Là một trong những hộ điển hình của xã Việt Thành về phát triển trồng dâu nuôi tằm với tổng diện tích trồng dâu là hơn 23 sào của gia đình ông đủ để nuôi từ 10 - 12 nong tằm/ lứa nong tằm, trung bình mỗi năm thu về hơn 1,5 tấn kén cũng đem lại cho gia đình ông nguồn thu nhập trên 300 triệu đồng. Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, toàn bộ diện tích trồng dâu của gia đình ông Hà bị “chìm nghỉm” trong nước. Ngay khi nước rút, được cán bộ khuyến nông hướng dẫn, gia đình ông đã tiến hành làm mương tiêu thoát nước trong ruộng, cắt bỏ cành gẫy, cành bị tổn thương.
Ông Hà chia sẻ: “Toàn bộ diện tích trồng dâu này là của gia đình tôi, do bị chìm trong nước lâu ngày, phù sa bồi lấp nhiều, diện tích nào đất cao hơn và khắc phục sớm thì cây còn khả năng phục hồi, gần một nửa diện tích dâu của gia đình tôi xuất hiện lá úa, ngọn thối nhũn, khả năng cao cây dâu sẽ chết. Trồng cây dâu lá còn tươi như này nhưng thật ra rễ đã bị thối đen và gần như không có khả năng khắc phục”.
Trấn Yên là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của hoàn lưu cơn bão số 3, trong đó, về nông nghiệp bị thiệt hại trên 1.600 ha cây trồng, chủ yếu là diện tích lúa, cây ngô, hoa màu và cây dâu, vùi lấp trên 558 ha đất nông nghiệp; gây thiệt hại trên 219.440 con gia súc, gia cầm; 435 ha nuôi thủy sản, ảnh hưởng lớn đến nguồn thu nhập và sinh kế của các hộ sản xuất nông nghiệp. Mặc dù, rất nhiều cán bộ của Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 nhưng ngay khi nước rút, đơn vị đã nhanh chóng thành lập các tổ công tác về các địa phương để hỗ trợ người dân.
Chị Nguyễn Thị Thúy, cán bộ Khuyến nông phụ trách xã Việt Thành chia sẻ: “Ngay khi nước rút, tôi cùng một vài đồng chí được phân công đã có mặt tại xã Việt Thành để hướng dẫn người dân theo từng nhóm hộ các biện pháp phục hồi và chăm sóc cây dâu sau ngập úng; kỹ thuật trồng ngô trên đất lúa, màu bị ảnh hưởng của mưa bão; Hướng dẫn hộ chăn nuôi vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc khử trùng, chôn lấp xác động vật bị chết đảm bảo môi trường... Đến nay, với những diện tích dâu đã phục hồi và ra lá mới, chúng tôi hướng dẫn người dân vệ sinh nhà tằm và chuẩn bị các điều kiện để nuôi những lứa tằm cuối vụ thu, những hộ chăn nuôi tái đàn khi đã đảm bảo về môi trường và an toàn dịch bệnh”.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, việc xả lũ do lưu lượng nước lớn về hồ thủy điện Thác Bà đã ảnh hưởng gây ngập úng đã gây ảnh hưởng, thiệt hại đến cơ sở hạ tầng cũng như ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của nhân dân trên địa bàn một số xã trong đó có xã Đại Minh.
Tính đến hết ngày 10/10/2024, toàn xã Đại Minh nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề, trong đó có diện tích cây ăn quả bị thiệt hại (cây bưởi) là 49,085 ha, với diện tích bị thiệt hại nặng trên 70%: 38,56 ha; Diện tích thiệt hại từ 30 - 70%: 10,525 ha.
Bà Dương Thị Hồng Thắm - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Minh cho biết: “Ngay sau khi mưa ngớt, nước rút UBND xã đã ra Quyết định thành lập các tổ công tác trực tiếp xuống tận thôn, phối hợp với cán bộ khuyến nông để hướng dẫn người dân các biện pháp khắc phục sau ngập lụt. Nhờ sự theo dõi sát sao của khuyến nông viên cơ sở tại địa phương, sự nỗ lực của người dân đã áp dụng và làm theo hướng dẫn của khuyến nông viên nhờ đó đã giúp nhiều diện tích bưởi bị ngập được hồi sinh trở lại”.
