Vụ mùa năm nay, nông dân huyện Lâm Bình gieo cấy được hơn trên 2.100 ha lúa. Hiện nay, các trà lúa mùa tiếp tục có nhiều đối tượng sâu bệnh gây hại, toàn huyện có hơn gần 15 ha nhiễm sâu cuốn lá nhỏ, 16 ha nhiễm bệnh khô vằn, 10 ha nhiễm đốm sọc - vi khuẩn... Trước tình hình sâu bệnh hại lúa cuối vụ có xu hướng phát sinh, phát triển mạnh, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã cử cán bộ kỹ thuật tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến của các đối tượng sâu bệnh; thông báo nhanh tình hình sâu bệnh, các biện pháp kỹ thuật phòng, trừ kịp thời, đạt hiệu quả cao đến các hộ nông dân.

Những ngày qua, nhận được thông báo của cán bộ kỹ thuật tranh thủ buổi chiều thời tiết mát mẻ, anh Vàng Thành Quậy, thôn Khẩy Trang xã Xuân Lập (Lâm Bình) lại thăm đồng để kiểm tra tình hình sinh trưởng, phát triển của cây lúa, đặc biệt kiểm tra các đối tượng sâu bệnh có thể xảy ra để phun trừ kịp thời.

Anh Quậy chia sẻ: “Vụ mùa này, gia đình tôi cấy 1.000 m2 lúa, cơ bản đang nuôi đòng già, chuẩn bị trỗ bông trong mấy ngày tới. Qua theo dõi, một số diện tích đã chớm nhiễm bệnh khô vằn nên tôi đã mua thuốc về phun ngay. Bệnh khô vằn thường gây hại nặng giai đoạn trỗ và chín sáp, ngoài việc làm giảm năng suất lúa còn khiến cây lúa yếu, khả năng chống đỡ kém, nếu gặp trời mưa, gió lớn thì rất dễ đổ. Ngoài ra, tôi cũng phun thuốc phòng, trừ sâu cuốn lá nhỏ theo khuyến cáo của cán bộ khuyến nông”.

leftcenterrightdel
 Anh Quậy phun thuốc phòng trừ sâu bệnh trên lúa

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, thời điểm này, trà lúa mùa sớm đang ở giai đoạn làm đòng, trỗ bông, trà lúa mùa muộn đang ở giai đoạn đứng cái, làm đòng. Qua điều tra đồng ruộng trên địa bàn tỉnh hiện có gần 400 ha lúa nhiễm sâu bệnh trong đó Rầy nâu-rầy lứng trắng, mật độ nơi cao 200-300 con/m2, cục bộ 750-850 con/m2, diện tích nhiễm 65 ha;  sâu cuốn lá nhỏ, mật độ nơi cao 5-8 con/m2, cục bộ 20-30 con/m2, diện tích nhiễm 40 ha; bệnh khô vằn, tỷ lệ hại phổ biến 3-5% số dảnh, nơi cao 15-30% số dảnh, diện tích nhiễm 220 ha; bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, tỷ lệ hại phổ biến 3-5% số lá, diện tích nhiễm trên 10 ha...

Ông Trần Ngọc Thanh, Trưởng phòng Kỹ thuật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, những ngày tới, thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp là điều kiện để sâu bệnh phát sinh, phát triển gây hại. Bà con nông dân cần tập trung điều tiết, duy trì nước nông trên ruộng tạo điều kiện thuận lợi cho lúa làm đòng, trỗ bông; đối với diện tích bị bệnh không sử dụng đạm đơn và phân qua lá để bón hoặc phun với mục đích nuôi đòng, nuôi hạt làm gia tăng mức độ gây hại của sâu bệnh, đặc biệt là bệnh bạc lá và đạo ôn cổ bông cuối vụ. Đối với rầy nâu, rầy lưng trắng cần phòng, trừ những nơi có mật độ rầy trên 20 con/khóm hoặc 3 con/dảnh, bằng các thuốc như: Actara® 25WG, Actara 25WG; Actador 100 WP; Anvado 100 WP, Nouvo 3.6EC...; Đối với sâu cuốn lá nhỏ cần phun thuốc khi ruộng có mật độ sâu cuốn lá nhỏ trên 25 con/m2 (giai đoạn lúa đẻ nhánh-cuối đẻ nhánh) và 10 con/m2 (giai đoạn lúa làm đòng trở đi) bằng các loại thuốc như: Gà nòi 95SP, Actamec 75EC, Catex 100 WG, Miktin 3.6EC, Virtako® 40 WG. Sau những trận mưa dông, trên các giống nhiễm cần chủ động phun phòng bệnh bạc lá, đốm sọc - vi khuẩn bằng các loại thuốc như: Sasa 25WP, Avalon 8WP, Anti-xo 200 WP. Riêng với chuột hại phải tiến hành đánh bắt bằng các biện pháp thủ công, sinh học thường xuyên, liên tục và đồng loạt./.

leftcenterrightdel

Cán bộ Chi cục TT&BVTV kiểm tra sâu bệnh lúa mùa tại xã Trung Môn, Yên Sơn

Vũ Ngọc Tuyên

Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang