Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương và qua điều tra thực tế đến ngày 02/5/2024: Rầy nâu, rầy lưng trắng đang gây hại với diện tích 841 ha với mật độ phổ biến 200 - 800 con/m2, cao 1000 - 3000 con m2 tại (các huyện Lục Yên, Trạm Tấu, Trấn Yên, Yên Bình, Văn Yên, Văn Chấn và thành phố Yên Bái,). Ngoài ra còn có các đối tượng dịch hại khác như bệnh đạo ôn lá, khô vằn, bạc lá, chuột... đang phát sinh gây hại. Nếu không phòng chống kịp thời các đối tượng dịch hại trên có khả năng gây hại ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng, chất lượng cây lúa vụ Đông xuân năm 2023 - 2024.

Để chủ động phòng chống dịch hại trên cây lúa từ nay đến cuối vụ Đông xuân năm 2022 - 2023 đảm bảo năng suất, sản lượng theo kế hoạch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Yên Bái đã chỉ đạo đơn vị trong ngành ban hành văn bản số 80/TTBVTV-NV ngày 03/5/2024, về việc tăng cường chỉ đạo phòng chống dịch hại trọng điểm trên cây lúa đến các huyện, thị xã, thành phố, trong đó tập trung và thực hiện tốt một số nội dung:

- Tăng cường thực hiện điều tra, theo dõi tình hình dịch hại trên cây lúa, đặc biệt chú ý đến rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn,... Thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo tình hình dịch hại trên cây lúa và tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn các biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả bảo vệ sản xuất.

Phối hợp chặt chẽ với các xã, phường, thị trấn thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, xử lý nhanh và kịp thời những phát sinh đột xuất; có biện pháp tích cực chủ động phòng trừ, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra trên cây lúa từ nay đến cuối vụ.

leftcenterrightdel
Tăng cường thực hiện điều tra, theo dõi tình hình dịch hại trên cây lúa 

- Đối với người dân:

+ Đối với rầy nâu, rầy lưng trắng: Khoanh vùng diện tích qua điều tra có mật độ rầy cao hoặc những địa phương, những vùng thường xuyên bị rầy gây hại để tăng cường kiểm tra và kịp thời xử lý, phòng trừ. Không phun thuốc tràn lan hoặc phun thuốc khi mật độ rầy thấp. Đối với diện tích lúa giai đoạn đòng, giai

đoạn sau trỗ bông (mật độ rầy trên 2.000 con/m2) thực hiện phun thuốc bảo vệ thực vật để phòng, trừ. Có thể sử dụng một loại thuốc nội hấp, lưu dẫn, tiếp xúc có chứa hoạt chất để phun trừ như: Thiamethoxam (ActaraÒ25 WG, Amira 25 WG, …), Abamectin (Abakill 3.6 EC, Abatox 3.6 EC, Shertin 5.0 EC…), Nitenpyram, Pymetrozine (Titan 600 WG; Doamto 50 SP; Nitendo 80 WG; Dyman 500 WP; Fonica 600 WP, …) … Sau khi phun thuốc 1 - 2 ngày phải kiểm tra, nếu mật độ rầy còn cao tiếp tục phun lần 2 (lần 2 phun sau lần 1 từ 5 đến 7 ngày). Phun trực tiếp vào gốc lúa nơi rầy tập trung gây hại. Chủ động công tác điều tra, phòng trừ kịp thời không để xảy ra hiện tượng cháy rầy.

+ Đối với bệnh đạo ôn lá, cổ bông: Không bón phân đạm, không phun các chất kích thích sinh trưởng, phân bón lá khi bệnh đang gây hại. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, phun phòng trừ bệnh đạo ôn bằng các loại thuốc có hoạt chất: Isoprothiolane (Fuji-One 40 EC, 40 WP; Fuan 40 EC, …); Azoxystrobin (Trobin 250 SC, Sinstar 250 SC, …); Azoxystrobin + Difenoconazole (Amistar Top® 325 SC, Amylatop 325 SC, …); Chitosan + Polyoxin (Starone 20 WP, …); … Những ruộng bị bệnh đạo ôn lá nặng phải thực hiện phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông trước trỗ từ 5 - 7 ngày bằng các loại thuốc đặc hiệu.

+ Đối với bệnh khô vằn: Trong điều kiện thời tiết diễn biến bất thường, nắng mưa xen kẽ (hoặc diện tích lúa bị đổ do thiên tai) rất thuận lợi cho bệnh khô vằn phát sinh gây hại, đặc biệt đối với những diện tích lúa đã trỗ bông, nếu bệnh gây hại lên lá đòng sẽ làm giảm năng suất cây lúa. Cần phòng trừ bằng một trong những loại thuốc có hoạt chất như sau: Validamycin (Jinggangmeisu 5 SL, 10 WP; Tung vali 5 SL, 5 WP; …), Hexaconazole (Aicavil 100 SC, Anvil® 5 SC, …), Azoxystrobin (Azony 25 SC, Trobin 250 SC, …) … Làm sạch cỏ dại, bón phân cân đối hợp lý, không bón lai rai, bón đúng thời điểm. Không bón đạm, thuốc kích thích sinh trưởng và phân bón qua lá trên các ruộng lúa đang bị bệnh gây hại.

Ngoài ra, cần quan tâm phòng trừ các đối tượng dịch hại khác như sâu cuốn lá, sâu đục thân, bọ xít dài, bệnh bạc lá, bệnh đốm sọc vi khuẩn, chuột...

* Lưu ý: Đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng, sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng. Thu gom bao bì thuốc sau sử dụng đúng nơi quy định.

Nguyễn Thị Minh Phượng

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái