề nghêu tại tỉnh. (Chứng nhận MSC là chứng nhận do Hôi đồng Quản lý biển cấp cho “một đơn vị nghề cá” khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản tự nhiên - Nghề khai thác nghêu ở Bến Tre nhận chứng nhận MSC tháng 11/2009).

 

+ Xây dựng chỉ dẫn địa lý, áp dụng hệ thống nhận diện mới (bao bì, tem nhãn, tờ rơi, băng rôn) vào thương mại hóa sản phẩm.

 

+ Đẩy mạnh quảng bá xúc tiến thương mại (hội nghị khách hàng, truyền thông đại chúng, lễ hội), thúc đẩy liên kết ngang và liên kết dọc để phát triển thương hiệu MSC đối với con nghêu Bến Tre trên thị trường trong nước và quốc tế.

 

Nuôi nghêu thương phẩm tại Bến Tre đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Tuy nhiên, để mô hình phát triển bền vững, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục những khó khăn, thách thức nêu trên.

Cao Hải Đảo

Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn DVNN Bến Tre