Đây là Hội nghị cấp Bộ trưởng với sự tham dự của trên 300 đại biểu, trong đó bao gồm gần 200 đại biểu quốc tế đến từ nhiều quốc gia, các cơ quan của Liên hợp quốc, các Tổ chức quốc tế. Về lãnh đạo cấp cao, Hội nghị có sự tham dự Bộ trưởng của Thụy Sỹ, Malawi, Rwanda, Kenya, Ethiopia, Saint Vincent và Grenadines; Thứ trưởng của Campuchia, Ghana. Ngoài ra, Bộ trưởng Nông nghiệp Costa Rica và Tổng Giám đốc FAO tham dự trực tuyến. Về phía Việt Nam, Hội nghị có sự tham dự, chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Hội Nông dân Việt Nam và các cơ quan liên quan ở Trung ương, địa phương; cùng các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đang lo ngại về nguy cơ mất an ninh lương thực nghiêm trọng trước những tác động của biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, đại dịch mới nổi trong đó có Covid-19, các cuộc xung đột, tình trạng lạm phát tăng cao trên toàn cầu, đặc biệt là giá lương thực thực phẩm, năng lượng… tăng cao.

Ngay trước thềm Hội nghị này, ngày 22/4/2023, Bộ trưởng Nông nghiệp các nước trong Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã nhóm họp tại Miyazaki, Nhật Bản, để tìm kiếm giải pháp nhằm đảm bảo nguồn cung cấp lương thực ổn định. Các Bộ trưởng G7 đã nhất trí sẽ mở rộng sản xuất lương thực và hỗ trợ những nước đang phát triển tăng cường an ninh lương thực trên cơ sở thúc đẩy nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường.

Mục tiêu của Hội nghị là tìm kiếm các giải pháp hiệu quả, bao trùm, mang tính đột phá để cùng nhau chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm (LTTP) lành mạnh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; tập trung vào bốn vấn đề sau: i) Mô hình/kiến trúc toàn cầu về hệ thống LTTP; ii) Các chính sách và quản trị quốc gia và địa phương về hệ thống LTTP; iii) Các mô hình tiêu thụ và sản xuất của hệ thống LTTP; iv) Các phương thức thực hiện chuyển đổi hệ thống LTTP. Ngoài ra, Hội nghị sẽ giới thiệu những mô hình tốt, điển hình về chuyển đổi hệ thống LTTP ở các quốc gia và các sáng kiến của quốc tế.  

leftcenterrightdel
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang khẳng định Việt Nam là một quốc gia có trách nhiệm và sẵn sàng chung tay cùng các nước chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững để góp phần bảo vệ hành tinh. Chính phủ Việt Nam đã ban hành “Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi Hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030”, để thực thi mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững, mà Việt Nam đã khẳng định tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hợp quốc về Hệ thống lương thực thực phẩm năm 2021.

Việt Nam cũng khẳng định sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác với các nước trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt thông qua chương trình hợp tác Nam – Nam và hợp tác ba bên về nông nghiệp.

Phát biểu trực tuyến tại phiên Khai mạc Hội nghị, ông Qu Dongyu, Tổng giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO) cho rằng bối cảnh hiện nay đặt ra yêu cầu phải chuyển đổi cấp bách hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng hiệu quả hơn, toàn diện hơn, linh hoạt hơn và bền vững hơn. Để làm được điều này phải có sự chung tay của tất cả các nước để đạt được mục tiêu chung về bốn tốt hơn: sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn và cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người - không để ai bị bỏ lại phía sau.

Ngay sau phần khai mạc, Hội nghị tiến hành phiên tọa đàm cấp Bộ trưởng với sự tham gia của các nước tham dự Hội nghị.

leftcenterrightdel
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Lê Minh Hoan phát biểu phiên tọa đàm

Phát biểu tại phiên tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng Việt Nam cần phải hành động mạnh mẽ để đảm bảo hệ thống lương thực thực phẩm thích ứng thông minh với tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, các loại dịch bệnh, sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, cải thiện và đa dạng hóa nguồn sinh kế và thu nhập cho các nông hộ – kèm theo việc triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn về xã hội và môi trường được bền vững. Việt Nam đã sớm triển khai hành động chuyển đổi hệ thống thống lương thực thực phẩm. Ngày 28/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành “Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi Hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030”, với mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững, đáp ứng yêu cầu an ninh lương thực và dinh dưỡng của khoảng 100 triệu dân Việt Nam và đóng góp vào an ninh lương thực thế giới.

leftcenterrightdel
Phiên tọa đàm cấp Bộ trưởng với sự tham gia của các nước tham dự Hội nghị 

Tại phiên tọa đàm, các Bộ trưởng các nước chia sẻ hành động, thách thức và bài học trong việc chuyển đổi hệ thống LTTP. Các Bộ trưởng cho rằng việc chuyển đổi hệ thống LTTP bền vững đòi hỏi phải có cách tiếp cận toàn cầu, đồng thời phải phù hợp với bối cảnh của địa phương, quốc gia và khu vực. Các quốc gia cần dựa trên cơ sở khoa học để đưa ra các ưu tiên và giải pháp chuyển đổi phù hợp. Thách thức chính trong chuyển đổi hệ thống LTTP bền vững là sự điều phối các bên liên quan gồm cả khu vực nhà nước (đa ngành) và khu vực tư nhân cùng tham gia chuyển đổi. 

Sau phiên khai mạc, từ ngày 24 – 27/4/2023, Hội nghị tiến hành 4 phiên họp chính thức và các phiên họp bên lề tập trung vào chia sẻ, thảo luận để tìm kiếm các giải pháp hiệu quả, bao trùm, mang tính đột phá; tập trung vào 4 nhóm giải pháp chuyển đổi hệ thống LTTP bền vững nêu trên.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 

BBT