Báo cáo tổng kết đợt cao điểm hành động vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp cho thấy việc lạm dụng chất cấm trong chăn nuôi đã cơ bản được ngăn chặn. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, tình trạng sử dụng hóa chất để nhuộm ruốc ở Phú Yên, chất vàng O để nhuộm măng ở Đà Nang, Nghệ An... đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng trong nước cũng như uy tín nông sản thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam.

Để đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm thuỷ sản, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ thị:

1. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng ở địa phương tăng cường triển khai một số nội dung sau:

a) Tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thuỷ sản tuân thủ đầy đủ các quy định về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tuyệt đối không sử dụng chất vàng O, phẩm màu, chất bảo quản, phụ gia... không được phép dùng trong bảo quản, sơ chế, chế biến thực phẩm hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ để ngâm, tẩm, ướp, tạo màu sản phẩm nông lâm thủy sàn.

b) Tổ chức giám sát, kiểm tra, thanh tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thuỷ sản trong việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm. Trường hợp phát hiện cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng chất vàng O hoặc phẩm màu, chất bảo quản, phụ gia... không được phép sử dụng trong thực phẩm để ngâm, tẩm, ướp, tạo màu, bảo quản thực phẩm nông lâm thuỷ sản cần tiến hành xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định tại Nghị định 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và truy cứu hình sự theo Điều 190, 191 và 317 Bộ Luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2016).

c) Các trường hợp phát hiện vi phạm và kết quả xử lý vi phạm cần công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng tránh sử dụng sản phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời tổng hợp báo cáo định kỳ gửi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản).

2. Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thuộc Bộ:

- Phối hợp với các cơ quan chức năng Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Công thương trong kiểm soát ngăn chặn việc sử dụng sai mục đích các hóa chất, phụ gia công nghiệp trong bảo quản, sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm;

- Hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc các Chi cục địa phương tăng cường kiểm tra, thanh tra đột xuất các cơ sở bảo quản, sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản nhằm kịp thòi phát hiện và xử lý nghiêm việc sử dụng vàng O, phẩm màu, chất bảo quản, phụ gia không được phép để ngâm, tẩm, ướp, tạo màu, bảo quản thực phẩm

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ quan đơn vị liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiêm túc thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị thông báo bằng văn bản về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phối hợp, xử lý kịp thời./.

BBT (gt)