Thực hiện Thông báo số 28/TB-VPCP ngày 30/01/2012 của Văn phòng Chính phủ về ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 02 năm thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg và triển khai kế hoạch năm 2012 và ý kiến đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại công văn số 433/BNN-TCCB ngày 27/02/2012, trước mắt để đảm bảo chỉ đạo thống nhất trong tổ chức thực hiện kế hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn năm 2012, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Ngọc Phi đã ký công văn số 964/LĐTBXH-KHTC hướng dẫn việc phân công tổ chức thực hiện dạy nghề nông nghiệp và nghề phi nông nghiệp tại địa phương như sau:
1. Lập kế hoạch và phân bổ kinh phí:
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ và nguồn kinh phí thực hiện Đề án từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác trên địa bàn; đồng thời trên cơ sở số lượng, trình độ, thực trạng lao động nông thôn, quy hoạch, dự báo phát triển ngành nghề; nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn và nhu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất kế hoạch, kinh phí thực hiện dạy nghề cho lao động nông thôn; cụ thể như sau:
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất kế hoạch, kinh phí dạy nghề nông nghiệp gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để cân đối, tổng hợp.
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất kế hoạch, kinh phí dạy nghề phi nông nghiệp và tổng hợp nhu cầu dạy nghề nông nghiệp vào kế hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn của tỉnh, trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có trách nhiệm phê duyệt kế hoạch và phân bổ kinh phí dạy nghề cho lao động nông thôn, trong đó: kế hoạch, kinh phí dạy nghề nông nghiệp giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thực hiện; kế hoạch, kinh phí dạy nghề phi nông nghiệp giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức thực hiện theo quy định.
2. Tổ chức thực hiện:
Trên cơ sở kế hoạch, kinh phí đã được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố giao, hướng dẫn thực hiện của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các văn bản hiện hành hướng dẫn thực hiện Đề án Dạy nghề cho lao động nông thôn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn và quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí theo đúng nội dung, định mức chi, đáp ứng mục tiêu, tiến độ theo kế hoạch và đảm bảo sử dụng kinh phí hiệu quả nhất.
3. Báo cáo, giám sát đánh giá tình hình thực hiện:
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tình hình thực hiện dạy nghề nông nghiệp định kỳ và đột xuất cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định.
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo tình hình thực hiện dạy nghề phi nông nghiệp và tổng hợp chung báo cáo cả Đề án trên địa bàn tỉnh theo quy định, gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở, Ban, ngành liên quan và đề nghị các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội trên địa bàn phối hợp kiểm tra, giám sát đảm bảo việc thực hiện dạy nghề cho lao động nông thôn tại địa phương đảm bảo đúng mục tiêu và hiệu quả của Đề án đã được phê duyệt tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ.
Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố thống nhất chỉ đạo thực hiện.