Sự kiện thu hút trên 200 đại biểu đến từ các cơ quan trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT; đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Sóc Trăng, thành phố Cần Thơ; lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông, Tổ Khuyến nông cộng đồng (KNCĐ) và HTX của 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn và cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam chủ trì buổi tọa đàm.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh tọa đàm

Ngày 25 tháng 3 năm 2022, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Quyết định số 1094/QĐ-BNN-KN phê duyệt Đề án: “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng”. Mục tiêu của đề án là nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến nông theo hướng đa dạng hóa chức năng và loại hình hoạt động, phát triển dịch vụ khuyến nông theo hướng xã hội hóa, tích hợp đa giá trị nhằm tạo ra giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế cho các đối tượng tham gia khuyến nông.

Sau hơn một năm triển khai hoạt động, đề án đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo số liệu tổng hợp từ báo cáo của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, đến tháng 9 năm 2023, 100% các tỉnh triển khai đề án đã có quyết định ban hành quy chế mẫu cho các tổ KNCĐ. Toàn bộ 13 tỉnh vùng dự án đã nhận thức được sự cần thiết phải củng cố, hoàn thiện hệ thống khuyến nông cơ sở trên cơ sở kiện toàn các tổ chức đã có. Một số tỉnh ngoài vùng đề án thí điểm đã củng cố hệ thống khuyến nông cơ sở thông qua xây dựng tổ KNCĐ như Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Phòng, Thái Nguyên, Hà Nội, Bình Định, Bình Phước, Quảng Nam, Ninh Thuận, Vĩnh Long, Hậu Giang. Đa số các tỉnh đồng thuận và tổ chức thực hiện theo quan điểm tổ KNCĐ là bộ phận thuộc hệ thống khuyến nông tỉnh, được thành lập trên cơ sở các nguyên tắc là không tăng biên chế của khuyến nông tỉnh, không ảnh hưởng đến cơ cấu tổ chức bộ máy khuyến nông tỉnh, hạn chế phát sinh kinh phí chi cho bộ máy khuyến nông; tổ KNCĐ được hình thành linh hoạt, không khuôn mẫu, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, tổ KNCĐ có thể phụ trách 2-3 xã, hoặc một xã có 1 tổ KNCĐ; một số tỉnh sau khi thành lập đã sử dụng nguồn ngân sách của tỉnh để tăng cường năng lực cho KNCĐ; một số tổ KNCĐ bước đầu đã cung cấp dịch vụ khuyến nông và có thu nhập từ dịch vụ (tổ KNCĐ tại vùng nguyên liệu cà phê)...

leftcenterrightdel
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam chủ trì buổi tọa đàm

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chia sẻ, qua hơn một năm triển khai đề án đã mở rộng thêm tại 30 tỉnh, thành phố trên địa bản cả nước, thành lập được 3.500 tổ KNCĐ. Tại nhiều địa phương còn có sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Kết quả của đề án đến thời điểm hiện tại là ngoài sự mong đợi. Tuy nhiên, để tránh tình trạng phát triển “nóng” tại các địa phương, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia vẫn đang tiếp tục xây dựng và đúc rút kinh nghiệm từ kết quả thực tế để điều chỉnh các nội dung hoạt động cho phù hợp.

Ông Lê Chí Nhân, cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bến Tre - đại diện các tổ KNCĐ tham dự tọa đàm trình bày báo cáo tham luận về Khuyến nông cộng đồng gắn với dự án khuyến nông Trung ương phục vụ phát triển vùng nguyên liệu đạt chuẩn”. Theo đó, tại tỉnh Bến Tre, thành viên tổ KNCĐ đang hoạt động dựa trên “3 chìa khóa” gồm: dịch vụ kỹ thuật (tỉa cành tạo tán, tư vấn xử lý ra hoa, quản lý dịch hại…); liên kết với doanh nghiệp đầu ra; liên kết với doanh nghiệp đầu vào. Toàn bộ chi phí hoạt động của tổ KNCĐ cũng dựa trên hoạt động từ 3 hoạt động chính này. Đến nay Bến Tre đã thành lập được 90 tổ KNCĐ vơi 720 thành viên. Tỉnh cũng xây dựng được 10 tổ KNCĐ điểm để làm cơ sở nhân rộng cho các xã còn lại.

“Hiện nay, tổ KNCĐ được hưởng từ 500 – 1000 đồng/kg sản phẩm đầu ra; từ 5 – 10% doanh số khi kết nối và tư vấn cho nông dân; thu nhập từ dịch vụ tỉa cành, tạo tán khoảng 8 – 10 triệu đồng/ha. Thu nhập thêm bình quân của các thành viên tổ KNCĐ từ 3 – 5 triệu đồng/tháng” - Ông Nhân chia sẻ.

Nội dung trao đổi, thảo luận nhận được nhiều ý kiến phát biểu đến từ đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các chuyên gia và nhà doanh nghiệp. Đa số các đại biểu đều cho rằng kết quả đạt được của đề án đến thời điểm hiện tại là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên để có thể triển khai nhân rộng rất cần sự quan tâm, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT về các nội dung như: phương thức tổ chức, quy chế hoạt động, kinh phí hoạt động của tổ KNCĐ. Các đại biểu cũng quan tâm đến việc bổ sung, sửa đổi Nghị định 83 của Chính phủ về Khuyến nông cho phù hợp với tình hình mới; các chế độ đãi ngộ cho tổ KNCĐ để hoạt động thật sự bền vững và hiệu quả tại mỗi địa phương...vv.

leftcenterrightdel
 Đại biểu tham dự phát biểu tại tọa đàm

Phát biểu tổng kết và bế mạc tọa đàm, Thứ trưởng Trần Thanh Nam bày tỏ sự đồng tình với ý kiến của đại biểu về tạo điều kiện hoạt động cho tổ KNCĐ. Thứ trưởng nhấn mạnh: Việc đa dạng hóa dịch vụ hoạt động nông nghiệp của tổ KNCĐ là rất cần thiết. Chúng ta không nên vội vàng xây dựng hàng loạt tổ KNCĐ mà không có kinh phí hoạt động. Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng như các địa phương cần thận trọng, bình tĩnh trong triển khai. Đối với các địa phương đã thành lập tổ KNCĐ cần được củng cố, kiện toàn thường xuyên. Mỗi tổ KNCĐ cần xây dựng kế hoạch, công việc cụ thể để phát triển bền vững. Các thành viên tổ KNCĐ phải không ngừng nâng cao trình độ để làm tốt vai trò kết nối giữa cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp và người nông dân. Trong thời gian tới, Bộ NN và PTNT sẽ xem xét, bổ sung nguồn kinh phí từ chương trình nông thôn mới để hỗ trợ thêm cho hoạt động của các tổ KNCĐ.

leftcenterrightdel
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam tổng kết tọa đàm

 

leftcenterrightdel

Trong khuôn khổ tọa đàm đã diễn ra lễ trao tặng trang thiết bị cho 12 tổ KNCĐ thuộc 6 tỉnh Vùng đồng bằng sông Cửu Long do Quỹ Thiện tâm – Tập đoàn Vingroup tài trợ

Đỗ Tuấn - Hoàng Phương