Mỗi giai đoạn hoạt động công tác khuyến nông đều có những nét nổi bật riêng gắn với tình hình thực tiễn tại thời điểm hoạt động. Những năm đầu hoạt động là từ khi tách lập tỉnh Hà Nam Ninh để tái lập thành 3 tỉnh: Ninh Bình, Nam Định và Hà Nam, khi đó công tác khuyến nông của Hà Nam còn hoạt động đơn giản, gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh khó khăn chung của một tỉnh mới thành lập còn non trẻ. Lúc này, lực lượng cán bộ khuyến nông mỏng, kinh phí ít, chưa có nhiều các chương trình, đề án, nhưng do thấy rõ được vai trò nhiệm vụ cấp bách của toàn ngành nông nghiệp khi ấy là sản xuất phải đạt năng suất cao để đảm bảo lượng thực nên khuyến nông đã dốc sức cùng ngành nông nghiệp tuyên truyền vận động bà con tăng gia sản xuất. Cán bộ khuyến nông phải đi từng ngõ, gõ từng nhà để tuyên truyền vận động, trực tiếp tư vấn hỗ trợ, hướng dẫn họ quy trình kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt.

Từ năm 2000 - 2009, công tác khuyến nông thật sự được quan tâm chú trọng. Rất nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, lâm nghiệp được xây dựng làm điểm để tuyên truyền vận động bà con làm theo. Khoảng thời gian này, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cũng đã phối hợp với các tổ chức phi chính phủ để triển khai các dự án nông nghiệp bảo tồn giống cây ăn quả bản địa như quýt hương Văn Lý, chuối ngự Đại Hoàng, trồng dâu nuôi tằm, dệt vải; Phối hợp với Trung tâm khảo nghiệm giống, Viện Cây lương thực cùng với các địa phương trong tỉnh triển khai các mô hình trình diễn khảo nghiệm các giống lúa, trong đó phải kể đến sự thành công của sản xuất lúa lai F1. Chương trình sản xuất lúa lai đã giúp chủ động một phần giống lúa lai trong tỉnh, đảm bảo chất lượng giống với giá thành hạ, mang lại hiệu quả cho người nông dân cả về mặt kinh tế và mặt xã hội, giải được bài toán về năng suất. Đồng thời, Trung tâm triển khai các mô hình trình diễn, khảo nghiệm và đưa ra sử dụng trên diện rộng các loại phân bón NPK trên cây trồng; lai tạo thành công giống bò lai Sind; lợn siêu nạc. Nhiều mô hình cho hiệu quả cao như tôm càng xanh, cá chim trắng, cá rô phi đơn tính, đậu tương đông, bí xanh bí đỏ, dưa chuột xuất khẩu, măng tre bát độ, măng tây… Nổi bật của giai đoạn này là đưa tiến bộ kỹ thuật gieo thẳng lúa bằng công cụ sạ hàng với ưu điểm giúp giải phóng công lao động cho bà con, giảm chi phí gieo cấy và giải quyết vấn đề áp lực thời vụ, lại cho năng suất cao. Những thành tựu này đã giúp ngành nông nghiệp Hà Nam mở rộng được diện tích và tăng năng suất sản phẩm.

Bước sang giai đoạn từ 2010 - 2020, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, các nền tảng công nghệ số, thông tin đại chúng, mạng xã hội, Trung tâm Khuyến nông đã bám sát các chủ trương, định hướng, chỉ đạo của các cấp, các ngành, phát triển nông nghiệp nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển nông nghiệp an toàn, bền vững, bảo vệ môi trường; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm, xây dựng nông thôn mới, xây dựng các mô hình theo hướng chuyển đổi cây trồng hàng hóa cho hiệu quả kinh tế…

Các mô hình khuyến nông ở giai đoạn này tập trung triển khai có chiều sâu về chất lượng, sản phẩm của mô hình hướng tới phải đảm bảo an toàn sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng thời tuyên truyền mạnh áp dụng cơ giới hóa để chuyên môn hóa các khâu sản xuất, giảm công lao động thời vụ và giảm chi phí đầu tư. Từ các nguồn kinh phí trung ương và địa phương, Trung tâm đã thực hiện nhiều mô hình chuyển đổi các vùng trũng sang sản xuất đa canh; chăn nuôi theo quy mô trang trại; phát triển mô hình vườn ao chuồng (VAC); chuyển đổi các vùng trồng cây ăn quả; dồn điền đổi thửa để tập trung quy hoạch diện tích xây dựng các cánh đống mẫu lớn; triển khai các mô hình trồng cây hàng hóa, như các giống lúa chất lượng, ngô nếp, đậu tương, dưa chuột, bí xanh bí đỏ, cà rốt; chăn nuôi gà, lợn an toàn trên nền đệm lót sinh học, bảo tồn giống gà móng Tiên Phong; mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh…

Qua các giai đoạn, khuyến nông đã tiếp cận với người nông dân tuy bằng nhiều con đường khác nhau nhưng cùng hướng chung tới mục đích là giúp người nông dân nâng cao trình độ hiểu biết kiến thức về nông nghiệp vừa truyền thống vừa hiện đại, nắm bắt và áp dụng kịp thời các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, nhằm tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác.

Con đường đầu tiên phải kể đến là con đường tri thức, được thực hiện thông qua hoạt động đào tạo tập huấn. Hàng năm, Trung tâm khuyến nông cử cán bộ khuyến nông tham gia các khóa tập huấn nhằm củng cố, nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức để phục vụ công tác chuyên môn tại địa phương. Phối hợp với các bên liên quan tổ chức trung bình hàng chục lớp tập huấn trong và ngoài mô hình cho hàng nghìn lượt người tham gia về các nội dung theo từng chương trình, dự án, đề án và theo yêu cầu của địa phương. Thông qua con đường đào tạo tập huấn, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ khuyến nông được nâng lên, bà con nông dân được tiếp thu, tích lũy được khối lượng lớn về kiến thức quy trình kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Nông dân được tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật hiện đại tiên tiến của các nền nông nghiệp thông minh ở các nước phát triển, qua đó giúp nông dân Hà Nam theo kịp thời đại.

Con đường thứ hai khuyến nông đến với bà con nông dân là con đường xây dựng mô hình chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật. Việc xây dựng mô hình khuyến nông chính là cách thức nhanh nhất để bà con thấy rõ ngay kết quả của các quy trình kỹ thuật từ lý thuyết áp dụng thực tế trên diện tích, thửa ruộng chuồng trại của mình. Thông qua mô hình, bà con được xem là chủ thể trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất, tự quyết định, được mắt thấy, tai nghe, tay làm và chứng kiến thành quả của mô hình mình tham gia, giúp họ tin tưởng và làm theo. Bởi vậy phương pháp xây dựng mô hình làm điểm là phương pháp hiệu quả, có sức thuyết phục cao, là cơ sở để tuyên truyền nhân rộng áp dụng trong sản xuất đại trà.

Từ nguồn vốn trung ương và địa phương, Trung tâm khuyến nông đã triển khai xây dựng thành công rất nhiều mô hình. Đặc biệt, bám sát chủ trương đẩy mạnh cơ giới hóa, hiện đại hóa trong sản xuất nông nghiệp, khuyến nông tập trung xây dựng các mô hình cơ giới hóa như máy gặt đập liên hợp, máy làm đất, công cụ sạ hàng, máy bay không người lái trong khâu phun thuốc bảo vệ thực vật; mạ khay, máy cấy… Rất nhiều mô hình chăn nuôi trồng trọt, thủy sản đều được liên kết 4 nhà, gắn với tiêu thụ sản phẩm, giúp nông dân ổn định đầu ra, yên tâm sản xuất. Đặc biệt từ năm 2021, do sáp nhập đơn vị, khuyến nông thêm nhiệm vụ quản lý 7 khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích gần 640 ha ứng dụng các dây chuyền số hóa tự động, sản xuất các giống rau củ quả đạt chất lượng cao phục vụ trong các chuỗi cửa hàng và siêu thị, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.

leftcenterrightdel
 Mô hình ứng dụng máy cấy trong sản xuất lúa tại xã Thanh Tân huyện Thanh Liêm 

Không chỉ dừng lại ở việc xây dựng mô hình mà khuyến nông đã triển khai thành công các chương trình, đề án, mang lại nhiều giá trị và ý nghĩa cho người nông dân như: Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2012 – 2020”, “Phát triển lúa gieo thẳng tỉnh Hà Nam giai đoạn 2012 - 2015”, “Thử nghiệm phân bón vi sinh Power Ant cho một số cây trồng trên đất hai vụ lúa tỉnh Hà Nam”, “Phát triển đàn lợn nái áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo phục vụ nhiệm vụ tái đàn lợn trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2020 - 2022", “Phát triển dịch vụ mạ khay cấy máy giai đoạn 2020 - 2023’’…

Con đường thứ ba mà khuyến nông tiếp cận với bà con chính là thông tin tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Hàng năm Trung tâm Khuyến nông đã phối hợp Đài phát thanh Truyền hình Hà Nam phát sóng chuyên mục “Nông nghiệp nông thôn”, cung cấp thông tin, cộng tác đăng tải trên báo Hà Nam và số tờ báo chuyên ngành, biên tập xuất bản Bản tin nông nghiệp nông thôn Hà Nam theo định kỳ và đẩy mạnh tuyên truyền một cách nhanh chóng kịp thời trên trang web “Khuyến nông Hà Nam”. Ngoài ra còn tổ chức tọa đàm, diễn đàn, tham quan học tập và các sự kiện, hội nghị…

Có thể thấy, sự phát triển nông nghiệp của tỉnh Hà Nam hiện nay có sự đóng góp không nhỏ của hoạt động khuyến nông trong nhiều năm qua. Những thành tích điển hình qua từng giai đoạn của khuyến nông là những món quà ý nghĩa để hướng tới sự kiện kỷ niệm 30 năm thành lập Hệ thống khuyến nông Việt Nam.

Mai Huê

Trung tâm Khuyến nông Hà Nam