Rộn ràng mùa gặt
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con nông dân Hà Tĩnh đang đồng loạt thu hoạch lúa hè thu. Không khí của ngày mùa dường như cũng trở nên rộn ràng, phấn khởi hơn trên khắp mọi miền quê.
Tại vựa lúa huyện Cẩm Xuyên những ngày này, các cỗ máy gặt đập liên hợp cứ ầm ù xen lẫn tiếng rộn rã tiếng hỏi chuyện, nói cười của bà con nông dân. Người chờ thu thóc mới, người chờ đến lượt thuê máy.
Vụ hè thu 2024, gia đình ông Đặng Văn Thắng (thôn Kênh, xã Cẩm Thành) gieo cấy gần 2 mẫu lúa. Nhờ tuân thủ lịch thời vụ nên lúa của gia đình ông đã cho thu hoạch đúng thời điểm. Khi chúng tôi đến, thửa ruộng của gia đình ông Thắng đang được thu hoạch, chỉ còn lại một góc nhỏ. Mới chỉ 2 ngày, ông đã thu hoạch được 8 sào.
Ông Thắng vui vẻ: “Vụ này, tôi làm toàn giống lúa Khang dân 18. Năm nay lúa được mùa, năng suất đạt 3,5 tạ/sào, cao hơn vụ hè thu trước 0,3 - 0,5 tạ/sào. Gia đình tôi còn gần 1 mẫu nữa, chắc 3-4 ngày tới sẽ thu hoạch gọn, trời có mưa lụt cũng yên tâm rồi”.
Ngược lên xã Cẩm Quang người dân cũng đang tích cực bám đồng thu hoạch lúa hè thu. Thời tiết thuận lợi càng nhân lên niềm vui được mùa của bà con.
Vừa thu hoạch xong 2 sào lúa, chị Trần Thị Hoa (thôn 3, xã Cẩm Quang) cho biết: “Mấy ngày nay, máy gặt đập liên hợp về liên tục nên tiến độ thu hoạch nhanh lắm. Nhà tôi làm 3 sào lúa Khang dân, Năm nay lúa được mùa, năng suất đạt 3,5 tạ/sào. Giá lúa tươi hiện đang được thương lái thu mua khá cao (6.600 đồng/kg) nên tôi bán luôn chứ không đưa lúa về nhà nữa. Với 3 sào lúa, gia đình tôi thu về gần 7 triệu đồng. Trừ chi phí sản xuất, gia đình tôi còn lãi gần 5 triệu đồng”.
Cẩm Xuyên được xem là vựa lúa lớn nhất của tỉnh. Vụ hè thu năm 2024, toàn huyện gieo trồng 9.088,4 ha lúa; trong đó, nhóm giống lúa hàng hóa dễ bán chiếm đến 81% tổng diện tích (bao gồm các giống lúa: Khang dân, Khang dân đột biến, Xuân mai, Nếp). Hiện nay, toàn huyện đã thu hoạch được hơn 40% diện tích. Theo đánh giá bước đầu thì năng suất bình quân lúa hè thu 2024 của huyện Cẩm Xuyên dao động từ 54-55 tạ/ha, cao nhất toàn tỉnh và cũng lập “đỉnh” năng suất từ trước đến nay trên toàn huyện. “Bí kíp” của thành quả ấy chính là sự chủ động của địa phương trong việc chỉ đạo tuân thủ lịch thời vụ, cơ cấu các bộ giống hợp lý, trong đó tập trung cho nhóm giống hàng hóa nên vụ hè thu năm nay địa phương được mùa toàn diện.
Lúa được mùa, giá bán cao
Tại huyện Can Lộc, không khí tất bật của ngày mùa cũng đang hiện hữu khắp nơi. Cả vụ vất vả cũng chỉ chờ mong đến ngày lúa chín khắp đồng, bà con tập trung huy động nhân lực, bố trí máy móc để thu hoạch nhanh chóng số diện tích lúa đã chín. Niềm vui như được nhân đôi khi giá lúa ở mức cao, được thương lái thu mua tận chân ruộng.
    |
 |
Niềm vui được mùa của bà con nhân dân hiện rõ trên từng khuôn mặt |
Trên cánh đồng xã Khánh Vĩnh Yên (huyện Can Lộc), nông dân đang hối hả ra đồng thu hoạch lúa khi thời tiết còn thuận lợi. Ông Nguyễn Văn Hùng (thôn Thiên Sơn, xã Khánh Vĩnh Yên) cho hay: “Nhà tôi làm 2 mẫu thì gần 1,5 mẫu là nếp. Năng suất lúa tươi bình quân đạt 3,5 tạ/sào, thu hoạch xong là bán luôn cho thương lái với giá 6.500 đồng/kg (cao hơn vụ hè thu năm ngoái gần 700 đồng/kg). Giá cao nên thu hoạch được bao nhiêu nhà tôi bán hết sạch, thu “tiền tươi” trên 10 triệu đồng”.
Được biết, xã Khánh Vĩnh Yên sản xuất trên 870 ha lúa hè thu, trong đó, trên 60% diện tích là lúa nếp. Vào cao điểm thu hoạch, toàn xã có trên 10 điểm tập kết thu mua lúa, nếp tươi cho bà con nông dân. Sau mỗi ngày thu hoạch, các đầu nậu sẽ “gom” hàng chuyển ra cho các ông chủ lớn ở miền Bắc.
Tại các xã trọng điểm sản xuất khác của huyện Can Lộc như: Xuân Lộc, Quang Lộc, Kim Song Trường..., bà con nông dân cũng đang huy động nhân lực, vật lực khẩn trương thu hoạch lúa. Đến nay, toàn huyện đã thu hoạch được trên 1.300 ha. Đặc biệt, giá lúa nếp tươi đang ở mức “đỉnh" trong nhiều năm trở lại đây nên các hộ dân đã bán sớm số lượng lớn cho thương lái thay vì đem về nhà trau phơi.
Khác với xu thế của những năm trước, vụ hè thu năm nay, thị trường các giống lúa hàng hóa như Khang Dân 18, Xuân Mai 12… rất sôi động. Đặc biệt, theo ghi nhận, giá bán lúa tươi cho thương lái tại các địa phương đang cao ngang ngửa với các giống lúa nếp.
Với những tín hiệu tích cực từ thị trường, gia đình chị Trần Thị Thanh (thôn Tài Năng, xã Tùng Lộc, huyện Lộc Hà) bước vào vụ thu hoạch với niềm vui lớn khi lúa vừa được mùa vừa được giá. Chị Thanh chia sẻ: “Gia đình gieo cấy trên diện tích hơn 1 mẫu ruộng, năng suất dự ước đạt 2,8 tạ/sào. Giá lúa Khang Dân 18 được thương lái thu mua với giá 6.500 - 6.700 đồng/kg, có bao nhiêu mua bấy nhiêu; giá lúa khô ở mức trên 8.500 đồng/kg, cao hơn vụ hè thu năm ngoái hơn 1.000 đồng/kg nên bà con nông dân mừng lắm”.
Hiện các địa phương đã bước vào đợt thu hoạch tập trung càng làm cho không khí mua - bán trở nên sôi động. Từng đoàn xe tải, xe đầu kéo của thương lái tấp nập đến gom hàng tại các điểm tập kết. Không chỉ các thương lái trong tỉnh, nhiều chuyến xe ngoại tỉnh như: Thanh Hóa, Nghệ An cũng vào ra liên tục, cung ứng lượng hàng lớn cho thị trường miền Bắc.
Tại bãi tập kết lúa gạo của anh Nguyễn Doãn Hiệp (thôn Chiến Thắng, xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc) luôn tấp nập cảnh người dân bốc xếp lúa, mỗi ngày có 1 - 2 chuyến xe tải cỡ lớn về nhập hàng. Anh Hiệp cho biết: “Thời điểm đầu vụ, mỗi ngày, tôi mua được khoảng trên 10 tấn lúa, nhưng hiện nay, người dân thu hoạch đồng loạt nên có những ngày chúng tôi có thể mua 20-30 tấn. Chúng tôi đang tập trung gom hàng ở tất cả các thôn và bán cho các đầu mối lớn ở tỉnh Thanh Hóa”.
Thông tin từ các doanh nghiệp và thương lái, giá lúa vụ hè thu đang ở mức cao nhất trong những năm trở lại đây, dao động từ 6.000 - 6.500 đồng/kg lúa tươi. Giá lúa tại thị trường Hà Tĩnh tăng cao chủ yếu do giá lúa, gạo của Việt Nam đang cao nhất trong khối các nước xuất khẩu gạo hàng đầu. Cùng đó, nhu cầu nhập khẩu gạo cũng đang tăng lên ở hầu hết các quốc gia do sự sôi động của thị trường vào cuối năm.
    |
 |
Những cánh đồng lớn sau tập trung tích tụ chuyển đổi ruộng đất góp phần lớn thành công trong sản xuất lúa tại Hà Tĩnh |
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, vụ hè thu năm 2024, toàn tỉnh gieo cấy gần hơn 44.800 ha. Đến nay, toàn tỉnh đã thu hoạch hơn 13.000 ha (trên 30% diện tích). Qua đánh giá, vụ lúa này cho năng suất cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, ước đạt 51,58 tạ/ha (cao hơn năm 2023 là 1,33 tạ/ha), nhiều địa phương trọng điểm sản xuất lúa như: Can Lộc, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Kỳ Anh…, có thể đạt năng suất tới 53 - 55 tạ/ha.
Có được những thành quả đó, phải khẳng định trong thời gian qua, cấp ủy các cấp tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 18/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tập trung, tích tụ ruộng đất phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo. Đến nay, toàn tỉnh đã tập trung, tích tụ 9.311,93 ha, đạt 62% chỉ tiêu tại Nghị quyết 06-NQ/TU.
Trên cơ sở này, các địa phương xây dựng các cánh đồng mẫu lớn, đồng bộ về hạ tầng, thuận lợi cho đưa cơ giới hóa vào sản xuất, góp phần đẩy nhanh tiến độ thu hoạch hè thu. Các địa phương tăng cường áp dụng các quy trình sản xuất an toàn (VietGAP, hữu cơ...), ứng dụng khoa học - kỹ thuật để từng bước xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm lúa gạo nhằm nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích gieo cấy.
    |
 |
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra, chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa Hè Thu né tránh thiên tai, phấn đấu kết thúc thu hoạch trước 5/9 |
Trong đợt đi kiểm tra tiến độ thu hoạch lúa vụ hè thu năm 2024 mới đây. Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chia vui với bà con nông dân, ngành NN&PTNT và yêu cầu các địa phương cần huy động, bố trí máy gặt phù hợp giữa các vùng; đôn đốc người dân thu hoạch nhanh, gọn với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”; ưu tiên thu hoạch trước những khu vực thuộc vùng trũng, thấp, thường xẩy ra ngập lụt, phấn đấu cơ bản hoàn thành thu hoạch vụ hè thu trước ngày 5/9. Tiếp tục có phương án huy động máy móc, phương tiện giúp đỡ nông dân từ khâu thu hoạch lẫn bảo quản sau thu hoạch nhằm hạn chế thiệt hại do mưa lũ gây ra./.
Nguyễn Hoàn
Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh