Tây Ninh đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong nông nghiệp. Đây được xem là bước ngoặt giúp nền nông nghiệp tỉnh nhà phát triển tích cực, hiện đại và bền vững. Bên cạnh đó, du lịch của tỉnh cũng đang có nhiều chuyển biến mạnh và tích cực với lượng du khách đến Tây Ninh ngày càng tăng cao. Do đó, các mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái được đánh giá là có tiềm năng rất lớn và phù hợp để phát triển trong tương lai.

Từ ngày 10-12/7/2024, Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh đã tổ chức chuyến học tập kinh nghiệm các mô hình phát triển ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp và mô hình nông nghiệp sinh thái tại tỉnh Bình Thuận. Đoàn học tập kinh nghiệm gồm 26 thành viên là lãnh đạo của Trung tâm Khuyến nông, cán bộ Sở Nông nghiệp và PTNT, cán bộ khuyến nông và một số nông dân đã và đang quan tâm thực hiện nông nghiệp ứng dụng chuyển đổi số hoặc nông nghiệp sinh thái trên địa bàn tỉnh.

Trong buổi làm việc và trao đổi với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận, ông Lâm Hồng Thái – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh đã chia sẻ sơ lược về một số thuận lợi, khó khăn, những tiềm năng và cơ hội trong việc tiếp cận, triển khai ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp cũng như phát triển các mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái của tỉnh Tây Ninh. Ông Thái bày tỏ mong muốn được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận chia sẻ kinh nghiệm quản lý và giới thiệu một số mô hình đạt hiệu quả đúng với mục tiêu chuyến học tập của đoàn. Theo đó, đoàn tham quan đã đến tham quan, học tập trang trại sản xuất thanh long Trịnh Anh tại xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam. Bà Nguyễn Thị Kim Hồng - Quản lý trang trại Trịnh Anh cho biết trang trại đang sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP và đã được cấp mã vùng trồng từ năm 2020. Tổng diện tích vườn là 30 ha với hơn 33 nghìn trụ thanh long và đạt năng suất khoảng 1.000 tấn/năm. Trong đó chủ yếu là các giống thanh long ruột đỏ, trắng, tím hồng,… Trang trại sử dụng đèn led thay đèn chữ U truyền thống cùng với hệ thống tưới và bón phân tự động. Các hệ thống này đã giúp trang trại tiết kiệm được lượng lớn điện, nước và phân bón. Từ đó làm giảm chi phí sản xuất tăng hiệu quả kinh tế cho trang trại.

Sau buổi học tập tại trang trại Trịnh Anh, Đoàn đã đến nơi sản xuất và chế biến của Hợp tác xã (HTX) Hoà Lệ tại Thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc để trao đổi công tác quản lý, xây dựng chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. HTX Hoà Lệ được thành lập năm 2017, tổng diện tích sản xuất thanh long khoảng 200 ha, cung cấp cho thị trường 5.000 tấn/năm. HTX đã liên kết với nông dân và HTX, tổ sản xuất trong khu vực để đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu cho nhà máy sản xuất. HTX đã sản xuất ra nhiều loại sản phẩm về thanh long như rượu vang thanh long, mứt thanh long, kem thanh long,… Qua đó HTX đã đa dạng sản phẩm để đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng và đặc biệt là nâng cao hiệu quả kinh tế trái thanh long tại địa phương.

Ngoài cơ sở chế biến tại Thị trấn Ma Lâm, HTX Hoà Lệ còn có một cơ sở canh tác thanh long kết hợp với du lịch sinh thái ở xã Thuận Hoà, huyện Hàm Thuận Bắc. Tại đây, ngoài khu trưng bày các sản phẩm mà HTX chế biến, sản xuất thì còn có vườn thanh long rộng 2ha cho du khách tham quan và có thể trải nghiệm hái quả tại vườn. Bên cạnh đó, cơ sở cũng cung các các dịch vụ khác như thưởng thức các món ăn, thức uống chế biến từ thanh long. Ngoài ra, HTX cũng đầu tư xây dựng một hầm rượu cho du khách tham quan nhằm tối ưu những trải nghiệm của khách hàng và hoàn thiện mô hình nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái của HTX.

Từ những kinh nghiệm được chia sẻ, các thành viên của đoàn có thêm hiểu biết, thông tin về việc ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp và nông nghiệp sinh thái, lựa chọn những mô hình phù hợp với thực tiễn tại Tây Ninh để nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân cũng như góp phần phát triển những tiềm năng nông nghiệp của tỉnh nhà trong tương lai.

leftcenterrightdel

Đoàn đang thảo luận và trao đổi tại vườn thanh long của Trang trại Trịnh Anh 

leftcenterrightdel

Khu vực sơ chế và sấy thanh long của HTX Hoà Lệ

Phạm Quốc Huy

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh