Đồng bộ kỹ thuật canh tác lúa giảm phát thải

Ngày 22/5 tại xã Tân Hội (huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Văn phòng thường trực tại Nam bộ) phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang tổ chức khai giảng lớp tập huấn quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL. Lớp tập huấn nhằm phục vụ xây dựng mô hình thí điểm thuộc Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 (Đề án 1 triệu ha lúa).

Tham dự lớp tập huấn có gần 30 học viên là thành viên Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Thanh niên Phú Hòa (xã Tân Hội) - một trong những tổ chức nông dân được tỉnh Kiên Giang chọn tham gia thí điểm thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa ngay từ vụ lúa hè thu năm 2024 với diện tích 50ha/tổng diện tích hơn 600 ha của HTX.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh lớp tập huấn 

Trong thời gian 2 ngày (22 - 23/5) tham gia lớp tập huấn, các học viên được tiếp thu các kiến thức về quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL do Cục Trồng trọt, với sự hỗ trợ của Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) và một số chuyên gia trong nước xây dựng.

Quy trình bao quát toàn bộ các khâu của sản xuất lúa, gồm 3 hợp phần: Kỹ thuật canh tác; thu hoạch và xử lý sau thu hoạch; quản lý rơm rạ. Các hợp phần này liên kết, thống nhất với nhau tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh, đồng bộ để áp dụng cho sản xuất lúa trong vùng của Đề án 1 triệu ha lúa.

Theo đó, các học viên được các chuyên gia chia sẻ các kiến thức về quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp, kết hợp giữa lý thuyết, thảo luận và thực hành áp dụng vào đồng ruộng. Nội dung được chia thành từng chuyên đề, hợp phần để học viên dễ tiếp thu.

Hợp phần kỹ thuật canh tác bao gồm các kỹ thuật trong làm đất, quản lý nước, gieo sạ, bón phân và quản lý dịch hại tổng hợp theo nguyên tắc canh tác bền vững và giảm phát thải. Hợp phần thu hoạch và xử lý sau thu hoạch bao gồm các kỹ thuật trong thu hoạch, sấy lúa và bảo quản lúa theo nguyên tắc nâng cao chất lượng lúa gạo, giảm thất thoát sau thu hoạch, tiết kiệm năng lượng. Hợp phần quản lý rơm rạ bao gồm các kỹ thuật quản lý rơm và gốc rạ theo nguyên tắc tuần hoàn và giảm phát thải.

leftcenterrightdel
Học viên thực hành tại đồng ruộng 

Nền tảng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp

Quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL được tập huấn cho các đối tượng là nông hộ, HTX, trang trại, doanh nghiệp. Trong đó, HTX đóng vai trò quan trọng trong thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật của cán bộ khuyến nông cộng đồng. Địa bàn áp dụng quy trình là vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp của Đề án 1 triệu ha lúa và các vùng khác có điều kiện tương tự.

Kỹ thuật canh tác lúa gồm các khâu chính là làm đất, gieo sạ, quản lý nước, bón phân và quản lý dịch hại tổng hợp. Mặt ruộng cần được san bằng phẳng. Hàng năm, đất ruộng cần được cày và phơi ải vào mùa khô sau khi thu hoạch vụ lúa đông xuân. Các vụ còn lại áp dụng phương thức xới, trục và trạc. 

Sử dụng giống lúa xác nhận với lượng giống gieo sạ không quá 70kg/ha. Gieo sạ đồng loạt theo lịch xuống giống của cơ quan chuyên môn địa phương. Sử dụng máy sạ hàng hoặc sạ cụm với mật độ thưa thích hợp, kết hợp bón vùi phân để giản thất thoát và công lao động. Áp dụng rút nước theo nguyên tắc ướt - khô xen kẽ (AWD). Chỉ đưa nước vào ruộng khi mực nước xuống thấp dưới mặt đất 15cm hoặc mặt ruộng nứt chân chim với mực nước ngập tối đa 5cm.

Bón phân hợp lý, cân đối theo nhu cầu của cây lúa, theo vùng đặc thù và mùa vụ. Khuyến khích sử dụng bảng so màu lá lúa để điều chỉnh lượng đạm bón phù hợp. Khi sạ lúa kết hợp vùi phân, nên giảm 10 - 15% lượng đạm bón so với phương pháp sạ không kết hợp vùi phân. Áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên nền tảng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM). Áp dụng nguyên tắc "4 đúng" trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Ưu tiên sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, thảo mộc.

Lúa phải được thu hoạch đúng thời điểm, khi lúa chín khoảng 85 - 90% bông, sử dụng máy gặt đập liên hợp. Ứng dụng công nghệ sấy và bảo quản tiên tiến để giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch. Khuyến khích áp dụng công nghệ số trong quản lý, bảo quản lúa.

Quản lý rơm rạ theo hướng tuần hoàn và phát thải thấp. Không đốt rơm hoặc vùi rơm trong ruộng ngập nước. Thu rơm ra khỏi ruộng bằng máy cuốn rơm, ưu tiên tái sử dụng hay tuần hoàn rơm tại địa phương. Rơm khô, chất lượng phù hợp có thể sử dụng để trồng nấm hoặc sản xuất thức ăn cho đại gia súc, đệm lót sinh học và sản xuất các vật dụng thay thế nhựa như chậu trồng hoa, kiểng... Rơm ướt hoặc rơm đã bị hoai mục sử dụng để phủ gốc cây. Riêng rơm đã bị mốc có thể sử dụng để sản xuất phân bón hữu cơ. Tất cả các loại rơm và phụ phẩm hay chất thải từ trồng nấm và chăn nuôi nên được sử dụng làm phân bón hữu cơ.

Liên kết theo chuỗi giá trị

Một trong những nội dung quan trọng của Đề án 1 triệu ha lúa là việc tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị lúa gạo, liên kết các chủ thể sản xuất, kinh doanh ở các khâu, công đoạn khác nhau trong quá trình làm ra lúa gạo nhằm chia sẻ và nâng cao lợi ích của mỗi chủ thể tham gia chuỗi giá trị. Theo đó, đầu ra của chủ thể kinh doanh này là đầu vào của chủ thể kinh doanh kế tiếp của quá trình kinh doanh.

Tổ chức liên kết sản xuất lúa gạo theo hợp đồng đem lại nhiều lợi ích to lớn. Theo đó, sẽ tập trung nhiều hộ sản xuất tiểu nông nhỏ lẻ thành vùng sản xuất hàng hóa với chất lượng đồng đều và khối lượng tập trung. Nối kết thông tin hai chiều giữa thị trường tiêu dùng với người sản xuất, nhờ đó sản phẩm đáp ứng đúng yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm do thị trường đòi hỏi, tăng khả năng cạnh tranh và giá trị sản phẩm. Gắn công nghiệp chế biến và hoạt động kinh doanh dịch vụ với địa bàn kinh tế nông thôn, góp phần quan trọng chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng đa dạng hóa, công nghiệp hóa, thúc đẩy liên kết nông nghiệp với công nghiệp.

Tổ chức nông dân (HTX) có vai trò nòng cốt trong triển khai thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa. Tham gia chuỗi giá trị lúa gạo, HTX có vai trò đại diện cho các hộ đàm phán, ký hợp đồng với doanh nghiệp; giám sát, hỗ trợ các hộ nông dân thành viên thực hiện đúng quy trình sản xuất theo hợp đồng đã ký. Đồng thời là đầu mối để tiếp nhận vật tư của doanh nghiệp ứng trước cho hộ nông dân sản xuất; tổ chức thực hiện các dịch vụ như làm đất, gieo sạ, bơm tưới, chăm sóc lúa (sạ phân, phun xịt thuốc), thu hoạch, vận chuyển, sấy lúa…

leftcenterrightdel
 

Đ.T.Chánh

Báo NNVN