Hội nghị được tổ chức với sự tham gia của 150 đại biểu là cán bộ nông nghiệp, nông dân các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Trước đó, các đại biểu đã tham quan mô hình mạ khay cấy máy của HTX DVNN Bắc Tân (xã Thanh Tân huyện Thanh Liêm); tham quan các máy móc cơ giới hóa trong sản xuất lúa như giàn làm mạ khay, máy cấy Kubota, máy bay nông nghiệp NicotexFLy… trưng bày giới thiệu tại hội nghị.

Đại biểu tham quan mô hình mạ khay cấy máy của HTX DVNN Bắc Tân

 

Năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với Phòng Kinh tế các địa phương Duy Tiên, Kim Bảng, Bình Lục, Thanh Liêm lựa chọn được 10 đơn vị tham gia thực hiện Đề án “Phát triển dịch vụ mạ khay cấy máy năm 2022”, trong đó có 4 mô hình tổ dịch vụ mạ khay; 6 mô hình trình diễn cấy máy với tổng diện tích 150 ha (25 ha/mô hình).

Tổng diện tích cấy máy toàn tỉnh năm 2022 đã được mở rộng 4.654,5 ha (đạt 145,5% so với kế hoạch), trong đó vụ Xuân đạt 1.593ha; vụ Mùa đạt 3.061,1ha và huyện Thanh Liêm có tốc độ mở rộng diện tích cấy máy nhanh nhất. Các mô hình cấy máy đã cho thấy hiệu quả rõ nét về các tiêu chí kỹ thuật, kinh tế, xã hội, môi trường. Cả tỉnh có 21 máy cấy ngồi Kubota đạt công suất 2.520 ha/năm; 24 máy cầm tay Kubota công suất 960 ha/năm; 180 máy cấy tay Văn Lang công suất 900 ha/năm.

Tại hội nghị đã có nhiều ý kiến tham luận chia sẻ kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện; khẳng định hiệu quả của mạ khay cấy máy như giúp giảm công lao động, hạn chế việc sử dụng thuốc BVTV bảo vệ môi trường, tăng năng suất chất lượng, cho hiệu quả kinh tế cao từ 7-10 triệu đồng/ha.

Nhiều máy cơ giới hóa trong sản xuất lúa trưng bày tại hội nghị

 

Để tiếp tục thực hiện Đề án Phát triển dịch vụ mạ khay cấy máy năm 2023, nhiệm vụ của ngành đưa ra mục tiêu cấy máy đạt 5.000 ha (vụ xuân 3000ha; vụ Mùa 2000ha). Có 11 tổ dịch vụ đáp ứng khoảng 1.570ha/năm; các hộ sử dụng máy cấy Văn Lang tự làm mạ khay khoảng 900ha/năm. Ngoài ra các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền; tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu cho người sử dụng máy móc, sửa chữa máy móc; quan tâm xúc tiến thương mại, kết nối với các tổ chức doanh nghiệp để xây dựng chuỗi thu mua lúa gạo. Quy hoạch lại đồng ruộng, hoàn chỉnh hệ thống giao thông, thủy lợi, xây dựng cánh đồng theo phương châm “một cánh đồng – một giống” để thuận tiện cho việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất lúa. Kết nối điều tiết với các tổ dịch vụ mạ khay cấy máy trong và ngoài tỉnh nhằm đáp ứng diện tích mở rộng cấy máy của các địa phương.

Mai Huê

Trung tâm Khuyến nông Hà Nam