Nhằm xây dựng mô hình tham quan phục vụ Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề: “Ứng dụng cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên” sẽ được Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức vào cuối tháng 5/2024, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp với Công ty TNHH thương mại dịch vụ Sài Gòn Kim Hồng thử nghiệm ứng dụng máy sạ cụm vào trồng lúa trên diện tích gần 7.000 m2 tại 02 xã Đức Chánh và Đức Tân, huyện Mộ Đức. Đây là lần đầu tiên địa phương áp dụng tiến bộ kỹ thuật này vào trồng lúa nhằm chuyển giao phương thức canh tác mới cho người dân sản xuất lúa, từ đó đánh giá hiệu quả kinh tế, xem xét khả năng nhân rộng và dần thay thế cho phương thức sạ vãi bằng tay truyền thống.

Sau khi làm đất xong, ngày 26/4/2024, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Đức Chánh đã tiến hành dùng máy sạ cụm để gieo sạ trên diện tích 5.000 m2. Lượng giống lúa gieo sạ từ 30 – 35 kg, tương đương 60 – 70 kg/ha. Tại ruộng trình diễn máy sạ lúa theo cụm, người dân được nhìn thấy thực tế quá trình máy hoạt động cũng như được nhân viên kỹ thuật phía công ty hướng dẫn cách khởi động máy, điều chỉnh máy, cách điều chỉnh lượng giống gieo sạ theo từng cụm.

Ông Nguyễn Đăng Đỏ ở xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức cho biết, máy sạ cụm đi theo hàng, theo lối, lúa được sạ thẳng hàng và cách đều nhau khoảng 20 – 25 cm, mỗi cụm có từ 10 – 12 hạt lúa giống, lượng giống gieo sạ chỉ khoảng 70 kg/ha. Trong khi sạ vãi bằng tay sẽ bị chỗ dày, chỗ thưa và không theo hàng, lượng giống gieo sạ từ 90 – 100 kg/ha, thậm chí có người dùng tới trên 100 kg giống. Việc ứng dụng máy sạ cụm trong trồng lúa giúp giảm công lao động, với diện tích 10 sào (500 m2/sào) như thế này mà sạ bằng tay thì phải mất 2 – 3 công lao động, trong khi sạ bằng máy chỉ mất hơn 1 giờ.

leftcenterrightdel
 Trình diễn máy sạ cụm tại xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức

Ông Võ Ngọc Nam, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đức Chánh cho biết, việc ứng dụng máy sạ cụm trong sản xuất lúa phải chú trọng khâu làm đất và ngâm, ủ giống đúng kỹ thuật. Lúa giống không được để rễ và mầm quá dài sẽ gây tắc lỗ sạ của máy. Đối với khâu làm đất phải dọn dẹp sạch rơm, rạ từ vụ trước, rồi lấy nước vào ngâm đất trong khoảng 24 giờ mới dùng máy cày để cày bừa đất, sau đó dùng máy băm kết hợp trang phẳng mặt ruộng. Không được để nước trong ruộng, chỉ cần đất đủ ướt là được, có như vậy việc ứng dụng máy sạ cụm mới đạt hiệu quả cao nhất.

Ngày 28/4/2024, sau khi làm đất xong, HTX Nông nghiệp Đức Tân cũng đã trình diễn ứng dụng máy sạ cụm trong sản xuất lúa trên diện tích gần 2.000 m2. Tại ruộng trình diễn, nhiều nông dân tham quan đã nhận thấy, máy sạ lúa theo cụm có năng suất làm việc cao, kỹ thuật vận hành đơn giản, dễ sử dụng, lúa được gieo sạ theo cụm bằng máy nên thẳng hàng. Lượng giống lúa gieo sạ giảm chỉ còn khoảng 70 kg/ha, quan trọng nhất là máy giúp giải phóng sức lao động của người nông dân.

Ông Nguyễn Văn Trình, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đức Tân cho biết, đây là lần đầu tiên HTX thực hiện ứng dụng máy sạ cụm trong sản xuất lúa đã cho thấy, máy sạ cụm tiết kiệm được khá lớn lượng giống lúa, đây được xem là giải pháp để giảm lượng giống lúa trong gieo sạ, phù hợp với chủ trương của ngành nông nghiệp huyện. Mô hình này sẽ là tiền đề cho công tác đẩy mạnh cơ giới hoá trong sản xuất lúa, đặc biệt là cơ giới hoá khâu gieo sạ vốn được xem là khâu hiện còn yếu nhất trong các khâu cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa.

leftcenterrightdel

Trình diễn máy sạ cụm tại xã Đức Tân, huyện Mộ Đức

Ông Ngô Văn Đây, nguyên Phó trưởng văn phòng thường trực Nam Bộ, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, máy sạ lúa theo cụm giúp người nông dân giảm được một lượng giống khá cao, từ 60 – 70% so với tập quán sạ dày hiện nay. Nếu như lượng giống lúa bà con nông dân sử dụng phổ biến là 100 – 120 kg/ha thậm chí 130 - 150 kg/ha, thì khi sử dụng máy sạ lúa theo cụm chỉ cần lượng lúa giống 60 – 70 kg/ha. Qua đó, giúp người nông dân tiết kiệm chi phí mua lúa giống, kéo theo giảm 20% - 30% lượng phân bón, giảm 1 – 2 lần phun thuốc BVTV, giảm ô nhiễm môi trường, tăng năng suất và chất lượng hạt lúa, tăng lợi nhuận cho người nông dân... Đặc biệt là các khóm lúa gieo với mật độ phù hợp nên thông thoáng, cứng cây.

Hiện Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên môn hướng dẫn các HTX chăm sóc lúa ruộng mô hình, đồng thời hướng dẫn các HTX và bà con nông dân kỹ thuật làm đất để trình diễn cơ giới hoá trong sản xuất lúa phục vụ công tác tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề: “Ứng dụng cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên” sẽ được tổ chức tại tỉnh Quảng Ngãi vào ngày 23-24/5/2024.

Mạnh Hùng

Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi