Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh do ảnh hưởng của trận mưa dông, gió lốc, mưa đá đêm ngày 30/4 và 1/5 đã làm 267,9 ha lúa, 369,6 ha ngô, 27,3 ha rau màu và 251 ha cây ăn quả bị đổ, gãy, dập nát (trong đó huyện Hàm Yên do xảy ra mưa đá gây mất trắng 7,7 ha lúa, 15,74 ha ngô và 24,5 ha rau màu).

Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với các địa phương chóng phân loại mức độ thiệt hại của từng loại cây trồng để có biện pháp khắc phục, đồng thời cử cán bộ trực tiếp ra đồng hướng dẫn nông dân các biện pháp chăm sóc lúa, cây rau màu, đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết và dự báo tình hình dịch hại cây trồng để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống kịp thời, hiệu quả cụ thể.

Đối với cây lúa: Khẩn trương vệ sinh đồng ruộng, khơi thông dòng chảy, dọn sạch rác và tàn dư cây trồng, bó dựng cây đổ ngã để cây nhanh hồi phục; giữ ổn định mực nước nông mặt ruộng, ngừng bón đạm, tiến hành phun phòng các loại bệnh hại, như: Bệnh bệnh bạc lá, bệnh đốm sọc vi khuẩn, bệnh đạo ôn,...

Đối với ruộng ngô: Khơi rãnh thoát nước, vệ sinh cỏ rác trên đồng ruộng. Diện tích ngô bị đổ cần khẩn trương buộc dựng, vun cao gốc ngay khi đất còn mềm để cây nhanh phục hồi; những diện tích ngô bị gãy, dập nát không khắc phục được tận thu để làm thức ăn cho gia súc, đồng thời vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ tạo độ thông thoáng để hạn chế sâu bệnh phát sinh, gây hại (bệnh khô vằn, đốm lá, thối thân,...).

Đối với cây rau màu: Vệ sinh đồng ruộng, khơi thông hệ thống thoát nước, dọn dẹp những thân cành bị dập nát, hư hại, áp dụng các biện pháp chăm sóc, phòng bệnh tích cực cho cây. Có thể sử dụng các chế phẩm sinh học như: Pennac P, Siêu lân, ... để phun, tưới cho cây nhanh phục hồi. Những diện tích bị ảnh hưởng nặng không có khả năng phục hồi, thu dọn, vệ sinh đồng ruộng, làm đất trồng lại vụ mới bằng các giống phù hợp.

Đối với cây ăn quả lâu năm: Khẩn trương tiến hành vệ sinh vườn sạch sẽ, cắt bỏ các cành bị gãy, dập nát; chống dựng các cây bị nghiêng, đổ có khả năng phục hồi; tập trung chăm sóc để tạo điều kiện cho cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt.

Đối với diện tích cây trồng còn lại: Tập trung chăm sóc, bón phân, làm cỏ, vệ sinh đồng ruộng và phòng trừ sâu bệnh hại kịp thời.

leftcenterrightdel
 Cán bộ kỹ thuật kiểm tra ngô bị đỗ tại huyện Chiêm Hóa
leftcenterrightdel
 Cây dưa chuột bị ảnh hưởng do mưa bảo tại huyện Yên Sơn
leftcenterrightdel
 Diện tích rau màu bị hỏng tại huyện Hàm Yên

Vũ Ngọc Tuyên

Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang