Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hưng Yên là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện chức năng tham mưu, đề xuất với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành chính sách khuyến nông trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể xã hội, các cấp chính quyền cơ sở thực hiện việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong nông nghiệp đến các hộ nông dân nhằm hỗ trợ nông dân trong việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; triển khai thực hiện các văn bản chuyên môn nghiệp vụ, định mức kinh tế kỹ thuật chuyên ngành để hướng dẫn hệ thống khuyến nông thực hiện các chủ trương kỹ thuật của Bộ, của ngành.

Nắm bắt tình hình thực tế và xu hướng phát triển chung của ngành Nông nghiệp, trong những năm qua Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hưng Yên đã có nhiều hoạt động tích cực góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Xây dựng mô hình trình diễn

Kết quả của các mô hình trình diễn đã để lại nhiều dấu ấn tích cực, góp phần đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Căn cứ vào tình hình thưc tế tại các địa phương, nhu cầu, khả năng của người sản xuất cũng như chính sách phát triển chung của nghành để xây dựng các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với nhu cầu của thị trường, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, từng bước đẩy mạnh việc hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đặc biệt là trung tâm Khuyến nông Hưng Yên đã đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, khoa học và công nghệ thông qua các mô hình trình diễn phù hợp với tình hình thực tế và chiến lược phát triển chung của ngành.

Trong lĩnh vực trồng trọt, nổi bật là đề án : “Phát triển vùng sản xuất cây ăn quả, hoa, cây cảnh hàng hóa tập trung trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020 - 2025” với mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu cây ăn quả, hoa, cây cảnh an toàn, chất lượng cao theo chuỗi liên kết, góp phần đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn, thực hiện thành công mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với phát triển xây dựng nông thôn mới. Để thực hiện đề án, Trung tâm Khuyến nông đã xây dựng các mô hình: thâm canh cây ăn quả theo VietGAP, duy trì chứng nhận VietGAP, mở rộng diện tích trồng mới cây vải trứng, sản xuất hoa cúc, hoa lay ơn, mô hình tưới cho cây ăn quả, hỗ trợ tem, hộp đựng quả... Các mô hình đều cho kết quả khả quan, giúp người sản xuất thay đổi tư duy, áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, đặc biệt là các yêu cầu của VietGAP, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm và hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó là Dự án xây dựng và phát triển mô hình thâm canh cam nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm cam Hưng Yên cũng mang lại kết quả tốt, năng suất chất lượng cam được nâng cao, hiệu quả kinh tế cao hơn so với đối chứng khoảng 20%. Một số dự án, mô hình khác như: Dự án tăng cường khảo nghiệm để phát triển nhanh những giống cây trồng mới phục vụ chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2016 – 2020, dự án sử dụng phân bón Power ant trên cây trồng, Dự án sử dụng sản phẩm sumitri để xử lý rơm, gốc rạ sau thu hoạch lúa tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2017-2021, mô hình sản xuất nấm tập trung, thâm canh cây ăn quả VietGAP, mô hình sản xuất khoai tây,... đều mang lại hiệu quả cao cả về kinh tế, xã hội, môi trường.

Việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) là một trong những hoạt động trọng tâm mà trung tâm Khuyến nông hết sức chú trọng vì sản xuất theo VietGAP giúp tạo ra các sản phẩm có tiêu chuẩn chất lượng đảm bảo an toàn thực phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường, nâng cao giá trị cho người sản xuất, bảo vệ sức khỏe, phát triển bền vững, từng bước thay đổi tư duy, trình độ sản xuất, cách thức tổ chức sản xuất của nông dân, đảm bảo ổn định đầu ra của sản phẩm. Mỗi năm Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên thực hiện 10-15 điểm trình diễn các mô hình sản xuất theo VietGAP, phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ chứng nhận VietGAP cho các Tổ hợp tác, hợp tác xã trong mô hình.

Quá trình chuyển đổi số đã và đang tác động đến mọi mặt của cuộc sống xã hội. Tương tự như các lĩnh vực khác, nông nghiệp cũng không nằm ngoài xu thế tất yếu này. Là tỉnh có tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp, những năm gần đây chuyển đổi số đang được ứng dụng mạnh mẽ vào việc sản xuất nông nghiệp như: Sử dụng tem truy xuất nguồn gốc, phần mềm ghi chép nhật ký đồng ruộng facefarm, mô hình trồng rau thủy canh, mô hình điều khiển tưới, phun thuốc bảo vệ thực vật tự động trên lúa; Ứng dụng công nghệ cao để trồng dưa vàng, dưa lưới; Mô hình tưới phun mưa tự động trên cây ăn quả…

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, điển hình trong việc ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất nông nghiệp là mô hình xử lý chất thải trong chăn nuôi nhằm giải quyết nhanh vấn đề ô nhiễm môi trường và đưa công nghệ giúp xử lý triệt để nguồn phân thải theo hướng ủ compost làm phân hữu cơ cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch tại Hưng Yên. Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông còn xây dựng nhiều mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình chăn nuôi gà Đông Tảo lai theo hướng hữu cơ; Mô hình chăn nuôi vịt thương phẩm; Mô hình chăn nuôi đà điểu lấy thịt; mô hình chăn nuôi dê thương phẩm…

Về thủy sản, ngoài hỗ trợ các hộ tham gia mô hình về kỹ thuật để nâng cao hiệu quả kinh tế, mô hình còn giúp nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi thủy sản về ảnh hưởng từ quá trình nuôi tác động đến môi trường, qua đó giúp người nuôi có ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, giảm các hóa chất độc hại tồn dư trong nước ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Các mô hình đều cho thu lãi trung bình khoảng 280 - 300 triệu đồng/ha.

Tập huấn và đào tạo

Trong những năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hưng Yên luôn chú trọng công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến với người dân nông thôn thông qua hàng trăm lớp tập huấn mỗi năm. Để được đứng trên bục giảng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến cho người dân, những cán bộ không chỉ có trình độ chuyên môn chuyên sâu mà còn thường xuyên tiếp xúc, học hỏi từ thực tế, tham gia vào các lớp tập huấn nâng cao trình độ, trực tiếp đi nghe giảng tại các lớp tập huấn của những người đi trước để học hỏi về kiến thức cũng như kinh nghiệm. Bên cạnh đó đội ngũ khuyến nông còn phải liên tục cập nhật những kiến thức mới thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và tiến hành thao giảng tại đơn vị để nhận được sự đánh giá, góp ý từ những cán bộ có thâm niên cao hơn. Chính vì vậy, chất lượng giảng viên của Trung tâm luôn được nâng cao cả về trình độ lẫn phương pháp giảng dậy.

Việc lựa chon nội dung tập huấn được Trung tâm căn cứ vào điều kiện thực tế, sự phát triển chung của toàn xã hội, điểm mạnh của từng địa phương, và đặc biệt là bám sát địa bàn tìm hiểu nhu cầu của người dân, từ đó lập kế hoạch tập huấn phù hợp với nhu cầu và khả năng của người học, đồng thời chú trọng thay đổi tư duy của người sản xuất, hướng người dân đến sản xuất theo nhu cầu của thị trường.

Với mục tiêu tối đa hóa lượng thông tin trao đổi trong các lớp tập huấn, tạo không khí cởi mở, thân thiện, khuyến khích tinh thần, năng lực của học viên, các cán bộ khuyến nông lựa chọn phương pháp lấy người học làm trung tâm. Với vai trò là người hướng dẫn, cán bộ Khuyến nông không chỉ chuyển giao kiến thức, khoa học mà còn đóng vai trò thúc đẩy người học đặt câu hỏi, chia sẻ kiến thức kinh nghiệm và thảo luận, nhờ đó không khí lớp học rất sôi nổi và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân.

Thông tin tuyên truyền

Công tác thông tin tuyên truyền là một trong những hoạt động quan trọng trong công tác khuyến nông. Trong những năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hưng Yên đã tích cực phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng như Đài Phát thanh Truyền hình, Báo Hưng Yên, báo Nông nghiệp Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam tại Hưng Yên… chuyển giao chủ trương chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn, các biện pháp canh tác, các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, giới thiệu các mô hình sản xuất điển hình ở khắp mọi nơi trong tỉnh đến với người làm nông nghiệp.

Trung tâm phối hợp với Đài Phát thanh truyền hình tỉnh thực hiện một số chương trình về hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cho các loại cây trồng; kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc, phòng trị dịch bệnh cho gia súc, gia cầm…; Xuất bản tập san khuyến nông với các nội dung phong phú, đầy đủ các kiến thức tuyên truyền về kỹ thuật trên tất cả các lĩnh vực, phản ánh hoạt động khuyến nông, gương sản xuất giỏi, các mô hình điển hình phục vụ chuyển đổi cơ cấu sản xuất… với các giải pháp kỹ thuật kịp thời theo tính chất mùa vụ, thiết thực cho các địa phương sản xuất nông nghiệp.

Ngoài ra, dưới sự hỗ trợ, hướng dẫn của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên còn tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp trong lĩnh vực trồng trọt, thủy sản, giúp cho người sản xuất được gặp gỡ, trao đổi thảo luận với các nhà khoa học, nhà quản lý và các doanh nghiệp về chủ trương, chính sách, đồng thời tại diễn đàn người dân cũng được giải đáp, tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất.

Hợp tác quốc tế

Không dừng ở những thành tựu đã đạt được, để đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên không chỉ học hỏi kinh nghiệm trong nước thông qua tổ chức tham quan học hỏi các mô hình sản xuất ứng dụng khoa học công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn học hỏi, hợp tác về khoa học công nghệ phục vụ trong nông nghiệp thông qua việc tham gia một số dự án nước ngoài như dự án khí sinh học cho ngành chăn nuôi của Hà Lan, dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (Lifsap) do Ngân hàng thế giới tài trợ. Hiện tại, Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên đang phối hợp với dự án Jica của Nhật Bản thực hiện dự án tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam (từ năm 2022-2026). Dự án dự kiến thực hiện hỗ trợ các Hợp tác xã nâng cao giá trị cây trồng an toàn thông qua các hoạt động tập huấn, hướng dẫn tại thực địa với các tiến bộ kỹ thuật mới như cải thiện điều kiện đất thông qua biện pháp ủ phân hữu cơ bằng than trấu, cám gạo và men rượu, tránh sự phá hoại của côn trùng nhờ sử dụng màng phủ vải không dệt, sử dụng tem truy xuất nguồn gốc, phần mềm quản lý dịch hại và một số hỗ trợ khác về vật tư xây dựng mô hình,… đặc biệt là hỗ trợ đẩy mạnh phát triển thị trường, giúp các hợp tác xã lập kế hoạch sản xuất dựa trên nhu cầu thị trường, xây dựng các công cụ tiếp thị, kết nối với khách hàng, đáp ứng phản hồi của khách hàng… Dự án bước đầu đã giúp các hợp tác xã mục tiêu thay đổi tư duy và cách thức sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm.

Nắm rõ chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp cũng như vai trò của mình, từ những thành công, hiệu quả đem lại từ các hoạt động khuyến nông, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hưng Yên xác định trong thời gian tới cần phát huy mạnh hơn nữa vai trò của mình, tiếp tục  đưa nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thúc đẩy tăng nhanh năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi và giá trị kinh tế nông sản trên đơn vị diện tích, góp phần vào thành tích chung tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.

Phương Ngoan

Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên