Trong tình trạng biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới việc sản xuất các loại cây trồng trên địa bàn tỉnh như hiện nay, đặc biệt là các mặt hàng rau, củ quả thường xuyên đối mặt với nhiều rủi ro vì tác động của thời tiết và sâu bệnh. Trước thực trạng đó, năm 2021, chị Nga mạnh dạn đầu tư 2.000m2 nhà màng để trồng thử nghiệm giống dưa leo baby. Sau hơn một năm sản xuất, mô hình dưa leo baby đã đưa lại hiệu quả kinh tế khả quan cho gia đình chị. Từ những kết quả đó, năm 2022 chị Nga tiếp tục mở rộng đầu tư xây dựng thêm 09 nhà màng trên diện tích đất còn lại, với diện tích 2.000m2/nhà màng, chi phí lắp đặt hoàn chỉnh hết 650 triệu/nhà màng. Các nhà màng được chị Nga sản xuất nhiều loại rau, củ quả khác nhau như: dưa lưới, dưa Hoàng Kim, dưa leo baby nhật, cà chua, dâu tây,… Chị áp dụng sản xuất theo hình thức gối đầu để thường xuyên có sản phẩm bán ra thị trường.

leftcenterrightdel
 Chị Nga chia sẻ quy trình canh tác các loại cây trồng trong trang trại của mình

Chị sử dụng 05 nhà màng để sản xuất dưa lưới, dưa hoàng kim. Năm đầu tiên trồng, tận dụng ưu điểm là nền đất sạch, chưa có nhiều nguồn bệnh nên lứa dưa đầu chị trồng trực tiếp vào đất với mật độ 6.000 cây dưa lưới/vụ/2.000m2 nhà màng. Để bảo đảm cây trồng phát triển đồng đều các chỉ tiêu về phân bón, nước tưới được chị đo lường rất kỹ bằng máy rồi tưới thông qua hệ thống tự động nhỏ giọt hiện đại công nghệ Israel. Cũng để thuận tiện cho quá trình chăm sóc và tiết kiệm công lao động, chị đã áp dụng hệ thống tưới hẹn giờ tự động theo nhu cầu của cây trồng. Tùy từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây mà số lần tưới cũng khác nhau, giai đoạn cây con tưới từ 3 - 4 lần/ngày, giai đoạn cây ra hoa kết trái tưới 5 - 6 lần/ngày, mỗi lần tưới từ 3 - 5 phút. Phương pháp này giúp cây trồng hấp thụ tốt chất dinh dưỡng, đáp ứng từng giai đoạn sinh trưởng của cây.

Chi Nga chia sẻ: Thông thường vào thời điểm ra hoa các nhà vườn thường áp dụng thụ phấn bằng ong, tỷ lệ thụ phấn của hoa không đảm bảo để trái phát triển tròn, đẹp, đậu quả không theo ý muốn, ngoài ra do nhà màng nóng nên tỷ lệ ong bị chết rất cao. Nhằm khắc phục các nhược điểm đó, chị Nga sử dụng dung dịch thụ phấn là chất điều hòa sinh trưởng thực vật. Sau khi lựa chọn vị trí đậu trái phù hợp, sử dụng dung dịch thụ phấn đã pha theo hướng dẫn để phun lên hoa, thời gian từ 7 giờ đến 9 giờ sáng. Dung dịch thụ phấn giúp thúc đẩy quá trình đậu trái ổn định ngay cả trong các điều kiện bất thường do nhiệt độ thấp, thiếu ánh sáng, mưa và thời tiết khác trong thời kỳ trổ hoa, khi lớn trái tròn đều và đẹp. Vườn dưa sau khoảng 70 ngày trồng và chăm sóc, cho thu hoạch năng suất đạt trên 13 tấn/vụ. Hiện nay với giá bán sỉ khoảng 30.000 đồng/kg, sau khi trừ các chi phí, vườn dưa lưới, dưa hoàng kim đã mang về cho gia đình chị gần 200 triệu đồng/vụ/2.000m2 nhà màng. Với phương pháp canh tác như hiện nay, mỗi năm gia đình chị Nga sản xuất được 3 - 4 vụ dưa/nhà màng/năm.

Ngoài dưa lưới, chị Nga còn trồng dưa leo baby Nhật luân phiên trong 2 nhà màng, với mật độ 6.000 cây/vụ/nhà màng. Khi trồng trong nhà màng thời gian thu hoạch sản phẩm kéo dài hơn nhiều so với canh tác ngoài trời, do đó cũng thu được năng suất cao hơn. “Nhà kính kiểm soát được 80% rủi ro do nắng mưa thất thường, sâu bệnh”. Thời gian từ lúc trồng đến khi thu hoạch xong kéo dài trong 4 tháng. Đối với cây dưa leo khi cao khoảng 30 cm và ra các tua cuốn nên tiến hành quấn cây lên dây treo. Cây dưa leo thường phát triển nhiều nhánh phụ, những nhánh này không hình thành quả hoặc quả nhỏ, kém chất lượng. Để tăng năng suất và hiệu quả cần phải tỉa bỏ những nhánh phụ, chỉ nuôi thân chính giúp tăng tuổi thọ cho cây, nâng cao năng suất, kích thước trái và giảm sâu bệnh. Sau 25 ngày trồng cây bắt đầu ra hoa, mỗi chùm hoa chỉ nên để 3 - 4 quả để dinh dưỡng tập trung nuôi quả, quả lớn đều, giá trị thương phẩm cao. Sau khoảng 45 ngày trồng, vườn dưa leo baby bắt đầu cho thu hoạch. Dưa leo baby Nhật quả giòn, có vị ngọt, chất lượng tốt, sản lượng thu được 4 tạ/ngày, chu kỳ thu hoạch trong vòng 70 ngày, năng suất đạt hơn 24 tấn/lứa/nhà màng, giá bán trung bình 10.000 đồng/kg. Như vậy, sau khi trừ các khoản chi phí nhân công, phân bón, điện, nước,… một năm cho thu được 2 lứa/nhà màng (đã trừ thời gian luân canh cây trồng khác), trung bình lợi nhuận thu về hơn 400 triệu đồng/năm.

Với các nhà màng còn lại chị Nga dùng để trồng cà chua socola, cà chua nova và dâu tây nhằm đa dạng sản phẩm phục vụ khách tham quan du lịch và thỏa mãn niềm đam mê nông nghiệp của chị.

leftcenterrightdel
 Chị Nga trong vườn cà chua của trang trại

Toàn bộ vườn cây được chị lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt và bón phân tự động. Quá trình sản xuất, chị không bị phụ thuộc nhiều vào thời tiết, kiểm soát được dịch bệnh và làm chủ quy trình sản xuất, giảm chi phí đầu tư,... Điều quan trọng hơn, cây trồng của chị ít bị sâu bệnh, vì nhà màng đã ngăn chặn được rất nhiều côn trùng gây hại, cũng giảm được chi phí sản xuất. Các sản phẩm rau, củ quả của chị Nga đạt chất lượng hàng loại 1 và được thị trường đón nhận với giá bán khá cao. Hiện nay, chị đã kết nối đầu ra với một số chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ sản phẩm.

Trong thời gian tới, chị Nga dự định sẽ phủ bạt đen dưới nền đất trong các nhà màng, mỗi cây được trồng riêng trong từng túi bầu FE với giá thể xơ dừa để kiểm soát được dịch bệnh, đặc biệt hạn chế tuyến trùng và nấm bệnh gây hại ở bộ rễ.

Có thể nói, thành công từ mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của gia đình chị Nga là cơ sở giúp thay đổi tư duy sản xuất, nhận thức về canh tác nông nghiệp, từ đó nhân rộng thêm các mô hình mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp phát triển kinh tế tại địa phương.

Nguyễn Thị Thu Hằng

Trung tâm Khuyến nông và GNLN tỉnh Đắk Nông