leftcenterrightdel
Toàn cảnh tọa đàm 

Tỉnh Tuyên Quang có thế mạnh về  phát triển sản xuất lâm nghiệp với 448.556 ha đất lâm nghiệp, chiếm 76% tổng diện tích đất tự nhiên, trong đó diện đất có rừng là 426.042,45 ha (rừng tự nhiên là 233.170,65 ha, rừng trồng 192.871,8 ha). Hàng năm tỉnh trồng được trên 11.000 ha rừng, sản lượng khai thác 880 nghìn m3/năm, độ che phủ của rừng luôn duy trì trên 65%, là một trong những tỉnh có độ che phủ lớn nhất cả nước, đã hình thành vùng nguyên liệu rừng trồng trên 190.000 ha, trong đó có trên 36.900 ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC. Vốn rừng hiện có là điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực như: công nghiệp chế biến gỗ, phát triển du lịch sinh thái, ngành nghề thủ công mỹ nghệ… Tỉnh đã thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 8 nhà máy chế biến gỗ, trong đó Nhà máy giấy và bột giấy An Hòa với công suất 130.000 tấn sản phẩm/năm (lớn nhất cả nước) và nhà máy chế biến gỗ của Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang công suất 150.000 m3 sản phẩm/năm (tương đương khoảng 600.000 m3 gỗ nguyên liệu/năm). Nhu cầu gỗ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến hằng năm trên 1 triệu m3...

Việc liên kết giữa các công ty lâm nghiệp, nhà máy chế biến gỗ và các hợp tác xã, nhóm hộ đã xây dựng được liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ gỗ nguyên liệu cho người trồng rừng. Điển hình có Công ty Cổ phần giấy An Hoà có chính sách liên kết với hộ trồng rừng phát triển vùng nguyên liệu giấy (đầu tư 21,097 tỷ đồng để hỗ trợ cây giống cho 2.130 hộ gia đình trên địa bàn tỉnh trồng 3.860 ha rừng trồng sản xuất); Công ty Cổ phần Woodsland Tuyên Quang đã hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) được 18.017 ha rừng cho các tổ chức, nhóm hộ gia đình trồng rừng trên địa bàn tỉnh. Đó là yếu tố nền tảng để Tuyên Quang phát triển bền vững kinh tế rừng gắn với tái cơ cấu ngành lâm nghiệp và xây dựng nông thôn mới, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người làm nghề rừng.

Tuy nhiên, sản xuất lâm nghiệp của tỉnh còn nhiều khó khăn, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, năng suất rừng trồng bình quân đạt thấp (75 -80 m3/ha), thu nhập từ nghề rừng chưa tương xứng với tiềm năng phát triển lâm nghiệp của tỉnh; chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, thu nhập của người trồng rừng thấp, chủ yếu là trồng rừng gỗ nhỏ chưa chú trọng đầu tư thâm canh trồng rừng gỗ lớn để nâng cao năng suất, chất lượng rừng, đây là nút thắt lớn dẫn đến người dân chưa thực sự mặn mà trong việc phát triển kinh tế lâm nghiệp.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã nghe báo cáo đề dẫn về thực trạng và giải pháp bảo vệ, phát triển rừng bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị rừng trồng sản xuất trên địa bàn tỉnh; báo cáo của Công ty TNHH Lâm nghiệp Sơn Dương về hiệu quả, triển vọng bước đầu về mô hình trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn đối với loài cây keo; báo cáo của UBND xã Tiến Bộ về hiệu quả kinh tế trong việc trồng rừng thâm canh gỗ lớn...

Các đại biểu đã thảo luận về những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất tín dụng đối với việc hỗ trợ chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn; cấp Chứng chỉ rừng bền vững; phòng trừ sâu bệnh trên cây keo; trồng cây dược liệu dưới tán rừng, chính sách liên kết giữa người trồng rừng và các công ty, doanh nghiệp… Các ý kiến đã được Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, các chuyên gia của Chi cục Kiểm lâm, Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp và Biến đổi Khí hậu, Công ty cổ phần Giấy An Hòa trao đổi giải đáp trực tiếp tại buổi tọa đàm.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức, vai trò trách nhiệm và sự vào cuộc của hệ thống chính trị, các tổ chức kinh tế và nhân dân về phát triển lâm nghiệp bền vững nói chung; bảo vệ rừng tự nhiên, phát triển rừng trồng sản xuất nói riêng. Thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế, giá trị gia tăng của rừng trồng, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất lâm nghiệp; quản lý, bảo vệ chặt chẽ, phát huy hợp lý, hiệu quả diện tích rừng tự nhiên gắn với phát triển du lịch...; nâng cao đời sống của người trồng rừng và bảo vệ rừng; phấn đấu trở thành tỉnh điển hình về phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch sinh thái.

Trong khuôn khổ của toạ đàm, các đại biểu đã đi tham mô hình trồng rừng bền vững áp dụng chứng chỉ FSC tại xã Phú Thịnh, huyện Yên Sơn./.

leftcenterrightdel

Các đại biểu tham quan mô hình trồng rừng áp dụng chứng chỉ FSC tại xã Phú Thịnh 

Vũ Ngọc Tuyên

Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang