1. Nuôi vỗ cá bố mẹ

Cá bố mẹ được nuôi vỗ trong ao (nước chảy tự nhiên hoặc nhân tạo) hoặc nuôi trong lồng.

1.1. Điều kiện ao nuôi vỗ cá bố mẹ

+ Vị trí ao nuôi vỗ cá bố mẹ gần nguồn nước sạch; Diện tích ao tối thiểu là 300m2, diện tích thích hợp nhất từ 400- 600 m2

+ Độ sâu mực nước ao nuôi 1-1,4m; chất đáy bùn pha cát sỏi từ 10-15 cm; bờ bao chắc chắn, không rò rỉ thất thoát nước, không bị ngập lụt.

+ Bờ ao được lát bê tông hoặc xây gạch có góc lượn tròn. Cống cấp và cống thoát nước đảm bảo thuận tiện cho việc cấp và thoát nước dễ dàng.

+ Mỗi ao được lắp đặt 02 máy bơm, công suất 1,5kw/chiếc, đặt chéo 02 góc ao để tạo dòng chảy nhân tạo trong ao đồng thời lắp đặt 04 máy phun mưa nhân tạo có công suất 0,75kw/chiếc đảm bảo phun nước mưa nhân tạo đều khắp ao.

Sơ đồ thiết kế ao nuôi vỗ cá chiên bố mẹ theo chiều thẳng đứng

 

1.2. Điều kiện lồng nuôi vỗ cá bố mẹ

+ Hình dạng: Lồng hình chữ nhật, kích cỡ 2x2,5x2m (chiều dài x chiều rộng x chiều cao); hoặc hình vuông, kích cỡ 3x3x2m (chiều dài x chiều rộng x chiều cao).

+ Vị trí đặt lồng: Lồng nuôi cá bố mẹ được đặt nơi thông thoáng, không ảnh hưởng đến giao thông đường thủy, dòng nước không chảy quẩn. Nơi đặt lồng có độ sâu 4-6m khi thời gian có mức nước cạn nhất, đáy lồng cách đáy hồ ít nhất 1m, lồng đặt cách bờ ít nhất 10 - 15m. Khu vực có lưu tốc dòng chảy 0,2 - 0,3 m/s, lưu tốc nước lúc cao nhất không quá 1m/s. Có thể thiết kế cụm khung lồng từ 5-6 khung lồng (30 – 36 lồng lưới). Khu vực có lưu tốc thấp thì nên đặt 2-4 khung lồng (12-24 lồng lưới). Nơi đặt lồng không bị ảnh hưởng nước thải, chất lượng nước đảm bảo giá trị giới hạn tại bảng 1.

Bảng 1: Các chỉ tiêu môi trường nước khu vực lồng nuôi cá chiên

Thông số

pH

DO mg/l

NH3 mg/l

H2S mg/l

NO2 mg/l

Giá trị giới hạn

7-8

>5

<0,01

<0,01

<0,25

 

1.3. Cải tạo ao/lồng nuôi vỗ cá bố mẹ

+ Đối với ao nuôi: Ao nuôi được tát cạn, tẩy vôi sát khuẩn khử trùng, liều lượng vôi từ 7-10 kg/100m2. Phơi đáy ao từ 1- 2 ngày trước khi lấy đủ nước từ 1-1,4 m. Kiểm tra bờ ao, cống cấp và thoát nước.

+ Đối với lồng nuôi: Trước khi thả cá và sau mỗi vụ nuôi, thu hoạch cá xong, đưa lồng lên cạn (nếu có điều kiện) dùng vôi hoặc Chlorin 30ppm phun lên lồng, sau đó phơi khô 1- 2 ngày.

1.4. Tuyển chọn cá bố mẹ nuôi vỗ

Bảng 2: Yêu cầu kỹ thuật đối với cá bố mẹ nuôi vỗ

TT

Chỉ tiêu

Yêu cầu kỹ thuật

1

Khối lượng cá thể (kg/con)

Cá đực: ≥ 2,0, cá cái ≥ 2,5

2

Màu sắc

Màu sáng, các mảng màu rõ ràng.

3

Ngoại hình

Không dị hình, dị tật

4

Tình trạng sức khỏe

Cá khỏe mạnh, không bị bệnh

5

Nguồn gốc

Cá bố mẹ có nguồn gốc từ tự nhiên hoặc sinh sản và chọn lọc nhân tạo.

6

Tuổi cá

>2+

7

Đặc tính loài

Thuần chủng loài cá chiên (Bagarius rutilus Ng & Kottelat, 2000)

8

Đặc điểm tuyến sinh dục

Buồng trứng giai đoạn II

 

1.5. Nuôi vỗ cá bố mẹ

a. Thời gian nuôi vỗ: từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau (05 tháng).

b. Mật độ nuôi vỗ

+ Mật độ nuôi vỗ trong ao: 1 con/10m2.

+ Mật độ nuôi vỗ trong lồng: 60kg cá/10m3 lồng (thể tích lồng ngập nước).

+ Tỷ lệ nuôi vỗ cá đực/cái là 1:1. Không cần tách riêng cá đực, cái trong quá trình nuôi vỗ thành thục.

c. Thức ăn và cho cá ăn:

+ Loại thức ăn: thức ăn tươi sống các loài cá tạp (cá mương, cá lẹp,...), cá mè. Khuyến khích sử dựng cá mè làm thức ăn nuôi vỗ vì nguồn cung ổn định và giá thành rẻ.

+ Kích cỡ, chất lượng thức ăn: thức ăn không ươn, hỏng, được bảo quản trong tủ bảo ôn và xử lý mầm bệnh trước khi cho ăn. Thức ăn được lọc bỏ xương (đối với cá mè), thái nhỏ vừa cỡ miệng cá có kích cỡ: 2 x 3cm.

+ Xử lí mầm bệnh từ thức ăn: Ngâm thịt cá trong nước muối 3% trong 5 phút sau đó rửa lại bằng nước sạch.

+ Khẩu phần ăn: hàng ngày cho cá ăn từ 3-5% khối lượng quần đàn. Khẩu phần ăn được điều chỉnh linh hoạt tùy theo tình trạng bắt mồi của cá.

+ Số lần cho ăn: 02 lần/ngày vào lúc 7 giờ sáng và 17 giờ chiều. Lượng thức ăn lúc 17 giờ bằng 70% tổng lượng thức ăn, lượng thức ăn lúc 7 giờ chiếm 30%.

+ Định kỳ 1 lần/tháng bổ sung vitamin C với liều lượng 3 g/kg thức ăn, cho cá ăn thức ăn trộn vitamin C từ 4-5 ngày/lần/tháng để tăng cường sức đề kháng cho cá.

+ Thức ăn được cho vào sàng ăn. Sau khi cho ăn 1 giờ phải kiểm tra sàng ăn để kịp điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp, loại bỏ thức ăn thừa, tránh gây ô nhiễm môi trường. Vào thời điểm nhiệt độ nước giảm xuống dưới 20 độ C đến 16 độ C sẽ giảm 50% thức ăn cho cá, nhiệt độ nước xuống dưới 15 độ C ngừng cho cá ăn.

d. Quản lý môi trường ao/lồng nuôi vỗ và chăm sóc đàn cá bố mẹ:

+ Thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường ao/lồng nuôi vỗ (nhiệt độ, pH, oxy kiểm tra 1 lần/ngày; độ sâu, độ trong, NH4, NO2, H2S kiểm tra 1 lần/tuần) đảm bảo các chỉ tiêu như mô tả ở Bảng 3 để kịp thời điều chỉnh, tránh các điều kiện bất lợi ảnh hưởng đến cá nuôi vỗ.

Bảng 3: Yêu cầu về điều kiện môi trường ao/lồng nuôi vỗ cá bố mẹ

TT

Thông số

Giá trị giới hạn

1

Độ sâu

>1,0 m

2

Độ trong

>0,5 m

3

pH

7,0 – 7,5

4

Nhiệt độ nước

22 – 28 độ C

5

Ô xy hòa tan

≥ 5mg/l

6

NH3 (mg/l)

<0,01

7

NO2 (mg/l)

<0,25

8

H2S (mg/l)

<0,01

 

+ Trong quá trình nuôi vỗ, mỗi tuần vệ sinh lồng ít nhất một lần, dùng bàn chải nhựa cọ sạch các cạnh bên trong và ngoài lồng lưới, loại bỏ rác trôi nổi và các vật cứng bám vào cụm lồng nuôi. Tiến hành làm vệ sinh lồng trước các bữa ăn của cá.

+ Thường xuyên quan sát các biểu hiện của cá: khả năng bắt mồi, các dấu hiệu bệnh lý để có các giải pháp kịp thời.

+ Định kỳ kiểm tra 1 lần/tháng về các chỉ tiêu: khối lượng thân, sự phát triển tuyến sinh dục để điều chỉnh lượng thức ăn và chế độ cho ăn hợp lý, xác định thời gian thành thục của cá nuôi vỗ.

+ Thường xuyên cho nước chảy qua ao nuôi. Trong trường hợp không có nước chảy qua thì dùng máy bơm có công suất 1,5 kw bơm nước liên tục 8 – 16 h/ngày vào ao nuôi.

(Còn nữa...)

Đức Thịnh (gt)