Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của BCH Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, công tác khuyến nông đã chủ động chuyển đổi từ tư duy khuyến nông hỗ trợ sang tư duy khuyến nông kết nối, tích hợp đa giá trị, gắn với kiến thức, kỹ năng kinh tế nông nghiệp. Mô hình tổ khuyến nông cộng đồng là một hướng đi mới để kết nối hệ thống khuyến nông với cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp nhằm hỗ trợ người nông dân tốt hơn trong việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, các giải pháp hữu ích vào sản xuất, giúp cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, góp phần xây dựng nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt Đề án thí điểm “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng” (Quyết định số 1094/QĐ-BNN-KN ngày 25/3/2022). Đề án được triển khai tại 13 tỉnh thuộc 5 vùng nguyên liệu nông, lâm, thủy sản chủ lực của ngành với mục tiêu nhằm củng cố kiện toàn hệ thống khuyến nông cơ sở theo mô hình tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động đa chức năng: phục vụ tái cơ cấu ngành, phát triển nông thôn, phát triển vùng nguyên liệu, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng nông sản. Sau 02 năm thí điểm, mô hình tổ khuyến nông cộng đồng đã có những tín hiệu tích cực, nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và bà con nông dân. Đến nay, ngoài 26 tổ khuyến nông cộng đồng thí điểm, tại 13 tỉnh tham gia Đề án đã thành lập thêm 846 tổ khuyến nông cộng đồng mở rộng, với tổng số 7.829 thành viên. Đồng thời, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, trên cả nước đã có trên 30 tỉnh, thành phố đã thành lập các tổ khuyến nông cộng đồng với tổng số khoảng 3.500 tổ để hoạt động phục vụ phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.
Để công tác khuyến nông và các tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả, bền vững, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo một số nội dung sau:
1. Rà soát, củng cố, kiện toàn hệ thống khuyến nông cơ sở theo mô hình tổ khuyến nông cộng đồng phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hướng dẫn về tổ khuyến nông cộng đồng tại Quyết định số 1680/QĐ-BNN-VPĐP ngày 11/5/2022).
2. Xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tạo điều kiện cho các tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của nông dân, trở thành lực lượng chủ lực của ngành nông nghiệp ở cơ sở.
3. Cải thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao năng lực hệ thống khuyến nông, xây dựng đội ngũ cán bộ khuyến nông, khuyến nông cộng đồng có năng lực, trách nhiệm, tâm huyết với nghề, làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả.
4. Tăng cường đầu tư kinh phí cho hoạt động khuyến nông, xây dựng các chương trình, dự án khuyến nông gắn với nâng cao năng lực đội ngũ khuyến nông cộng đồng; phối hợp, lồng ghép các nguồn lực nhằm nâng cao hiệu quả và sức lan tỏa khuyến nông.
5. Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan chuyên môn của tỉnh tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm hoạt động của các tổ khuyến nông cộng đồng phục vụ xây dựng nông thôn mới ở địa phương, gửi báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để chuẩn bị cho Hội nghị toàn quốc sơ kết 02 năm thực hiện mô hình thí điểm tổ khuyến nông cộng đồng của Bộ.
Trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rất mong nhận được sự quan tâm, phối hợp chỉ đạo của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương./.