leftcenterrightdel

Ông Lâm Hồng Thái – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông đang phát biểu khai giảng lớp học

Khuyến nông có vai trò trong việc hỗ trợ nông dân đổi mới và phát triển sản xuất nông nghiệp, giúp người nông dân tiếp cận và áp dụng các tiến bộ kĩ thuật, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng. Từ đó gia tăng hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập; góp phần phát triển kinh tế gia đình và địa phương. Tuy nhiên, công tác khuyến nông hiện đang gặp nhiều khó khăn việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp đến người nông dân còn hạn chế. Bên cạnh đó, định hướng Trung tâm Khuyến nông sẽ tăng cường phát triển dịch vụ công nhằm đi lên tự chủ tài chính cũng là một vấn đề mà Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh đang quan tâm. Vì thế việc tìm ra giải pháp để củng cố hoặc nâng cao vai trò khuyến nông tại Tây Ninh nói chung và nâng cao phát triển dịch vụ khuyến nông nói riêng là hết sức cần thiết. Trong đó, Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh nhận định việc xây dựng, kiện toàn khuyến nông cơ sở theo mô hình tổ Khuyến nông cộng đồng là một trong những giải pháp đột phá để tháo gỡ khó khăn trên. Do vậy, Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh đã tổ chức lớp Tập huấn Bồi dưỡng nghiệp vụ khuyến nông cộng đồng.

Tập huấn diễn ra trong 02 ngày 04-05/4/2024, tại trường Chính sách công và Phát triển nông thôn với sự tham gia của ông Lâm Hồng Thái – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và 14 học viên là cán bộ, công tác viên khuyến nông, nông dân thuộc tổ Khuyến nông cộng đồng của Tây Ninh với mục tiêu nâng cao kiến thức, vai trò, trách nhiệm; từ đó tăng tính liên kết, hiệu quả hoạt động của tổ Khuyến nông cộng đồng tại địa phương.

Lớp tập huấn được Tiến sĩ Lê Hữu Quang và Thạc sĩ Đoàn Ngọc Trung - Giảng viên trường Chính sách công và PTNT phụ trách giảng dạy cũng như chia sẻ về nghiệp vụ trong Khuyến nông cộng đồng. Trong đó, tập trung chủ yếu vào 02 nội dung là “Khuyến nông cộng đồng trong chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp” và “Định hướng dịch vụ khuyến nông theo hình thức đối tác công tư (PPP)”.

Qua hai ngày học tập và trao đổi đã giúp các học viên hiểu thêm vai trò, quyền lợi, trách nhiệm của các thành viên trong tổ Khuyến nông cộng đồng nói chung và liên hệ với cán bộ khuyến nông nói riêng cũng như một số thuận lợi, khó khăn khi xây dựng và phát triển mô hình tổ khuyến nông cộng đồng.

Trong buổi thảo luận với các học viên nhằm đánh giá mức độ học và liên hệ thực tế của lớp; hai giảng viên đã đưa ra một số câu hỏi để các học viên trao đổi và tự trả lời. Một trong số đó là câu hỏi “Sau khi cân nhắc các ưu và nhược điểm thì trong số các phương pháp chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp cho nông dân như: mô hình trình diễn, tập huấn khuyến nông, mô hình từ nông dân đến nông dân…; các học viên cho rằng đâu là phương pháp hiệu quả nhất?”.

Trả lời cho câu hỏi này, ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng trạm Khuyến nông Thành phố Tây Ninh đã có những chia sẻ cá nhân của mình. Theo đó, ông Bình nhận định phương pháp “Mô hình từ nông dân đến nông dân” là phương pháp tối ưu nhất do tính thực tế cao, nông dân được “tai nghe, mắt thấy”. Bên cạnh đó việc học hỏi, tham quan các mô hình cũng như trao đổi trực tiếp với những người làm mô hình sẽ giúp cho nông dân có thể giải đáp những thắc mắc, kinh nghiệm mà các buổi hội thảo, tập huấn về mặt lý thuyết không mang lại được. Từ đó giúp người nông dân đúc kết được những kinh nghiệm thực tiễn để có thể chọn lọc, phát triển những mô hình mà phù hợp với điều kiện, khả năng của gia đình.

Qua hai ngày học hỏi và làm việc sôi nổi, đã giúp các học viên có thêm kiến thức về khuyến nông cộng đồng nói chung và hình thức đối tác công tư, chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp trong khuyến nông cộng đồng nói riêng. Các học viên đánh giá cao về chủ đề, nội dung cũng như khả năng áp dụng vào thực tế của lớp tập huấn. Từ đó, giúp các học viên có thể tiếp cận với nông dân dễ dàng hơn. Góp phần làm tăng vai trò, trách nhiệm và tính liên kết của tổ Khuyến nông cộng đồng nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho người nông dân địa phương.

Phạm Quốc Huy

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh