Trong khuôn khổ hoạt động dự án: “Tăng cường chuỗi giá trị an toàn tại một số tỉnh phía Bắc Việt Nam” do chính phủ Nhật Bản tài trợ thông qua tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA); Đoàn công tác Việt Nam bao gồm 18 cán bộ từ Ban quản lý Dự án Trung ương (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản) và Ban quản lý Dự án địa phương (Sở nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến nông, Chi cục trồng trọt, bảo vệ thực vật các tỉnh trong vùng Dự án: Hà Nam, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, Hưng Yên, Sơn La) đã có chuyến thăm và học tập kinh nghiệm của Nhật Bản về thúc đẩy cây trồng an toàn trong thời gian từ ngày 16-29/10/2022.

Trong thời gian học tập tại Nhật Bản, đoàn công tác đã được chia sẻ kinh nghiệm về thực trạng lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn ở Nhật Bản và tình hình sản xuất các sản phẩm nông nghiệp an toàn và đảm bảo; công tác khuyến nông; công tác quản lý an toàn sản phẩm nông nghiệp (chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp an toàn từ khâu quản lý đầu vào, sản xuất, thu gom tập kết,vận chuyển sản phẩm đến người tiêu dùng...); các chính sách thúc đẩy cây trồng an toàn ở cấp quốc gia; chính sách về quản lý rủi ro, đăng ký và quản lý thuốc bảo vệ thực vật; Thăm quan chợ đầu mối trung tâm thủ đô Tokyo do chính phủ quản lý; thăm cơ quan quản lý vùng sản xuất, phân phối và bán các sản phẩm nông nghiệp an toàn cấp tỉnh do hợp tác xã quản lý,…

Bộ Nông nghiệp lâm nghiệp và Thuỷ sản Nhật Bản có cơ quan đại diện khuyến nông, ở cấp tỉnh có các trung tâm phổ cập (trung tâm khuyến nông). Ví dụ tỉnh Tochigi có 07 trung tâm khuyến nông để triển khai các hoạt động khuyến nông ở địa phương. Ngoài hệ thống khuyến nông nhà nước còn có sự tham gia của Hiệp hội hỗ trợ cải thiện nông nghiệp toàn quốc, trường đại học/cao đẳng, trung tâm nghiên cứu thử nghiệm. Các dự án khuyến nông được nhà nước hỗ trợ 100% từ nguồn kinh phí của Trung ương và địa phương. Hàng năm Trung ương cấp kinh phí cho địa phương tuỳ theo dân số và đặc thù của từng địa phương. Hệ thống khuyến nông có sự phân cấp rõ: nhiệm vụ của Trung tâm là cải thiện thu nhập của người nông dân và hỗ trợ toàn diện việc đổi mới về mặt sản xuất và phân phối của nông nghiệp địa phương thông qua việc phát triển hoạt động hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân bởi các cán bộ hướng dẫn phổ cập (cán bộ khuyến nông). Trung tâm hỗ trợ đổi mới nông nghiệp có nhiệm vụ tham vấn cao cấp và hỗ trợ từ quan điểm chuyên môn cho các hoạt động bởi các chuyên gia hỗ trợ đổi mới nông nghiệp. Cán bộ phổ cập nông nghiệp sau khi tuyển dụng được đào tạo bài bản theo từng giai đoạn (cấp cơ sở, cấp tỉnh, cấp trung ương…), được phân hoá chuyên môn sâu (10 lĩnh vực cụ thể: 1. Cây trồng theo hình thức sử dụng đất; 2. Làm vườn; 3. Gia súc; 4. Quản lý công đoạn của sản xuất/an toàn nông nghiệp; 5.  Nông nghiệp bền vững/ động vật hoang dã; 6. Đào tạo người phụ trách; 7. Ứng phó động đất; 8. Công nghiệp hoá lần thứ sáu; 9. Nông nghiệp thông minh; 10 Hoạt động hướng dẫn phổ cập). Cán bộ khuyến nông mới được cán bộ có kinh nghiệm hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ và được học kinh nghiệm thực tế tại các trang trại của người nông dân.  Cán bộ khuyến nông phải trải qua kỳ thi, sát hạch để được cấp chứng chỉ, do đó phải thường xuyên nỗ lực học hỏi, trau dồi kiến thức để đáp ứng yêu cầu công việc.

Hợp tác xã ở Nhật bản được chia thành 3 cấp: cấp trung ương (JA Zen-Noh Trung ương), cấp tỉnh (JA Keizairen; chi nhánh liên hiệp HTX tại các tỉnh) và cấp cơ sở (JA). Nhiệm vụ của HTX là hướng dẫn kinh doanh nông nghiệp, hướng dẫn cải thiện đời sống; tổ chức các hoạt động mua, bán hàng, chế biến và các hoạt động về tín dụng, tương trợ; phúc lợi,… HTX đóng vai trò là mắt xích quan trọng trong việc tổ chức sản xuất, khâu nối liên kết và tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân (cung ứng đầu vào, giám sát sản xuất, liên kết tiêu thụ đầu ra sản phẩm) với hình thức kinh doanh đa dạng: vừa thu mua nông sản trực tiếp cho người dân, vừa xây dựng cơ sở vật chất (cửa hàng của nông dân) do HTX vận hành. Người dân đã ứng dụng công nghệ thông tin để cập nhật lượng nông sản tiêu thụ, từ đó chủ động trong việc bổ sung nông sản nếu hết hàng. Hàng năm HTX tổ chức hội nghị thường niên với khách hàng, tổ chức các buổi gặp trao đổi trực tiếp giữa người nông dân và người tiêu dùng nhằm tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, vận động hiệu quả, tạo niềm tin cho khách hàng và định hướng cho người nông dân kế hoạch sản xuất.

Thập niên 2010, ở Nhật Bản đã có luật liên quan đến vấn đề về ghi nhãn nguồn gốc, xuất xứ. Vấn đề an toàn thực phẩm được vận hành dựa trên Luật Vệ sinh thực phẩm, Luật Kiểm tra sản phẩm nông nghiệp; Luật Kiểm tra hóa chất nông nghiệp.... Các luật này có sự bổ sung, đánh giá theo thời gian định kỳ. Có sự phân định rõ cơ quan đánh giá rủi ro (Uỷ ban an toàn thực phẩm: nhiệm vụ đánh giá rủi ro; khuyến nghị cho các cơ quan quản lý rủi ro; giám sát tình trạng thực hiện quản lý rủi ro) và cơ quan quản lý rủi ro (bao gồm Bộ Y tế, Lao động và phúc lợi Nhật Bản: Quản lý rủi ro về vệ sinh thực phẩm; Bộ nông nghiệp, lâm nghiệp và Thuỷ sản: Quản lý rủi ro về nông nghiệp, chăn nuôi và thuỷ sản; Cơ quan vấn đề người tiêu dùng: quản lý rủi ro về ghi nhãn thực phẩm). Hai hệ thống cơ quan này có tính độc lập cao nên rất uy tín và hiệu quả đối với việc kiểm soát chất lượng thực phẩm, tạo niềm tin, tin tưởng đối với người nông dân và người tiêu dùng. Người nông dân, người sản xuất được giới thiệu những loại hoá chất được sử dụng; được hướng dẫn kỹ thuật cải tạo đất để giảm hàm lượng kim loại nặng trong đất và không hấp thụ cho cây trồng; được hướng dẫn quy trình sản xuất cho từng nhóm cây trồng cụ thể và thực hành áp dụng quy trình sản xuất, ghi chép nhật ký trong quá trình sản xuất. Người sản xuất rất có ý thức và trách nhiệm trong việc tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm.

Chuyến đi học tập, khảo sát thực tế rất thiết thực và hiệu quả. Ngoài việc học tập kinh nghiệm của Nhật Bản về khuyến nông, về mô hình hợp tác xã trong liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản; về chuỗi giá trị cây trồng an toàn và các vấn đề về quản lý an toàn thực phẩm ở Nhật Bản,… Đoàn công tác cũng có cơ hội làm việc trực tiếp doanh nghiệp chuyên sản xuất vật tư nông nghiệp (vật liệu làm nhà màn, nhà lưới, vật liệu che phủ cỏ, vật liệu phản quang sử dụng trong môi trường thiếu ánh sáng giúp màu của quả đẹp và bắt mắt). Trên cơ sở đó hai bên đã có trao đổi và đưa ra những định hướng và hợp tác trong thời gian tới.

Chuyến thăm quan và học tập về kinh nghiệm của Nhật Bản giúp các thành viên trong đoàn đúc kết kinh nghiệm để xây dựng kế hoạch hành động cho bản thân nói riêng và xây dựng kế hoạch hành động cho Ban quản lý dự án nói chung một cách phù hợp và hiệu quả hơn.

Các thành viên của đoàn công tác cũng đề xuất thời gian tới dự án cần ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, phần mềm nhật ký điện tử, hỗ trợ các nhóm đối tượng, hộ nông dân cập nhật, công khai các thông tin về sản xuất (vật tư nông nghiệp: giống, phân, thuốc bảo vệ thức vật,...), tiêu thụ trên nền tảng thông tin nhằm quản lý, hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất đạt các chỉ tiêu an toàn tạo niềm tin, yên tâm của người tiêu dùng khuyến khích phát triển. Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, cần học tập kinh nghiệm của Nhật Bản trong quản lý, liên kết sản xuất để có một sản phẩm hàng hoá có chất lượng, đảm bảo an toàn; cần ứng dụng một quy trình chuẩn trong việc xác định nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá của hợp tác xã./.

Một số hình ảnh của đoàn trong chuyến học tập tại Nhật Bản:

leftcenterrightdel
 Đoàn công tác thăm và chia sẻ kinh nghiệm về sản xuất cây trồng an toàn tại tỉnh Tochighi
leftcenterrightdel
 Đoàn công tác thăm chợ bán sản phẩm nông nghiệp do liên minh HTX thành lập
leftcenterrightdel

Đoàn công tác thăm và trao đổi kinh nghiệm về an toàn thực phẩm

ở Trung tâm Kiểm tra sản phẩm Co-op Deli

leftcenterrightdel

Đoàn công tác chụp ảnh với các chuyên gia JICA – Nhật Bản 

Thanh Huyền

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia