Hà Nội có tiềm năng lớn về phát triển nông nghiệp như diện tích lớn, đa dạng địa hình với nhiều đối tượng, đóng góp giá trị sản xuất lớn cho Thành phố. Trong những năm 1990, trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản chủ yếu nhỏ lẻ, trong nông hộ, phương thức quảng canh, năng suất, hiệu quả chưa cao. Đến nay đã hình thành rõ nét theo chuyên canh, tập trung phù hợp với xu hướng tái cơ cấu ngành phát huy tiềm năng, lợi thế từng vùng sinh thái, gia tăng giá trị sản phẩm.

Đóng góp vào sự phát triển đó có vai trò quan trọng của hoạt động khuyến nông, là cầu nối chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, thông tin sản xuất và thị trường, xây dựng thương hiệu và liên kết tiêu thụ sản phẩm cho các hộ, cán bộ khuyến nông là người bạn đồng hành cùng nông dân làm giàu.

Giai đoạn 1993 - 2008:

Công tác khuyến nông bám sát thực tiễn sản xuất xây dựng các chương trình, mô hình trình diễn với mục tiêu thay đổi tư duy, tập quán và phương thức sản xuất từ nhỏ lẻ, quảng canh sang nuôi thâm canh, áp dụng tiến bộ kỹ thuật cho năng suất cao. Điển hình là:

Chương trình “Sản xuất giống lúa nhân dân” là một trong những điểm sáng, đã tạo ra hàng vạn tấn giống đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng đưa vào sản xuất, đáp ứng trên 80% lượng giống cấp 1 cho sản xuất đại trà tại địa phương, góp phần tăng năng suất lúa từ 41,5 tạ/ha năm 1997 lên 60,5 tạ/ha năm 2006. Chương trình đã góp phần đáng kể vào việc thực hiện mục tiêu một triệu tấn lương thực của địa phương đề ra.

Chương trình Sind hoá đàn bò hỗ trợ phối giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo và lai tạo trực tiếp giữa bò đực lai với đàn bò cái của địa phương. Từ năm 1997 đến năm 2002, thông qua mô hình khuyến nông đã góp phần cải tạo đàn bò vàng của địa phương, bò lai Sind chiếm 70% tổng đàn vào năm 2002. Chương trình góp phần nâng cao chất lượng đàn bò, cải tạo, nâng tầm vóc đàn bò cái nền, là cơ sở chọn tạo đàn nái nền cho chương trình phát triển bò sữa, bò thịt.

Chương trình nạc hoá đàn lợn triển khai từ năm 1993-1996 đã hỗ trợ tinh lợn ngoại để phối giống cho đàn lợn nái, góp phần nâng cao chất lượng thịt, tỷ lệ nạc cao chiếm 75% tổng đàn. Từ phương thức chăn nuôi quảng canh, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp trong gia đình chuyển sang chăn nuôi thâm canh, tập trung theo gia trại, trang trại, ứng dụng công nghệ cao như nuôi chuồng kín có điều khiển nhiệt độ, độ ẩm; hệ thống làm mát, cho ăn, uống bán tự động và tự động.

Chương trình thuỷ sản tập trung nuôi các giống mới như: Cá rô phi đơn tính, cá chép giống V1 và các đối tượng thuỷ đặc sản (cá chim trắng, cá trê, tôm, ếch) cùng với quy trình nuôi tiến bộ đã đem lại năng suất, giá trị kinh tế cao.

 Giai đoạn từ năm 2009 đến nay:

Hoạt động khuyến nông đã bám sát định hướng phát triển của Thành phố, của ngành, ngoài việc đưa các con giống có năng suất chất lượng tốt, còn tập trung xây dựng các chương trình, mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, đa dạng các đối tượng nuôi vào sản xuất nhằm phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản theo hướng hiệu quả, bền vững, an toàn thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường.

leftcenterrightdel
Lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội tham quan mô hình dây chuyền gieo mạ khay tự động tại huyện Phú Xuyên, Hà Nội (năm 2019) 

Lĩnh vực trồng trọt xây dựng các mô hình ứng dụng cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP; mô hình trình diễn giống mới năng suất, chất lượng thích ứng với biến đổi khí hậu; mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm... đều cho kết quả tốt vừa đem lại hiệu quả cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, vừa góp phần bảo vệ môi trường, phù hợp với nông nghiệp đô thị.

Mô hình chăn nuôi lợn thịt an toàn sinh học, mô hình chăn nuôi bò sinh sản hỗ trợ các giống bò cái nền sinh sản lai Sind, lai Brahman dễ nuôi, ít bệnh tật, sinh sản tốt vào nuôi tại các vùng miền núi, các vùng chăn nuôi bò trọng điểm giàu thức ăn xanh và áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo bằng tinh các giống bò Zebu (Sind, Brahman …) làm tăng số lượng đàn bò cái nền địa phương, tinh bò chuyên thịt như BBB, tạo vùng nguyên liệu cung cấp thịt bò chất lượng cao cho Thủ đô.

Về thuỷ sản, xây dựng các mô hình thâm canh năng suất đạt trên 10 tấn/ha; áp dụng công nghệ “Sông trong ao” để nuôi cá mật độ cao; ứng dụng công nghệ sinh học trong nuôi thuỷ sản góp phần tạo môi trường nuôi bền vững, an toàn, chất lượng sản phẩm được nâng cao; nuôi thủy sản theo hướng VietGAP tạo sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hình thành thói quen ghi chép trong sản xuất có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội sẽ tiếp tục bám sát định hướng của Thành phố, của ngành để nâng cao hiệu quả hoạt động, xứng đáng là đầu tàu của khuyến nông cả nước, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong giai đoạn mới.

leftcenterrightdel
 Vùng rau an toàn Văn Đức (huyện Gia Lâm) phát huy hiệu quả từ hỗ trợ của khuyến nông

Trung tâm Khuyến nông Hà Nội