Đồng Tháp: Tập huấn quy trình canh tác lúa giảm phát thải
Cập nhật lúc 17:06, Thứ năm, 23/05/2024 (GMT+7)
Đồng Tháp là một trong năm tỉnh, thành (Kiên Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh và Đồng Tháp) được Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn chọn thực hiện mô hình thí điểm thuộc Đề án Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Từ ngày 21 - 22/5/2024, tại Hợp tác xã Thắng Lợi, xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười tỉnh Đồng Tháp, Văn phòng thường trực tại Nam Bộ phối hợp Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Quản lý khai thác công trình thủy lợi và Nước sạch nông thôn, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp tổ chức lớp tập huấn quy trình canh tác lúa giảm phát thải phục vụ xây dựng mô hình thí điểm thuộc Đề án Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp” cho gần 40 học viên là cán bộ Chi cục trồng trọt - Bảo vệ thực vật, Chi cục Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiêp tỉnh, huyện, cán bộ khuyến nông cộng đồng. Đặc biệt là các thành viên HTX Thắng lợi tham gia thực hiện mô hình điểm với quy mô 50 ha.
Để trang bị kiến thức cho nông dân cũng như cán bộ tham gia thực hiện Đề án có hiệu quả, lớp tập huấn chuyển giao tương đối đầy đủ các kiến thức trong quy trình canh tác lúa chất lượng cao đến với nông dân. Đây là bước đệm tạo thuận lợi cho các HTX khi triển khai mô hình thí điểm. Lớp tập huấn được các giảng viên đến trừ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các chuyên gia của Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, Công ty Sài gòn Kim Hồng chia sẽ các nội dung về: Quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL; Hướng dẫn phương pháp đo đạc, kiểm đếm, thẩm định lượng phát thải khí nhà kính (khung đo đạc MRV), tín chỉ và thị trường carbon; Vai trò khuyến nông, khuyến nông cộng đồng trong triển khai Đề án 1 triệu ha lúa; hợp tác xã tổ chức sản xuất lúa chất lượng cao, giảm phát thải; Tổ chức liên kết xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm lúa chất lượng cao giảm phát thải; các giải pháp, công nghệ sản xuất lúa chất lượng cao, giảm phát thải; các giải pháp xử lý rơm rạ tận dụng phụ phế phẩm trong sản xuất lúa và các cây trồng khác góp phần giảm phát thải.
Qua 02 ngày được các chuyên gia chia sẻ và tham quan thực tế đồng ruộng, học viên được đánh giá 100% hoàn thành khá tốt lớp học và có khả năng áp dụng mô hình trong thời gian tới./.
|
|
Giảng viên của TTKNQG chia sẻ quy trình canh tác lúa giảm phát thải |
|
|
Học viên tham quan ruộng tại HTX Thắng Lợi |
Trí Tuệ
Trung tâm DVNN Đồng Tháp