Nhằm cung cấp thêm thông tin và giúp cho cán bộ, nông dân trên địa bàn tỉnh Long An tiếp cận với công cụ kỹ thuật số trong lĩnh vực canh tác lúa, ngày 11/12/2024, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Long An tổ chức 2 lớp tập huấn sử dụng công cụ theo dõi và đánh giá hoạt động sản xuất lúa cấp đồng ruộng FarMoRe trong sản xuất lúa bền vững và phát thải thấp. Tham dự lớp tập huấn có 71 đại biểu là cán bộ khuyến nông, đại diện Hợp tác xã, Tổ Khuyến nông cộng đồng và nông dân sản xuất lúa.

 

Lớp tập huấn xoay quanh 2 nội dung chính là kỹ thuật canh tác lúa bền vững, giảm phát thải và hướng dẫn sử dụng công cụ FarMoRe để đánh giá đồng ruộng. Đối với kỹ thuật canh tác lúa bền vững, giảm phát thải, người sản xuất lúa sẽ áp dụng theo biện pháp canh tác lúa tổng hợp 1 phải 5 giảm; trong đó cần chú ý đến các biện pháp về giống, quản lý nước thu gom, xử lý, tái chế rơm rạ, phụ phẩm, triển khai đồng bộ cơ giới hóa,… nhằm mục đích tiết kiệm năng lượng và giảm tối đa lượng khí phát thải từ sản xuất lúa. Ngoài ra, các kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến cũng được chia sẻ trong lớp tập huấn như hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI) kết hợp với mô hình nông nghiệp bảo tồn (CA) hay sản xuất nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, đa dạng hóa hệ thống canh tác có lúa,…

 

Về công cụ kỹ thuật số thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh được hướng dẫn trong lớp tập huấn là phần mềm FarMoRe, phần mềm được thiết kế dựa trên nguyên tắc cốt lõi của nông nghiệp sinh thái, cụ thể là canh tác lúa. Ứng dụng này nhằm mục đích thu thập dữ liệu từ hoạt động canh tác lúa của người dân để phục vụ cho việc quản lý và tư vấn kỹ thuật, đồng thời cung cấp thang đánh giá thực hành canh tác, từ đó so sánh và đưa ra các quyết định để cải thiện quy trình sản xuất hướng đến sản xuất lúa bền vững, phát thải thấp.

leftcenterrightdel

Học viên thực tập phần mềm FarMoRe trên điện thoại thông minh

 

Để các học viên tham dự tập huấn có thể thực hiện và hướng dẫn cho người khác thực hiện được việc cung cấp thông tin trên phần mềm công cụ đánh giá FarMoRe, tập huấn viên đã tạo tài khoản cố định và hướng dẫn chi tiết các thao tác từ việc tải phần mềm, nhập dữ liệu sản xuất theo từng vụ,… đến việc xem kết quả đánh giá. Từ dữ liệu đã nhập, FarMoRe sẽ cho ra kết quả đánh giá mức độ sản xuất của từng hộ trên mức độ sản xuất trung bình của vùng. Thông qua kết quả đó, cán bộ kỹ thuật sẽ biết được các mặt đã làm tốt và chưa tốt trong quá trình canh tác lúa của từng hộ và sẽ đưa ra các khuyến cáo cũng như các giải pháp phù hợp để người dân thực hiện nhằm mục đích nâng cao năng suất, chất lượng nhưng vẫn đảm bảo an toàn, thân thiện với môi trường và người tiêu dùng.

 

Việc ứng dụng kỹ thuật số thông qua ứng dụng từ điện thoại thông minh đối với người nông dân hiện nay nói chung khá phổ biến nhưng trong sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế. Vì vậy, muốn triển khai ứng dụng công nghệ số trên diện rộng thì cần có sự chung tay của nhiều bên liên quan như cơ quan quản lý, cán bộ kỹ thuật, hợp tác xã, tổ Khuyến nông cộng đồng và đặc biệt là chính bản thân của người sản xuất lúa. Vì vậy, việc hướng dẫn cho người dân không dừng lại sau khi kết thúc lớp tập huấn mà người dân cần được tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện ở các vụ mùa tiếp theo nhằm đảm bảo dữ liệu được cập nhật liên tục, đầy đủ. Có như vậy thì việc đưa ra các khuyến cáo, tư vấn cho người trồng lúa mới được chính xác và nhanh chóng./.

Hiếu Dân

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Long An