Ngày 02/4/2023, tại Tp. Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch nâng cao năng lực cho các đối tác, HTX nông nghiệp phát triển liên kết chuỗi giá trị thực hiện Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” với sự tham gia của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, một số đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT; Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục PTNT, Trung tâm Khuyến nông/DVNN, một số Tổ Khuyến nông cộng đồng (KNCĐ), HTX của 12 tỉnh tham gia Đề án; và một số tổ chức quốc tế… Thứ trưởng Trần Thanh Nam chủ trì Hội nghị.

leftcenterrightdel
  Toàn cảnh hội nghị

Theo Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT, kế hoạch nâng cao năng lực cho các đối tác, HTX nông nghiệp phát triển liên kết chuỗi giá trị thực hiện Đề án đặt mục tiêu 1.020.100 người được đạo tạo, tập huấn nâng cao năng lực. Trong đó, giai đoạn 1 (năm 2024-2025) sẽ hoàn thành việc đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho 207.780 lượt người, bao gồm: 420 giảng viên ToT; 3.100 cán bộ quản lý, kỹ thuật của 620 hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác đăng ký tham gia Đề án; 3.000 cán bộ khuyến nông và KNCĐ; 1.200 cán bộ quản lý nhà nước các cấp, cán bộ của tổ chức đoàn thể liên quan triển khai Đề án của 12 tỉnh, thành phố; 200.000 nông dân được đào tạo quy trình canh tác sản xuất lúa bền vững, giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh, kỹ năng đăng ký, đánh giá giảm phát thải ở cấp độ hộ nông dân; khoảng 60 cán bộ kỹ thuật, cán bộ nông vụ, phụ trách nguyên liệu của 30 doanh nghiệp tham gia liên kết hoặc cam kết tham gia liên kết.

Giai đoạn 2 (năm 2026-2030), sẽ hoàn thành việc đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho 812.320 lượt người, bao gồm: 3.000 cán bộ quản lý, kỹ thuật trong hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác; 8.000 cán bộ khuyến nông và KNCĐ; 1.200 cán bộ quản lý nhà nước các cấp, cán bộ của tổ chức đoàn thể liên quan triển khai Đề án của 12 tỉnh, thành phố; 800.000 nông dân được đào tạo quy trình canh tác sản xuất lúa bền vững, giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh, kỹ năng đăng ký, đánh giá giảm phát thải ở cấp độ hộ nông dân; khoảng 120 cán bộ kỹ thuật, cán bộ nông vụ, phụ trách nguyên liệu của 60 doanh nghiệp tham gia liên kết hoặc cam kết tham gia liên kết.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung liên quan đến tổ chức triển khai kế hoạch nâng cao năng lực cho các đối tác và HTX tham gia thực hiện Đề án; các tiêu chí lựa chọn, tham gia Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Vùng lựa chọn tham gia Đề án phải được quy hoạch là đất chuyên trồng lúa trong quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030, phù hợp với quy hoạch cấp tỉnh và Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long, có diện tích liền mảnh tối thiểu là 50 héc-ta; có hệ thống hạ tầng thủy lợi được đầu tư cơ bản; hạ tầng điện, viễn thông và hậu cần đảm bảo hỗ trợ tốt cho sản xuất, chế biến, kinh doanh lúa gạo.

Đối với tiêu chí về canh tác bền vững và tăng trưởng xanh, đại diện Văn phòng Điều phối NNNT vùng ĐBSCL đề xuất lựa chọn vùng sản xuất hiện có trên 20% diện tích canh tác lúa đã áp dụng một trong các quy trình canh tác bền vững như 1 phải 5 giảm, tưới ngập khô xen kẽ, tiêu chuẩn SRP hoặc các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận; trên 70% diện tích canh tác lúa đã sử dụng giống lúa xác nhận hoặc tương đương; 100% hộ trong vùng cam kết thu gom rơm khỏi đồng ruộng để chế biến tái sử dụng.

Bên cạnh đó, các tiêu chí về tổ chức sản xuất cũng được các đại biểu tập trung thảo luận, như: tỷ lệ diện tích sản xuất và số nông dân trong vùng đã tham gia liên kết với doanh nghiệp thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác; tỷ lệ số hộ dân đã được tập huấn quy trình canh tác bền vững; đặc biệt là vùng tham gia đề án phải có tổ chức khuyến nông tham gia hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân.

Ngoài ra, tiêu chí về doanh nghiệp tham gia liên kết trong vùng Đề án cũng được đưa ra thảo luận. Theo đó, các doanh nghiệp tham gia Đề án phải có liên kết chuỗi với hợp tác xã hoặc tổ chức nông dân thông qua hợp đồng cụ thể; cam kết tham gia Đề án và có năng lực để tổ chức, giám sát quá trình sản xuất lúa gạo ở vùng liên kết.

Theo ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, để triển khai thành công Đề án Phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp thì tất cả các đối tượng tham gia vào chuỗi giá trị lúa gạo (khuyến nông, hợp tác xã, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước) đều phải được tăng cường năng lực và thống nhất với nhau cách để tổ chức thực hiện một triệu hec-ta này như thế nào. Trong đó lực lượng khuyến nông và khuyến nông cộng đồng giữ vai trò kết nối giữa doanh nghiệp với hợp tác xã và người sản xuất. Theo kế hoạch, khoảng giữa tháng 4/2024, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Cục Kinh tế hợp tác và PTNT và Trường Chính sách công và PTNN sẽ tổ chức lớp đào tạo đầu tiên cho 07 thành phần liên quan đến tổ chức thực hiện Đề án một triệu héc-ta, gồm: Chi cục Trồng trọt, Chi cục PTNT, Trung tâm Khuyến nông, Phòng NN/TTDVNN huyện, lãnh đạo HTX, lực lượng KNCĐ, cán bộ phụ trách doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết lúa gạo.

leftcenterrightdel
Theo ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc TTKNQG: Lực lượng khuyến nông và khuyến nông cộng đồng giữ vai trò kết nối giữa doanh nghiệp với hợp tác xã và người sản xuất. 

Góp ý các tiêu chí lựa chọn, tham gia Đề án, TS. Trần Minh Hải – Phó hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn cho rằng, đối với tiêu chí về canh tác bền vững, yêu cầu 100% hộ cam kết thu gom rơm đem ra khỏi đồng ruộng thì có thể được mở rộng áp dụng các giải pháp công nghệ mới xử lý rơm rạ giảm phát thải (xử lý rơm rạ bằng chế phẩm vi sinh,…). Đối với tiêu chí tổ chức sản xuất nên đặt ra yêu cầu 100% diện tích trong vùng Đề án phải tham gia liên kết với doanh nghiệp thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác, việc này có ý nghĩa quan trọng đối với việc chi trả tín chỉ cac-bon.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định, thực hiện Đề án một triệu hec-ta lúa chất lượng cao là một chủ trương lớn, có rất nhiều vấn đề đặt ra cần giải quyết. Đề án thực hiện thành công sẽ chuyển đổi căn bản phương thức sản xuất lúa ở vùng ĐBSCL. Trong quá trình thực hiện Đề án, cần tập trung nguồn lực hỗ trợ, nâng cao năng lực hoạt động của các HTX, “HTX thành công thì Đề án thành công, HTX thất bại thì Đề án thất bại”. Giai đoạn đầu triển khai Đề án, các địa phương lưu ý chọn những HTX năng động tham gia vào Đề án để tạo ra các điểm mô hình tiêu biểu cho các HTX khác học tập, từ đó nhân rộng ở giai đoạn tiếp theo, lan tỏa ra ngoài vùng Đề án.

Đối với kế hoạch nâng cao năng lực cho các đối tác, HTX tham gia Đề án, cần tập trung vào 5 nội dung đào tạo tập huấn: Quy trình canh tác bền vững do Cục Trồng trọt ban hành; Kế hoạch xây dựng công cụ đo lường, báo cáo và thẩm định (MRV) phát thải lúa; Củng cố, nâng cao năng lực các HTX nông nghiệp; Xây dựng chuỗi liên kết giữa HTX và doanh nghiệp; Tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp tham gia vào Đề án.

leftcenterrightdel
Thứ trưởng Trần Thanh Nam chỉ đạo hội nghị 

Đỗ Tuấn - Ánh Nguyệt