leftcenterrightdel
Toàn cảnh buổi tọa đàm 

Trải qua 30 năm hoạt động cùng với sự phát triển của Ngành Nông nghiệp và hệ thống khuyến nông cả nước, khuyến nông tỉnh Bắc Giang không ngừng phát triển, lớn mạnh từ tỉnh đến cơ sở. Hệ thống khuyến nông đã trở thành một phần không thể thiếu trong sự phát triển bền vững của nông nghiệp Bắc Giang và luôn gắn bó mật thiết với nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Ban đầu, hệ thống khuyến nông cấp tỉnh chỉ có 8-10 cán bộ, chưa có các phòng chức năng trực thuộc. Tuy nhiên, sau nhiều thời kỳ phát triển đến nay, bộ máy hoàn chỉnh đã được hình thành với đội ngũ cán bộ tăng gấp 3 lần so với thời kỳ đầu. Các Trung tâm Dịch vụ KTNN huyện đóng vai trò tích cực trong công tác tham mưu UBND huyện, phối hợp với đơn vị liên quan trong hoạt động khuyến nông của đơn vị tại cơ sở, tận dụng được sự ủng hộ và hỗ trợ về chủ trương và kinh phí phát triển nông nghiệp của huyện.

Kết quả nổi bật của công tác khuyến nông tỉnh Bắc Giang

Báo cáo tại tọa đàm cho thấy, ngay từ ngày đầu thành lập, tổ chức khuyến nông tỉnh nhà đã xác định nhiệm vụ quan trọng là chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, làm tốt công tác thông tin tuyên truyền , đào tạo, tập huấn... giúp nông dân thay đổi phương thức canh tác, áp dụng tiến bộ khoa học mới vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Những năm qua, Trung tâm KN đã biên tập và đăng hàng nghìn tin, bài; tổ chức 6 Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp; phát hành hơn 10.000 cuốn tài liệu; phối hợp với các cơ quan báo chí, đài Phát thanh Truyền hình tỉnh thực hiện nhiều chuyên mục, chuyên trang... tập trung vào nội dung phục vụ cho tái cơ cấu ngành, đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, xây dựng Nông thôn mới, sản xuất theo hướng liên kết để nâng cao chất lượng và giá trị trên một đơn vị diện tích. Ngoài ra, Trung tâm tham gia nhiều hội thi, hội chợ trưng bày và giới thiệu sản phẩm nông sản tiêu biểu, sản phẩm chủ lực và đặc trưng của tỉnh, giới thiệu và quảng bá đến đông đảo người tiêu dùng và khách hàng trên cả nước về các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của Bắc Giang.

Đối với lĩnh vực đào tạo -  tập huấn, giai đoạn 1993 - 2008, hệ thống Khuyến nông đã tổ chức được 15.065 lớp tập huấn cho hơn 790.000 lượt người; giai đoạn 2008 - 2023 Trung tâm đã tổ chức và phối hợp với các Trường Đại học, viện nghiên cứu tổ chức 121 lớp tập huấn cho 3.630 lượt cán bộ khuyến nông và cộng tác viên khuyến nông; tổ chức 1.310 lớp và chỉ đạo hệ thống khuyến nông các cấp tổ chức 31.450 lớp tập huấn cho bà con nông dân; chức 53 khóa học nghề thường xuyên cho người lao động nông thôn, cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp cho 1.590 học viên.

Về lĩnh vực trồng trọt, khuyến lâm, Trung tâm đã tiến hành thử nghiệm và xây dựng thành công mô hình trình diễn hơn 60 giống lúa khác nhau trên tổng diện tích lên đến 4.307 ha, trải rộng trên địa bàn 10 huyện và thành phố trong tỉnh. Chương trình khuyến nông cây công nghiệp ngắn ngày như: ngô, lạc, đậu tương...; chương trình khuyến nông sản xuất rau an toàn, rau chế biến như dưa chuột, dưa chuột bao tử, cà chua bi, ớt ngọt, xà lách... được quan tâm, triển khai thực hiện với nhiều giống mới, áp dụng nhiều công nghệ đưa vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tăng thu nhập cho nông dân.

Về cây ăn quả, giai đoạn đầu, Trung tâm đã tổ chức xây dựng mô hình trồng cây ăn quả với tổng quy mô lên đến 811 ha, bao gồm các loại cây có giá trị kinh tế cao như vải thiều, hồng Nhân Hậu, nhãn Hương chi, bưởi Diễn, khế ngọt Bắc Biên, xoài GL1, GL2, GL6 và nhiều loại cây khác. Tuy nhiên, những năm gần đây, để góp phần tạo ra các tập đoàn cây ăn quả chất lượng, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, Trung tâm tập trung vào xây dựng các mô hình cây ăn quả mới như nhãn chín muộn, na Thái, bưởi và cam giống mới, mô hình cây ăn quả chất lượng cao, cải tạo giống, áp dụng các biện pháp thâm canh, VietGAP và an toàn sinh học.

Lĩnh vực lâm nghiệp, từ năm 2009 - 2023, Trung tâm Khuyến nông đã xây dựng 12 mô hình trồng rừng kinh tế với quy mô tổng số 995 ha tại các huyện như Sơn Động. Lục Ngạn, Yên Thế, Lục Nam… Thông qua các mô hình này đã góp phần phát triển nghề trồng rừng đem lại thu nhập cao cho nông dân miền núi, phủ xanh đất trống đồi trọc, thúc đẩy phát triển kinh tế lâm nghiệp

Về lĩnh vực chăn nuôi, thời điểm đầu, công tác khuyến nông chăn nuôi chủ yếu tập trung hỗ trợ phát triển kinh tế nông hộ, ứng dụng các giống vật nuôi lai có tỷ lệ máu ngoại cao như zebu hóa đàn bò, lợn lai hướng nạc, các giống gia cầm thuỷ cầm lai chuyên thịt, thụ tinh nhân tạo đưa tinh lợn ngoại, tinh bò ngoại vào lai tạo để tạo ra giống tốt....như: thực hiện chương trình cải tạo đàn bò, chương trình chăn nuôi lợn hướng nạc, chương trình chăn nuôi gia cầm... Giai đoạn 2008 - 2023, các chương trình, mô hình khuyến nông tập trung vào mục tiêu chuyển đổi cơ cấu sản xuất, hỗ trợ các đối tượng nông dân nuôi chuyển từ nhỏ lẻ sang tập trung để tăng năng suất, chất lượng, tạo sản phẩm an toàn, nâng cao giá trị, tạo ra vùng chăn nuôi hàng hóa lớn, bảo đảm sản xuất bền vững như: thực hiện chính sách chăn nuôi nông hộ (hỗ trợ 39.175 liều tinh bò thịt cao sản BBB, Charolais nhập khẩu phối giống cho đàn bò cái của các địa phương trong tỉnh), mô hình chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ, triển khai dự án phòng trừ dịch bệnh tổng hợp cho gia cầm quy mô xã với tổng số 90.000 con, và có sự tham gia của 300 hộ...

Đối với lĩnh vực khuyến ngư, từ năm 2009 đến nay, Trung tâm đã xây dựng nhiều mô hình thủy sản đạt kết quả cao. Một số mô hình đạt kết quả nổi bật như mô hình nuôi cá rô phi, cá chim trắng, cá lăng chấm thâm canh với quy mô tổng số 31 ha tại huyện thành phố trong tỉnh, mô hình nuôi cá rô phi thâm canh theo hướng VietGAP, an toàn sinh học, mô hình cá lúa, nuôi cá lồng, nuôi cá trắm đen thâm canh, nuôi tôm càng xanh….

Có thể thấy rằng, trong 30 năm qua, hệ thống khuyến nông Bắc Giang đã tạo nên những kết quả ngoạn mục, đóng góp to lớn vào sự phát triển của ngành nông nghiệp tỉnh nhà. Phương pháp khuyến nông tiên tiến đã được truyền đạt và áp dụng một cách hiệu quả, từ đó tăng cường năng suất cây trồng và vật nuôi, chuyển đổi cơ cấu kinh tế và cải thiện đời sống người dân. Nhiều mô hình khuyến nông lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp đã được xây dựng thành công tại hàng nghìn điểm trên địa bàn, là nơi giúp bà con nông dân có thể trao đổi, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm sản xuất. Hệ thống khuyến nông đã tận dụng các phương tiện tuyên truyền như hội thảo, báo chí, đài phát thanh trang thông tin điện tử, các nền tảng mạng xã hội để đưa thông tin đến cộng đồng nông dân, tạo động lực cho họ trong việc chuyển đổi sản xuất. Ngoài ra, phương pháp khuyến nông tham quan, đào tạo và tập huấn còn giúp người nông dân nâng cao trình độ, tăng cường kiến thức và áp dụng những kỹ thuật mới vào sản xuất.

Phương hướng những năm tiếp theo

Bên cạnh những thời cơ thuận lợi, ngành nông nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ, mục tiêu đề ra, công tác khuyến nông bám vào định hướng của ngành nông nghiệp là xây dựng một nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, hoạt động khuyến nông phục vụ sản xuất hàng hoá tập trung quy mô lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả. Tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường nông sản. Cần phát triển nông thôn mới với cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch. Cần đảm bảo xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc, và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn. Cần tạo sự hài hoà giữa các vùng, và thúc đẩy sự chuyển biến nhanh hơn ở các vùng còn nhiều khó khăn. Khuyến nông cần được đẩy mạnh để phổ biến và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại và bền vững. Song song với đó, cần tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đổi mới, nâng cao hiệu quả tổ chức và đội ngũ làm công tác khuyến nông, công tác thông tin, tuyên truyền, huấn luyện, đào tạo; nội dung hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp; phát triển khuyến nông theo hướng dịch vụ và xã hội hóa... để hoàn thành mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã đề ra.

Nguyễn Khương

Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang