Các đại biểu tham dự Hội nghị là đại diện các HTX sản xuất nông nghiệp có nhu cầu sử dụng dịch vụ mạ khay, cấy máy, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay; các chủ máy cấy, máy bay không người lái phục vụ sản xuất nông nghiệp; các đơn vị cung ứng dịch vụ mạy khay trong tỉnh.

Hội nghị đã đánh giá về thực trạng ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa gạo tại tỉnh. Với các chính sách hỗ trợ của tỉnh về cơ giới hóa nông nghiệp, nhất là cơ giới hóa trong sản xuất lúa gạo như hiện nay cùng với những ưu điểm vượt trội của phương pháp cấy máy thì tỷ lệ cấy máy tại các địa phương trong tỉnh sẽ có xu hướng tiếp tục tăng cao trong các năm tới. Hiện tại toàn tỉnh ước có khoảng trên 200 máy cấy các loại, trong đó máy cấy cỡ lớn ngồi lái 30 cái (máy cấy 6 hàng Kobuta), còn lại là máy cấy Văn Lang. Trong vụ Đông Xuân vừa qua diện tích cấy máy toàn tỉnh đạt 2000 ha, chiếm 50% diện tích lúa cấy. Cùng với đó số lượng máy bay không người lái phục vụ sản xuất nông nghiệp trong tỉnh tăng mạnh trong 2 năm qua, tính đến thời điểm toàn tỉnh có khoảng 10 cái.

leftcenterrightdel

Ông Bùi Hữu Ngọc – Giám đốc TTKN Ninh Bình phát biểu tại hội nghị

Theo báo cáo Hội nghị, tại các địa phương, thời vụ gieo cấy tập trung khoảng 10 – 15 ngày nên với số lượng máy cấy chỉ có thể đáp ứng được một phần diện tích nhất định (công suất cấy của máy cấy 6 hàng đạt tối đa cấy 04 ha/ngày). Đầu tư cơ sở mạ khay máy cấy cần vốn lớn nên các chủ máy chưa có điều kiện để mở rộng, đầu tư thêm máy cấy, giàn gieo... vì vậy các chủ máy chưa đủ năng lực để thực hiện hợp đồng liên kết ở quy mô lớn. Từ thực tiễn này, việc liên kết các chủ máy cấy, đơn vị sản xuất mạ khay, HTX sản xuất nông nghiệp là rất cần thiết trong việc cung cấp dịch vụ mạ khay máy cấy quy mô lớn, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của máy móc, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ mạ khay máy cấy của người nông dân.

Do đó toàn bộ nội dung của hội nghị chủ yếu dành cho các đại biểu thảo luận chia sẻ về thực trạng ứng dụng mạ khay cấy máy tại địa phương; những thuận lợi, khó khăn trong quá trình cung ứng dịch vụ mạ khay cấy máy và phun thuốc bảo vệ thực vật của các chủ máy; giải pháp để các chủ máy, đơn vị sản xuất lúa tại các địa phương trong tỉnh có thể bắt tay liên kết cung ứng dịch vụ để khai thác tối đa công năng của máy móc đã đầu tư và diện tích đất sản xuất lúa lớn của các địa phương, đảm bảo hiệu quả kinh tế và thời vụ gieo cấy.

Các đại biểu tham dự hội nghị phát biểu thảo luận khẳng định, sản xuất mạ khay cấy máy là xu thế tất yếu trong thời gian tới, bà con tại các địa phương đã nhận thấy sự thay đổi về hiệu quả kinh tế, môi trường của phương pháp này đem lại. Việc đẩy mạnh ứng dụng mạ khay cấy máy trước mắt cần có sự liên kết của các chủ máy, sự tham gia của các Hợp tác xã và cơ quan quản lý nhà nước.

Hội nghị thành công là cầu nối cho các HTX sản xuất nông nghiệp có nhu cầu sử  dụng dịch vụ mạ khay, cấy máy, các chủ máy cấy, máy bay không người lái phục vụ sản xuất nông nghiệp, đơn vị cung ứng dịch vụ mạy khay trong tỉnh kết nối, liên kết với nhau, có thể trong thời gian tới các Trung tâm, hoặc tổ hợp tác cung ứng dịch vụ mạ khay cấy máy trong trong tỉnh được thành lập, giúp các chủ máy mạnh dạn đầu tư, khai thác tối đa công năng sử dụng máy và giảm chi phí dịch vụ cấy cho bà con, góp phần thúc đẩy sản xuất lúa gạo theo hướng hữu cơ, đảm bảo sinh kế và an ninh lương thực cho địa phương, hạn chế tình trạng bỏ hóa ruộng đất.

Nguyễn Thị Hồng

Trung tâm Khuyến nông Ninh Bình