leftcenterrightdel
 Bà Yoko Takebayashi Phó trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam phát biểu chào mừng 

Dự án tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn tại các tỉnh phía Bắc sử dụng vốn ODA không hoàn lại do Chính phủ Nhật Bản tài trợ thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia là đơn vị thực hiện. Mục tiêu của Dự án là: Thúc đẩy sản xuất bền vững cây trồng an toàn; Tăng cường chuỗi giá trị sản xuất rau quả an toàn tại các vùng dự án (Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Nam Định và Sơn La).

Dự án bắt đầu triển khai từ tháng 4/2022, với 04 nội dung chính: (1) Tăng cường nguồn nhân lực để thúc đẩy mở rộng cây trồng an toàn; (2) Tăng cường năng lực sản xuất và quản lý của các hợp tác xã trong sản xuất cây trồng an toàn; (3) Tăng cường quan hệ đối tác giữa các bên liên quan trong chuỗi giá trị; (4) Tăng cường năng lực thực thi nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm. Đối tượng hưởng lợi từ dự án là các cán bộ khuyến nông và nông nghiệp, các hợp tác xã nông nghiệp trong vùng dự án và các hợp tác xã khác trong vùng dự án được tham gia tập huấn.

Tại cuộc họp lần này, Ban Quản lý đã báo cáo tổng quan và tiến độ thực hiện dự án, đồng thời đưa ra mục tiêu và bố trí ngân sách cho năm 2024. Năm 2023, ở giai đoạn thử nghiệm, Dự án đã hỗ trợ kinh phí 100% hỗ trợ về kỹ thuật (tương đương với 150 triệu đồng) cho 18 hợp tác xã thuộc 7 tỉnh. Các hợp tác xã tham gia dự án sản xuất rau, củ, quả, được học cách tiếp cận sản xuất và tiếp thị cây trồng an toàn do JICA giới thiệu. Với phương pháp định hướng thị trường – không phải trồng rồi bán, mà là trồng để bán, các hợp tác xã tham gia dự án đều có được lợi nhuận bình quân đạt từ trên 24 triệu đồng/ha đến trên 260 triệu đồng/ha. Đặc biệt, các hợp tác xã sản xuất các loại củ, quả như khoai tây, củ cải, cà chua, dưa chuột, thanh long, cam, vải đều có lợi nhuận bình quân đạt trên 100 triệu đồng/ha.

leftcenterrightdel
 Đại diện TTKNQG báo cáo tổng quan và tiến độ thực hiện Dự án

Để thúc đẩy hoạt động của Dự án, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai nhiều hoạt động nhằm tạo mối liên kết chặt chẽ giữ các bên liên quan. Vào tháng 4/2023, Trung tâm và nhóm JICA đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Công nghệ nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam” và thăm thực địa các công ty nông nghiệp Nhật Bản tại Sơn La. Tháng 9/2023, Trung tâm tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Khuyến nông cộng đồn ở vùng sản xuất cây ăn trái” tại Sơn La và tháng 10/2023, nhân dịp kỷ niệm 30 năm Khuyến nông Việt Nam, Trung tâm đã tổ chức Tọa đàm Phát triển khuyến nông cộng đồng và khuyến nông số. Cả 2 sự kiện đều có sự tham gia, đóng góp và chia sẻ kinh nghiệm của nhóm JICA. Tháng 1/2024, nằm trong chương trình truyền thông khuyến nông sản xuất an toàn thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, đoàn công tác của Trung tâm với sự tham dự của nhiều cơ quan truyền thông đại chúng và các chuyên gia của JICA đã tới thăm nhiều hợp tác xã tham gia dự án. Hoạt động này đã giúp kết quả của dự án được lan tỏa rộng rãi, tạo tiền đề cho hoạt động của dự án trong những năm tiếp theo.

Năm 2024, Dự án bước sang giai đoạn nội hóa với sự tham gia của 21 hợp tác xã thuộc vùng dự án. Ở giai đoạn này, Dự án sẽ chỉ hỗ trợ các hợp tác xã 50% kinh phí hỗ trợ về kỹ thuật (75 triệu đồng), các địa phương sẽ đối ứng số kinh phí tương đương. Năm 2025, Dự án bước sang giai đoạn thể chế hóa với sự tham gia của trên 31 hợp tác xã. Ở giai đoạn này, dự án sẽ không hỗ trợ kinh phí cho các hợp tác xã mà các địa phương sẽ áp dụng phương pháp tiếp cận của JICA như hoạt động khuyến nông thường xuyên. Năm 2026, Dự án bước sang giai đoạn bình thường hóa, còn gọi là giai đoạn hậu dự án. Ở giai đoạn này, các địa phương cũng vẫn liên tục áp dụng cách tiếp cận của JICA, còn Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ mở rộng cách tiếp cận của JICA trên toàn quốc. 

Để Dự án được triển khai thuận lợi trong thời gian tới, các đại biểu tham dự cuộc họp đã có những thảo luận để thống nhất lựa chọn mục tiêu thứ 2 của dự án, chỉnh sửa ma trận thiết kế dự án và kế hoạch thực hiện dự án và bố trí ngân sách năm 2024. Đứng trước những khó khăn về cơ chế bố trí kinh phí đối ứng từ các tỉnh tham gia triển khai dự án, đại diện JICA, Vụ Hợp tác Quốc tế - Bộ Nông nghiệp và PTNT và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đều có những đề xuất, góp ý để tìm hướng giải quyết. Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh: “Trong quá trình triển khai dự án còn một số vấn đề đặt ra, lớn nhất là vấn đề về ngân sách. Đề nghị nhóm chuyên gia JICA tiếp tục nghiên cứu cân đối nguồn kinh phí để khi không còn hỗ trợ, dự án vẫn duy trì và đạt được mục tiêu nhân rộng. Để đạt tới giai đoạn bình thường hóa, sau này dự án mặc dù không còn hỗ trợ kinh phí cho hỗ trợ kỹ thuật nhưng vẫn sẽ để lại cho các hợp tác xã và bà con nông dân các kiến thức thông qua các tài liệu, các kinh nghiệm và điển hình trong thực tiễn sản xuất. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ cùng JICA bàn giải pháp cho vấn đề này”.

leftcenterrightdel
 Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh giải đáp một số khó khăn vướng mắc với các tỉnh trong quá trình triển khai dự án

Việt Oanh

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia