... Văn phòng thường trực tại Nam Bộ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã  tổ chức đoàn khảo sát học tập mô hình nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn đạt hiệu quả kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu tại Đồng Nai, Bình Thuận và Lâm Đồng. Đoàn gồm 25 người là cán bộ khuyến nông, cán bộ kỹ thuật, cộng tác viên khuyến nông, nông dân, thành viên tổ khuyến nông cộng đồng thuộc một số tỉnh ĐBCSL như Long An, Bến tre, Vĩnh Long, Tiền Giang và Hậu Giang. Thời gian từ ngày 11/9/2023 đến 15/9/2023.

Những mô hình mà đoàn được khảo sát học tập là những mô hình tiêu biểu về nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn đạt hiệu quả kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu tại địa phương như Trang Trại Việt ở ấp Gia Hòa, xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc là trang trại nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao, sản xuất phân bón và rau, quả sạch; mô hình sản xuất thanh long xanh giảm phát thải các bon tại Trang trại Hào Hùng, xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận; mô hình sản xuất rau hữu cơ theo tiêu chuẩn USDA, EU của Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam chi nhánh 2 tại Lâm Đồng tại thôn Định An, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng – Lâm Đồng; Vinamilk Organic Milk Farm, trang trại bò sữa được đầu tư xây dựng bởi Công ty Sữa Việt Nam Vinamilk theo tiêu chuẩn organic (hữu cơ) tại Lâm Đồng

Trang Trại Việt ở ấp Gia Hòa, xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai là trang trại nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao, sản xuất phân bón và rau, quả sạch. Trang trại đã xây dựng được một quy trình khép kín từ chăn nuôi đến trồng trọt. Trong đó, chất thải chăn nuôi được ông dùng làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ cung cấp cho trang trại công nghệ cao trồng rau quả sạch trong nhà màng. Để xử lý môi trường trong chăn nuôi, trang trại đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất phân gà hữu cơ với công suất 200 tấn/ngày, kết hợp đầu tư xây dựng trang trại trồng rau, quả sạch trong nhà màng rộng 13 ha.

leftcenterrightdel
Đoàn thăm nhà máy sản xuất phân gà hữu cơ với công suất 200 tấn/ngày tại trang trại Việt

Trang trại Vinamilk Organic Đà Lạt, với quy mô ban đầu là 500 con bò sữa organic, được tổ chức Control Union (Hà Lan) chứng nhận là Trang trại bò sữa Organic tiêu chuẩn Châu Âu đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 10/2016. Dựa trên các nguyên tắc cơ bản và tuân thủ chặt chẽ hệ tiêu chuẩn EU Organic (EC 834/2007 và 889/2008), trang trại bò sữa Organic chuẩn châu Âu đầu tiên tại Việt Nam của Vinamilk được xây dựng và vận hành với một số điểm khác biệt như: hoàn toàn không sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu tổng hợp, phân tổng hợp, phụ gia thực phẩm cũng như những chất hỗ trợ, kích thích khác; tuyệt đối không sử dụng các chất biến đổi gen; nguồn sữa hữu cơ nguyên liệu từ trang trại hoàn toàn không có dư lượng kháng sinh và không có hormone tăng trưởng; bò cũng được cho ăn bằng thực phẩm 100% hữu cơ; ở các trang trại hữu cơ gia súc được chăn nuôi tự do, hệ thống chuồng trại mở và được cho ăn thức ăn hữu cơ.

Với thiết kế của Trang trại Organic Vinamilk, bò hoàn toàn được tự do lựa chọn cho việc ra đồng cỏ, sân chơi khi điều kiện thời tiết thuận lợi. Tuy nhiên khi trời mưa, nắng nóng thì bò cũng có thể tự do trở về chuồng nơi được trang bị hệ thống làm mát vận hành hoàn toàn tự động, nệm nằm êm như khách sạn để nghỉ ngơi…

Ngoài tuân thủ hệ tiêu chuẩn quốc tế, trong quá trình xây dựng, trang trại bò sữa Organic của Vinamilk đã nghiên cứu lựa chọn các cây trồng và con giống tự nhiên có khả năng kháng bệnh tốt với điều kiện đặc thù của địa phương. Hiện các giống cây trồng và nguồn gen giống bò cho trang trại Organic Vinamilk đều được tuyển chọn rất nghiêm ngặt nên có sẵn hệ miễn dịch mạnh, thích nghi một cách hoàn toàn tự nhiên với điều kiện địa phương từ đó không bị tấn công bởi bị sâu bệnh và có sức phát triển tốt.

Trang trại áp dụng phương pháp canh tác luân canh - điều kiện tiên quyết để sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất; tận dụng tối đa các nguồn tài nguyên sẵn có tại trang trại như sử dụng phân hữu cơ từ bò nuôi tại trang trại và tự sản xuất toàn bộ thức ăn xanh hữu cơ trong trang trại phục vụ nhu cầu của đàn bò; sử dụng năng lượng tái tạo biogas, năng lượng mặt trời, giảm hiệu ứng nhà kính, thân thiện và bảo vệ môi trường, hệ thống chất thải tại trang trại được xử lý nghiêm ngặt, giữ môi trường luôn trong lành.

leftcenterrightdel
 Thảo luận nhóm tại buổi tham quan Trang trại Vinamilk Organic Đà Lạt

Tại các tỉnh đoàn đến làm việc cũng đã chia sẻ hoạt động, kinh nghiệm từ các mô hình nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn đạt hiệu quả kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu tại địa phương. Tại Lâm Đồng, tỉnh đã triển khai Đề án Phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020 - 2025 và đã xác định được 171 vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh; Xây dựng và ban hành 17 quy trình tạm thời về sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên các đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ lực trên địa bàn tỉnh bao gồm: rau ăn lá, rau ăn quả, rau ăn củ, củ năng, lúa, chè, cà phê, sầu riêng, bơ, chuối, mắc ca, atiso, nấm rơm, đương quy, bò sữa, bò thịt và gà đẻ trứng... Đến nay trên địa bàn tỉnh, có nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn đạt hiệu quả như Công ty TNHH Dalat Hasfarm đã triển khai mô hình thu gom, xử lý phế phụ phẩm từ trồng hoa, rau của trang trại tại xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương với quy mô trên 200 ha nhà kính. Công nghệ tích hợp sử dụng máy cơ giới hóa cắt phụ phẩm, đảo trộn, phun chế phẩm đã giúp doanh nghiệp tái chế khoảng 35.000m3 - 36.000m3 phụ phẩm hàng năm, tạo ra sản lượng phân Compost từ 24.000 - 25.000m3/năm (tương đương 12.000 - 12.500 tấn phân) nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm công lao động, hiện đại hóa sản xuất thân thiện với môi trường. Mô hình của HTX phụ nữ trùn quế Đơn Dương được thành lập năm 2019, có quy mô 1.000m2 sử dụng phân bò, các phế phẩm nông nghiệp (rau, củ quả, thân cành,…) làm thức ăn cho trùn; công suất phân trùn quế đạt 140 tấn/năm cung cấp phân bón trung bình 14 ha cây trồng; doanh thu 1 tỷ đồng/năm/1.000m2. Các mô hình chăn nuôi tuần hoàn có hiệu quả như mô hình vườn - ao - chuồng, vườn - ao - chuồng – biogas. Mô hình sản xuất phân hữu cơ từ chất thải chăn nuôi (phân lợn, gà, bò) qua quá trình ủ bổ sung thêm chế phẩm sinh học để chăm sóc, cải tạo đất bạc màu, đất thiếu dinh dưỡng, trả lại độ phì cho đất, canh tác rau hữu cơ và rau an toàn. Mô hình sản xuất tổng hợp (bò, trùn quế, cỏ/ngô, gia súc, gia cầm, cá) tận dụng chất thải rắn chăn nuôi để nuôi trùn quế, lấy phân trùn quế bón cỏ/ngô, trùn quế làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, cá, đem lại hiệu quả kinh tế cao, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường. Mô hình phát triển trang trại bò sữa thân thiện với môi trường, thực hiện quy trình chăn nuôi khép kín từ làm đất, trồng cỏ, chăm sóc bò đến xử lý chất thải để tạo vòng tuần hoàn xanh. Nhờ công nghệ biogas, chất thải bò sữa được xử lý để tiếp tục bón cho đồng cỏ, cải tạo đất và một phần khác được biến đổi thành khí metan dùng để đun nước nóng dùng cho hoạt động của trang trại.

leftcenterrightdel
 Đoàn làm việc với TTKN Lâm Đồng

Để nội dung tham quan thực sự hữu ích không chỉ cho đoàn tham quan mà còn hữu ích cho cả nơi đến tham quan, các thành viên trong đoàn khảo sát học tập cũng đã chia sẻ hoạt động, kinh nghiệm từ các mô hình nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn đạt hiệu quả kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu tại địa phương và vai trò của trung tâm, của khuyến nông trong các hoạt động này.

Anh Nguyễn Thanh Trung - Phó chủ tịch UBND xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang lần đầu tiên tham gia đoàn tham quan cho rằng chuyến tham quan học tập đầy ý nghĩa, tạo điều kiện cho Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp 5 tỉnh ĐBSCL học tập được những mô hình thật sự hữu ích. Qua đó vận dụng những phương pháp thực hiện hữu cơ, tuần hoàn hữu cơ và thích ứng biến đổi khí hậu ở địa phương nhằm giúp cho nông dân chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ, tuần hoàn để nông sản và sản phẩm tạo ra sạch hơn, an toàn hơn. Đề xuất thời gian tới cần duy trì những chuyến học tập những mô hình hay, hiệu quả và thành phần tham gia có thể mời lãnh đạo chính quyền địa phương (cấp xã) tham gia./.

Nguyễn Văn Bắc

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia