Lớp tập huấn chia sẻ những nội dung về vai trò và nhiệm vụ của khuyến nông, khuyến nông cộng đồng khi thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”, gọi tắt (Đề án 1 triệu ha lúa); quy trình sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, học viên còn được hướng dẫn phương pháp đo đạc kiểm đếm, thẩm định lượng phát thải khí nhà kính (MRV), tín chỉ và thị trường carbon.

Ngoài phần học lý thuyết, các học viên đã đến tham quan, học tập và được chủ hộ chia sẻ kinh nghiệm thực tế tại mô hình trồng lúa chất lượng lượng cao, giảm phát thải trên địa bàn xã Phước Hảo, huyện Châu Thành. Được biết, mô hình áp dụng sạ cụm, sạ hàng với lượng giống gieo sạ bình quân từ 60 - 70 kg/ha (giảm từ 80 - 110 kg/ha so trước đây). Tại thời điểm lớp tập huấn đến tham quan, lúa đang giai đoạn trổ, sinh trưởng và phát triển tốt, ruộng lúa thông thoáng, số chồi nhánh hữu hiệu tăng, sâu bệnh gây hại không đáng kể. Chủ hộ cho biết, việc sử dụng bổ sung phân bón hữu cơ ngay từ đầu vụ giúp cải tạo đất màu mở, hạn chế chết cây con, giảm sử dụng lượng phân bón hóa học đáng kể, đặc biệt là giảm được gần 50% lượng phân đạm so tập quán canh tác trước đây, góp phần giảm được chi phí sản xuất, là cơ sở để tính toán giảm lượng phát thải gắn với tăng trưởng xanh.

Lớp tập huấn bước đầu đã thay đổi tư duy nhận thức của học viên về việc sản xuất lúa theo Đề án 1 triệu ha lúa, đồng thời giúp học viên nắm vững quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp để áp dụng vào sản xuất thực tế, góp phần thực hiện thắng lợi Đề án./.

leftcenterrightdel
Học viên tham quan mô hình lúa chất lượng cao, giảm phát thải tại huyện Châu Thành,tỉnh Trà Vinh 

Lê Thị Bích Thảo

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Trà Vinh