Tham dự hội thảo, có sự hiện diện của TS. Bùi Quang Hùng- Phó Giám đốc Đại học UEH kiêm Giám đốc PHVL; PGS.TS. Phan Thị Bích Nguyệt - Chủ tịch Hội đồng tư vấn chiến lược và chính sách, Nguyên Phó Hiệu trưởng UEH; GS.TS Nguyễn Trọng Hoài - Tổng biên tập Tạp chí JABES, Nguyên Phó Hiệu trưởng UEH; PGS.TS. Phạm Khánh Nam - Phó Hiệu trưởng, phụ trách Trường Kinh tế Luật và Quản lý nhà nước, UEH; TS. Đinh Thị Thu Hồng - Phó Hiệu trưởng Trường Kinh doanh (COB), UEH; GS.TS. Tô Trung Thành - Trưởng phòng QLKH, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; Ông Nguyễn Khắc Nhu - Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Long, Nguyên Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Long; TS. Bùi Xuân Thanh - Trưởng khoa Lý luận chính trị, UEH; TS. Hoàng Hải Yến - Trưởng khoa Ngân hàng, COB, UEH; TS. Trần Anh Hoa- Trưởng khoa Kế toán, COB, UEH; Lãnh đạo bộ môn, giảng viên các khoa, viện và sinh viên cơ sở chính; Ban Giám đốc, giảng viên, sinh viên Phân hiệu Vĩnh Long; đại diện các sở, ban, ngành, các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh Vĩnh Long; Liên hiệp các Hội khoa học & kỹ thuật, Hội Tin học, Hội Doanh nhân, các ngân hàng, doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh.

Diễn giả Hội thảo gồm: GS.TS. Nguyễn Trọng Hoài, PGS.TS. Phạm Khánh Nam; ThS. Nguyễn Anh Minh - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần KCN Thái Đô - thuộc KCN sinh thái Nam Cầu Kiền, Hải Phòng; TS. Nguyễn Trâm Anh - Chuyên gia kỹ thuật quốc gia Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) và bà Nguyễn Thị Lan Hương - Chánh Văn phòng Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HEPZA).

Hội thảo được tổ chức nhằm tạo ra một diễn đàn trao đổi, chia sẻ về mô hình kinh tế tuần hoàn giữa các nhà khoa học, cơ quan ban ngành, ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đặc biệt, tập trung vào các vấn đề về kinh tế tuần hoàn (KTTH) với sự phát triền bền vững, các mô hình kinh doanh tuần hoàn và mối quan hệ giữa KTTH với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, qua đó đề xuất các hàm ý chính sách góp phần thực hiện hiệu quả KTTH, thúc đẩy phát triển bền vững của Việt Nam trong đó có khu vực ĐBSCL trong thời gian tới.

Phát biểu chia sẻ tại Hội thảo, TS. Bùi Quang Hùng - Phó Giám đốc Đại học UEH kiêm Giám đốc PHVL chia sẻ: “Kinh tế tuần hoàn - Hướng đi cho phát triển bền vững là một chủ đề hội thảo hấp dẫn, thiết thực và mang nhiều ý nghĩa trong việc phát triển bền vững tại Việt Nam nói chung và tại khu vực ĐBSCL nói riêng trong thời gian tới. Khái niệm kinh tế tuần hoàn đã được thừa nhận và là một giải pháp thiết thực cho sự phát triển bền vững của các quốc gia trên thế giới. Các hoạt động của mô hình KTTH giúp tái sử dụng nguồn tài nguyên hữu hạn, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Việt Nam là quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, do đó việc áp dụng mô hình KTTH tại Việt Nam là điều tất yếu trong bối cảnh nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt. Đối với khu vực ĐBSCL, áp dụng mô hình KTTH sẽ giúp khu vực này bảo vệ nền sinh thái tự nhiên, phát triển bền vững trong tương lai, tập trung mô hình tăng trưởng chú trọng về đổi mới sáng tạo, giảm thiểu tác hại ra môi trường xung quanh. Với sứ mệnh của Đại học đa ngành, UEH đã triển khai nhiều chiến lược phát triển xanh, bền vững ở khu vực ĐBSCL với mong muốn góp phần tạo ra cơ hội tăng trưởng kinh tế, giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường, hỗ trợ trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) và đối mặt với thách thức của biến đổi khí hậu”.

leftcenterrightdel
TS. Bùi Quang Hùng - Phó Giám đốc Đại học UEH – phát biểu tại Hội thảo 

Ngay từ khi khởi động, Hội thảo đã thu hút được nhiều sự quan tâm của các chuyên gia, nhà khoa học và nhận được 85 bài tham luận đề cập đến các khía cạnh khác nhau về KTTH với sự phát triền bền vững, các mô hình kinh doanh tuần hoàn và mối quan hệ giữa KTTH với hiệu quả tài chính, giá trị công ty, qua đó đề xuất các hàm ý chính sách góp phần thực hiện hiệu quả KTTH, thúc đẩy phát triển bền vững của Việt Nam, trong đó có khu vực ĐBSCL. Tại hội thảo, các diễn giả đã trình bày những nội dung quan trọng về các nguyên lý, mô hình kinh tế tuần hoàn; nguồn lực cho quá trình phát triển kinh tế tuần hoàn và một số ứng dụng vào thực tiễn của mô hình kinh tế tuần hoàn tại các doanh nghiệp Việt Nam.

Những chủ đề và tham luận được trình bày đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều quý đại biểu và khách mời tham dự với nhiều câu hỏi, vấn đề thực tế được đặt ra và thảo luận tại Hội thảo.

Bên cạnh đó hội thảo đã tiến hành tổ chức 3 phiên song song: Phiên A: Nguyên lý, mô hình kinh tế tuần hoàn; Phiên B: Nguồn lực cho phát triển kinh tế tuần hoàn và Phiên C: Ứng dụng kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp với nhiều nghiên cứu và ý kiến có đóng góp quan trọng về mô hình KTTH tại Việt Nam nói chung và khu vực ĐBSCL nói riêng. Đồng thời đưa ra những kiến nghị về giải pháp, chính sách phát triển mô hình KTTH trong thời gian tới, góp phần tạo ra cơ hội tăng trưởng kinh tế, giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường, hỗ trợ trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và đối mặt với thách thức của biến đổi khí hậu./.

Trí Tuệ

TTDVNN, QLKTCTTL&NSNT Đồng Tháp