Không khí lạnh tiếp tục hoạt động mạnh hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) và có khả năng xuất hiện nhiều ngày rét đậm, rét hại trong các tháng 01-02/2023. Nhiệt độ trung bình từ tháng 01-3/2023 phổ biến ở mức xấp xỉ TBNN; tháng 02/2023 khu vực Bắc Bộ cao hơn khoảng 0,5 độ C so với TBNN.

Về lượng mưa, khu vực Bắc Bộ tháng 01-02/2023, tại Bắc Bộ tổng lượng mưa (TLM) phổ biến thấp hơn 5-15mm so với TBNN. Trong tháng 3/2023 TLM phổ biến xấp xỉ TBNN cùng thời kỳ. Khu vực Bắc Trung Bộ, tháng 01-3/2023, tổng lượng mưa phổ biến xấp xỉ so với TBNN, riêng tháng 01/2023 phổ biến thấp hơn từ 5-15mm.

Xu thế khí tượng, thủy văn từ tháng 4-6/2023:

Khí tượng, hiện tượng ENSO: Nhiệt độ mặt nước biển khu vực Nino 3.4 có xu hướng tăng dần và ENSO có khả năng ở trạng thái trung tính với xác suất từ 70 - 75%.

Về bão/ATNĐ: Từ tháng 4-6/2023, số lượng bão/ATNĐ trên khu vực Biển Đông có khả năng tương đương với TBNN cùng thời kỳ.

Xu thế nhiệt độ trung bình: Trên phạm vi toàn quốc nhiệt độ phổ biến xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ.

Xu thế lượng mưa: Khu vực Bắc Bộ: Trong tháng 4/2023, TLM phổ biến xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ. Trong tháng 5-6/2023, TLM phổ biến cao hơn TBNN từ 10-40mm, có nơi cao hơn. Khu vực Bắc Trung Bộ: Tháng 4/2023, TLM phổ biến thấp hơn TBNN từ 5-15mm; tháng 4/2023 TLM có khả năng cao hơn từ 10-35mm. TLM trong tháng 6/2023 cao hơn 20-40mm so với TBNN.

Mặt khác, lập Xuân năm 2023 vào ngày 04/02/2023 (ngày 14/01 âm lịch năm Quý Mão), do vậy cần bố trí thời vụ, cơ cấu giống để đảm bảo lúa trỗ vào thời gian an toàn, tránh ảnh hưởng của đợt rét cuối - rét nàng Bân, đặc biệt là các tỉnh Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và Trung du miền núi phía Bắc (TDMNPB).

Để chăm sóc, thu hoạch cây vụ Đông 2022 (diện tích còn khoảng 50 ha, chủ yếu là rau) và chuẩn bị gieo trồng vụ Đông Xuân 2022-2023 đạt kết quả tốt, Cục Trồng trọt đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh/thành phía Bắc tập trung chỉ đạo một số nội dung sau:

1. Với cây rau màu

- Chỉ đạo chăm sóc, bảo vệ tốt những diện tích cây vụ Đông đảm bảo năng suất, sản lượng, hiệu quả kinh tế và thu nhập của nông dân; không gieo trồng các cây rau màu khi thời tiết còn rét đậm, rét hại.

- Chỉ đạo thu hoạch kịp thời những diện tích cây vụ Đông đã đến kỳ thu hoạch nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, đồng thời chỉ đạo nông dân tiếp tục thâm canh tăng vụ rải vụ bằng cách trồng các loại rau ưa lạnh, ngắn ngày, nhằm đảm bảo kế hoạch, đảm bảo cung cấp đủ rau xanh trước và sau Tết Nguyên đán, có giải pháp thu hoạch, tiêu thụ rau cần trước lấy nước gieo cấy lúa vụ Đông Xuân.

- Khoanh vùng bảo vệ diện tích chuyên màu, diện tích chuyển đổi tránh bị ngập nước do đổ ải.

- Có kế hoạch chuẩn bị giống, quỹ đất cho việc gieo trồng các loại cây rau màu vụ Xuân, nhất là trên các vùng chuyên màu và vùng chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây rau màu vụ Xuân.

- Đẩy mạnh phát triển và liên kết sản xuất - tiêu thụ rau an toàn. Tăng cường công tác kiểm tra chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

2. Sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2022-2023

Vụ Đông xuân là vụ sản xuất chính quyết định giá trị, sản lượng lương thực, tăng trưởng của lĩnh vực trồng trọt, các địa phương tập trung và chỉ đạo sát sao kế hoạch gieo trồng vụ Đông Xuân 2022-2023. Vụ Đông Xuân 2022-2023 toàn vùng dự kiến gieo cấy 1,075 triệu ha, giảm khoảng 6 nghìn ha so với lúa vụ Đông Xuân 2021-2022; năng suất trung bình đạt 64,5 tạ/ha tăng khoảng 0,3 tạ/ha so với năm trước, sản lượng ước đạt khoảng 6,933 tấn, giảm khoảng 15 nghìn tấn so với cùng kỳ. Các địa phương bố trí thời vụ gieo cấy phù hợp theo nguyên tắc đảm bảo lúa phân hóa đòng và trỗ gặp thời tiết thuận lợi; tránh rét “nàng bân” khi lúa trỗ, tránh lụt Tiểu mãn ở vùng đất thấp khi thu hoạch, đồng thời bố trí thời vụ gieo cấy sớm lúa vụ Hè Thu, vụ Mùa và triển khai vụ Đông 2023, đặc biệt lưu ý đảm bảo nguồn nước cho sản xuất lúa trong cả vụ và gieo cấy lúa Hè thu tại các tỉnh BTB.

- Xây dựng kế hoạch sản xuất cụ thể trên địa bàn, đặc biệt kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa. Tính toán kỹ thời vụ các loại giống cây trồng để có kế hoạch chuyển đổi những diện tích không đủ nước cho việc gieo cấy lúa sang gieo trồng các cây rau màu khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.

- Chủ động phòng chống rét cho mạ, lúa mới cấy, lúa gieo sạ bằng các biện pháp tưới đủ nước; lưu ý che phủ nilon 100% diện tích mạ xuân để phòng tránh rét và ngăn chặn xâm nhập của rầy mang nguồn bệnh lùn sọc đen phương Nam trên mạ; theo dõi tình hình thời tiết để điều chỉnh việc bón phân cho phù hợp, tránh bón phân đạm cho mạ và lúa mới cấy khi nhiệt độ xuống thấp.

- Các tỉnh BTB chủ yếu sử dụng giống ngắn ngày, cực ngắn ngày, hạn chế tối đa giống dài ngày, đảm bảo lúa trỗ từ 25/4 đến 5/5 đối với các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh và từ 10/4 đến 25/4 đối với các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế.

- Các tỉnh ĐBSH và TDMNPB hạn chế tối đa trà Xuân sớm, Xuân trung, tập trung chủ yếu trà Xuân muộn, gieo mạ xung quanh tiết lập Xuân và tập trung cấy sau Tết Nguyên đán, kết thúc cấy trong tháng 02/2023 bằng các giống lúa ngắn ngày, đảm bảo lúa trỗ tập trung từ 10-20/5/2023, hạn chế diện tích lúa gieo thẳng, tăng cường ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất như mạ khay, máy cấy, máy gặt đập liên hợp,... nhằm giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất.

- Theo sát lịch lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2022-2023 vùng Trung du và đồng bằng Bắc bộ tại Thông báo số 8073/TB-BNN-TCTL ngày 30/11/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT (Đợt 1: Từ 0 giờ 00 ngày 06/01/2023 đến 24 giờ 00 ngày 09/01/2023 (04 ngày); Đợt 2: từ 0 giờ 00 ngày 01/02/2023 đến 24 giờ 00 ngày 08/02/2023 (08 ngày). Chuẩn bị tốt nhất các điều kiện về nhân lực và hệ thống máy bơm, kể cả bơm dầu, bơm lưu động để lấy nước đạt hiệu quả cao nhất, lấy nước đổ ải thau chua, rửa mặn ở vùng ven biển, tích và giữ nước kịp thời hiệu quả, đảm đủ nước gieo cấy luá vụ Đông Xuân 2022-2023 trong khung thời vụ tốt nhất, giữ nước cho tưới dưỡng giai đoạn lúa đẻ nhánh, làm đòng; tránh làm thiệt hại và ảnh hưởng đến vùng trồng cây vụ Đông.

- Rà soát cơ cấu giống lúa, lựa chọn 3-4 giống chủ lực, 3-4 giống bổ sung, tỷ lệ mỗi giống không quá 30% diện tích để tránh rủi ro; chuẩn bị lượng hạt giống dự phòng khoảng 10% bằng các giống lúa có thời gian sinh trưởng cực ngắn ngày, ngắn ngày để kịp thời gieo cấy lại nếu diện tích lúa mới gieo, cấy bị thiệt hại do rét gây ra.

3. Đối với cây công nghiệp và cây ăn quả

- Đối với các vườn cây đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản: Cần có các biện pháp bảo vệ kịp thời như tủ giốc giữ ấm cho cây. Thực thiện việc bao tán cho cây bằng túi nilon (khi có tuyết, sương muối), có tác dụng ngăn chặn sương muối và giữ ấm cho toàn bộ tán lá cây mới trồng. Đồng thời chuẩn bị nguồn giống để trồng giặm đối với những diện tích bị chết.

- Đối với cây đang trong thời kỳ kinh doanh: Bổ sung thêm kali, phân hữu cơ để tăng khả năng chống rét cho cây; tiến hành tủ gốc bằng tàn dư hữu cơ, phế phụ phẩm nông nghiêp để vừa giữ ấm vừa giữ ẩm cho gốc và rễ cây; Khi có dự báo sương muối, rét đậm rét hại những nơi có điều kiện tiến hành tưới nước, hun khói ở đầu hướng gió, che cho cây mới trồng để giảm tác hại của rét đậm rét hại;

Đối với cây cao su: Điều chỉnh lượng phân bón, tăng cường kali, giảm NPK vào đợt cuối trước mùa đông để tăng khả năng chịu rét cho cây cao su; Đối với cây cà phê chè: Hướng dẫn người sản xuất trồng cây cây che bóng, chắn gió tầng cao, tầng thấp theo quy trình kỹ thuật.

4. Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm trong kinh doanh giống cây trồng và vật tư nông nghiệp trên thị trường.

5. Phân công lãnh đạo, cán bộ chuyên môn bám sát cơ sở, tăng cường công tác dự tính, dự báo, thông tin tuyên truyền hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật, nhằm khắc phục kịp thời ảnh hưởng của thời tiết và sâu bệnh hại.

BBT