Thói quen trong sản xuất lúa gạo của bà con nông dân đang dần thay đổi theo hướng tăng giá trị, giảm phát thải và bảo vệ môi trường. Đề án đã được các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển quan tâm, đồng hành, hỗ trợ về kỹ thuật, tín dụng và phát triển thị trường. Các doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân đã chú trọng hơn đến liên kết sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, chuyển đổi sang quy trình canh tác bền vững như: Quản lý nước tưới tiên tiến, sử dụng phân bón hợp lý, xử lý rơm rạ… và được áp dụng ngày càng rộng rãi, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của ngành và của các địa phương; hướng tới mục tiêu xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam gắn với chất lượng cao, phát thải thấp và bảo vệ môi trường.
Trong năm 2025, Ngành Nông nghiệp và Môi trường được giao mục tiêu tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay là 4%. Trong 3 tháng đầu năm, toàn ngành đã tập trung cao độ, nỗ lực triển khai các nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ, hiệu quả.
Theo công bố của Cục Thống kê, Quý 1 vừa qua, GDP nông nghiệp tăng trưởng với tốc độ 3,74% (cao hơn kịch bản tăng trưởng là 3,7%). Giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,7%, trong đó, trồng trọt tăng 2,98%, chăn nuôi tăng 4,55%, lâm nghiệp tăng 6,67% và thủy sản tăng 3,98%; Xuất khẩu đạt 15,72 tỷ USD, tăng 13,1%, tiền đề quan trọng để hướng tới mục tiêu tăng trưởng 40% và xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 65 tỷ USD. Đây là kết quả rất đáng khích lệ, thể hiện quyết tâm của toàn ngành trong việc đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng năm 2025 của cả nước đạt 8%.
Đóng góp không nhỏ vào các kết quả tăng trưởng trên là từ các kết quả của triển khai Đề án. Bên cạnh những kết quả bước đầu, việc triển khai đề án vẫn còn những khó khăn, thách thức, gồm: Việc triển khai Đề án ở một số địa phương còn chậm, lúng túng; Hạ tầng thủy lợi đặc biệt là thủy lợi nội đồng còn chưa đáp ứng được yêu cầu về tưới tiêu hợp lý; Liên kết sản xuất bước đầu đã được hình thành nhưng còn yếu; Người dân tham gia Đề án chưa chủ động, vẫn còn tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ; Vốn đầu tư cho Đề án, đặc biệt là các dự án vay vốn từ Ngân hàng Thế giới WB và Quỹ Tài chính Các-bon chuyển đổi (TCAF) chậm được huy động và chưa hoàn thành các thủ tục theo quy định.
Trao đổi tại hội nghị, đại biểu đại diện các đơn vị đã đề xuất các giải pháp để tiếp tục nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận từ các cấp chính quyền địa phương đến từng hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trong việc triển khai đề án; Đề xuất các giải pháp để nâng cao năng lực và tạo cơ chế hỗ trợ để hợp tác xã đóng vai trò trung tâm trong tổ chức sản xuất, thu mua và tiêu thụ sản phẩm; Đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn về hạ tầng thủy lợi, logistics phục vụ sản xuất và chế biến lúa gạo bền vững; Giải pháp thúc đẩy thị trường tiêu thụ gạo chất lượng cao, phát triển thương hiệu gạo Việt Nam, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân; Chia sẻ những kinh nghiệm hay, những mô hình khả thi, những cách làm sáng tạo qua thực tiễn triển khai Đề án để từ đó lựa chọn được các giải pháp mở rộng diện tích sản xuất lúa gạo theo quy trình canh tác bền vững.
    |
 |
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu tại Hội nghị |
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy nhấn mạnh: “Lúa gạo là một ngành hàng quan trọng trong nông nghiệp, là trụ cột bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, ổn định sinh kế cho hàng triệu bà con nông dân, đồng thời đóng vai trò chủ chốt trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam, góp phần bảo đảm an ninh lương thực thế giới. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, sản xuất sạch, xanh và bền vững trở thành xu thế và đòi hỏi tất yếu. Qua hơn một năm triển khai, Đề án đã từng bước khẳng định tính đúng đắn, cần thiết và bước đầu mang lại những kết quả tích cực trong việc chuyển đổi nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bộ trưởng tin tưởng với sự vào cuộc trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, cùng với sự hỗ trợ, đồng hành của các tổ chức quốc tế và sự tham gia nhiệt tình của bà con nông dân các khó khăn, vướng mắc sẽ từng bước được tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án để sớm đạt được những mục tiêu đã đề ra, thiết lập được một nền sản xuất lúa gạo bền vững, hiệu quả.
Đỗ Tuấn