Gia đình anh Nguyễn Văn Định - Thôn Minh Thân, xã Đại Minh cũng là một trong những hộ có diện tích bưởi bị ngập úng do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3. Với hơn 300 gốc bưởi đang trong kỳ kinh doanh, trong đó có khoảng hơn 100 gốc có tuổi từ 35 đến 70 năm tuổi thì có đến hơn 200 gốc bưởi bị ngập hoàn toàn trong nước, thậm chí có những diện tích bị ngập hết ngọn cây. Được cán bộ khuyến nông và các cán bộ chuyên môn hướng dẫn, ngay khi nước rút anh đã tiến hành cắt tỉa cành chết, cành yếu kết hợp tạo lại tán, sới bừa phá váng, vãi vôi khử trùng, bón thuốc kích rễ để phục hồi bộ rễ cho cây bưởi đồng thời kết hợp phun và tưới thuốc hóa học phòng chống bệnh do nấm gây ra cho cây ăn quả có múi sau khi bị ngập úng nên hiện nay hơn 90% diện tích bưởi của gia đình anh đã bắt đầu ra mầm non trở lại.
Trước hậu quả nặng nề do hoàn lưu cơn bão số 3 gây ra, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái thành lập 2 tổ công tác phối hợp với Trung tâm dịch vụ, Hỗ trợ nông nghiệp huyện, thị đến từng địa bàn, các hộ dân bị ảnh hưởng, thiệt hại để hướng dẫn, hỗ trợ khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất. Bên cạnh đó, đơn vị cũng tích cực thực hiện công tác thông tin tuyên truyền, khẩn trương chuyển các tài liệu kỹ thuật do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia ban hành tới các địa phương và nông dân để khắc phục hậu quả và phục hồi sản xuất sau bão lũ với các nội dung: hướng dẫn bước đầu xử lý các vùng đất nông nghiệp bị vùi lấp, khắc phục úng ngập đối với lúa, phục hồi vườn cây ăn quả, vườn cam và bưởi, rau và hoa màu, khôi phục đàn gia cầm, phát triển đàn gia súc, phục hồi thủy sản nuôi lồng bè... Mặt khác, Trung tâm phối hợp đôn đốc, hướng dẫn các tổ khuyến nông cộng đồng tích cực tham gia công tác khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất.
|
|
Phát tờ rơi hướng dẫn nông dân xã Tuy Lộc phục hồi sản xuất nông nghiệp sau bão lũ |
Ông Hoàng Văn Thông - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái cho biết: “Sau ảnh hưởng nặng nề của hoàn lưu con bão số 3 đối với cuộc sống của người dân nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp. Song song với việc tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp khắc phục sản xuất nông nghiệp sau bão lũ, Trung tâm Khuyến nông đã phối hợp với một số doanh nghiệp hỗ trợ trực tiếp giống đến các địa phương bị ảnh hưởng. Với tinh thần “Ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông”, những vật tư được hỗ trợ bởi các tổ chức và doanh nghiệp đã được các cán bộ khuyến nông, khuyến nông viên cơ sở giao và hướng dẫn trực tiếp đến từng hộ dân bị ảnh hưởng”./.
|
Tính đến hết ngày 04/10/2024, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái đã tiếp nhận, giao và hướng dẫn trực tiếp đến người dân các loại giống và vật tư nông nghiệp, bao gồm:
+ Quỹ Thiện Tâm của tập đoàn VinGroup thông qua Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hỗ trợ: 700 lít hóa chất sát trùng, 200 kg chế phẩm sinh học, 200 kg B-Complex, 600 kg men vi sinh hỗ trợ tiêu hóa và 2.000 lít chế phẩm sinh học xử lý môi trường nước ao/hồ;
+ Công ty Cổ phần Hoàng Anh AGITECH hỗ trợ: 5.000 kg phân bón hữu cơ vi sinh HA15 và 100 lít chế phẩm sinh học cho cây trồng;
+ Trung tâm nghiên cứu và sản xuất giống ngô sông Bôi: 100 kg giống ngô SB099;
+ Công ty cổ phần công nghệ cao Hà Phát: 100 kg giống ngô MB69
+ Công ty TNHH Dịch vụ Nông nghiệp Thuận Phát: 20 kg giống ngô lai TQ519;
+ Công ty cổ phần phát triển giống cây trồng Hà Nội: 20 Kg giống ngô lai VN116;
+ Công ty cổ phần Doanh Nông: 20 kg giống ngô lai LVN152;
+…
|
|
Nguyễn Thị Minh Phượng
Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái