Trong kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định số 2396/QĐ-UBND ngày 14/9/2022 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc xây dựng tổ khuyến nông cộng đồng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022-2025, mục tiêu cụ thể năm 2022 xây dựng 30% tổ khuyến nông cộng đồng ở cấp thôn trên địa bàn toàn tỉnh; năm 2023, xây dựng 70% tổ khuyến nông cộng đồng ở cấp thôn; từ năm 2024 đến 2025 hoàn thành xây dựng 100% tổ khuyến nông cộng đồng ở cấp thôn còn lại trên địa bàn toàn tỉnh.

Nhằm đẩy mạnh hoạt động khuyến nông cơ sở theo hướng hỗ trợ, hướng dẫn trực tiếp cho nông dân, dựa trên 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: chuyển giao công nghệ, kỹ thuật tiên tiến; hỗ trợ hình thành phát triển hợp tác xã (vận động, tư vấn nông dân tham gia vào HTX, hỗ trợ tư vấn tổ chức sản xuất,...); thông tin thị trường, liên kết sản xuất, đa dạng hóa chức năng và phương thức hoạt động khuyến nông; trong năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam đã làm việc với 11 huyện, thị xã, thành phố để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc; kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương tổ chức xây dựng tổ khuyến nông cộng đồng, đồng thời khảo sát nhu cầu về các hoạt động nâng cao năng lực cho thành viên tổ khuyến nông cộng đồng (như tập huấn kỹ năng, kỹ thuật...).

Theo đó, đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có hơn 700 tổ khuyến nông cộng đồng được xây dựng. Các tổ sau khi được UBND xã công nhận bước đầu đi vào hoạt động; là cầu nối của chính quyền địa phương để thông tin, tuyên truyền sâu rộng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Các thành viên trong tổ khuyến nông cộng đồng có tâm huyết với nông nghiệp, tham gia trên tinh thần tự nguyện, có kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, theo dõi, hướng dẫn, nắm bắt nhanh tình hình sản xuất của bà con nông dân. Bước đầu hoạt động cho thấy có sự tập trung trong công tác tư vấn, hỗ trợ, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp trên địa bàn, tham gia đầy đủ các lớp tập huấn nâng cao năng lực. Đa số các tổ khuyến nông cộng đồng đã thực hiện tốt việc vận động bà con tham gia các lớp tập huấn liên quan đến chương trình khuyến nông.

Song song với việc hướng dẫn thành lập tổ khuyến nông cộng đồng cho các địa phương, Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam cũng đã tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng khuyến nông cho thành viên tổ tại16 xã về đích nông thôn mới.

leftcenterrightdel
Tập huấn cho các thành viên tổ KNCĐ tại xã Ma Cooi huyện Đông Giang, Quảng Nam 

Trong quá trình triển khai thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn gặp một số khó khăn như sau:

- Mặc dù UBND các địa phương đã có kế hoạch định hướng chung về hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng, tuy nhiên, một số xã mới thành lập chưa đi vào hoạt động nề nếp. Một số tổ thu hút đông đảo tầng lớp xã hội, các tổ chức đoàn thể tham gia; nông dân chưa mạnh dạn mở rộng đầu tư sản xuất do một số mô hình khuyến nông có sức sống chưa dài.

- Quá trình nhận thức về mục tiêu, ý nghĩa của tổ khuyến nông cộng đồng chưa thật sự sâu sắc. Một số địa phương còn lúng túng trong việc triển khai, tổ chức thực hiện, vận động các thành phần và người dân tham gia tổ.

- Một số thành viên của tổ khuyến nông cộng đồng mới thành lập chưa được tập huấn, tham quan, học tập trao đổi kinh nghiệm nên còn hạn chế về kiến thức, kinh nghiệm để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ. Hoạt động khuyến nông là hoạt động lồng ghép trong công việc của đội ngũ cán bộ ngành nông nghiệp, cán bộ thôn, lực lượng nông dân nòng cốt nên việc đầu tư cho công tác khuyến nông chưa nhiều.

- Nguồn kinh phí hàng năm phân bổ cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho hệ thống khuyến nông ít và thiếu nên chưa phát huy được kiến thức, kỹ năng tham mưu cho các cấp lãnh đạo. Các tổ khuyến nông cộng đồng chưa có nguồn kinh phí riêng để hoạt động, phụ thuộc nhiều vào các nguồn kinh phí lồng ghép nên trong quá trình hoạt động, các thành viên của tổ khuyến nông cộng đồng không thể chủ động phát huy hết được vai trò trách nhiệm của mình.

Trên cơ sở ý kiến của các địa phương, nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, mục đích và yêu cầu đề ra, Trung tâm kính đề nghị:

- UBND tỉnh cần ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng và các chương trình phát triển nông nghiệp bền vững theo từng điều kiện của địa phương.

- Tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn năng cao năng lực cho thành viên tổ khuyến nông cộng đồng; Tổ chức tham quan, học tập trao đổi kinh nghiệm để thành viên các tổ khuyến nông cộng đồng kết nối nhu cầu hợp tác liên kết chuỗi giá trị giữa các tổ khuyến nông cộng đồng trong và ngoài tỉnh với nhau hoặc với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

- UBND cấp huyện, thị xã, thành phố tiếp tục quan tâm chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT/Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp xây dựng kế hoạch hằng năm về thông tin tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, tham quan và học tập trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao năng lực cho thành viên tổ khuyến nông cộng đồng.

- UBND cấp xã tiếp tục kêu gọi các nguồn lực xã hội cùng chung tay hỗ trợ xây dựng t Khuyến nông cộng đồng; đồng thời kết nối các nông dân sản xuất giỏi, điển hình, các doanh nghiệp, tổ hợp tác… cùng tham gia tổ Khuyến nông cộng đồng. Bố trí các nguồn kinh phí từ nguồn kinh phí ngân sách xã và nguồn kinh phí khác để duy trì hoạt động, phát triển tổ khuyến nông cộng đồng tại địa phương./.

Đặng Ngọc Sơn

Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam