Nhằm đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế và những thách thức của biến đổi khí hậu ngày càng lớn trong giai đoạn tới đòi hỏi nhà nước cần hỗ trợ hình thành và phát triển các vùng nguyên liệu, gắn kết với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản, đặc biệt là hình thành được các vùng nguyên liệu quy mô lớn, liên vùng, tập trung, hiện đại và ổn định lâu dài. Quá đó, tạo động lực, khơi dậy được tiềm năng phát triển cho các địa phương để có thể mở rộng và phát triển các vùng nguyên liệu, góp phần xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới thành công.
Để thực hiện mục tiêu đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo xây dựng “Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025” nhằm thí điểm phát triển 05 vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; thí điểm cơ chế, cách làm trên địa bàn 13 tỉnh trải dài từ Bắc vào Nam với các sản phẩm chủ lực như: cây ăn quả, lúa gạo, cà phê, gỗ lớn rừng trồng giai đoạn 2022-2025 từ đó tổng kết rút kinh nghiệm và nhân rộng những mô hình hiệu quả ra cả nước là rất cần thiết.
Sau 02 năm triển khai thực hiện Đề án, 05 vùng nguyên liệu đạt chuẩn đã hình thành ngày càng rõ nét và phát triển về diện tích và chất lượng. Nhiều công trình xây dựng kỹ thuật hạ tầng trong vùng nguyên liệu đã được thi công và bàn giao cho địa phương đưa vào sử dụng, phục vụ tốt cho việc vận chuyển nguyên liệu từ vùng sản xuất về nhà máy để chế biến. Nhiều HTX được thành lập mới và củng cố lại; cán bộ quản lý HTX và thành viên HTX được đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, ứng dụng công nghệ phần mềm kế toán HTX, phần mềm nhật ký sản xuất; hình thành được hệ thống các Tổ Khuyến nông cộng đồng để tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật về sản xuất, liên kết thị trường, phát triển HTX, tín dụng. Các địa phương đã tập trung thực hiện triển khai hiệu quả các dự án liên kết theo Nghị định số 98/2028/NĐ-CP, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến và chính sách hỗ trợ đất lúa, huy động được sự tham gia và đối ứng kinh phí khá lớn của các HTX, doanh nghiệp.
Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025 theo Quyết định số 1088/QĐ-BNN-KTHT ngày 25/3/2022.
Theo đó, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT chủ trì, đầu mối chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, 13 tỉnh tham gia Đề án và các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai các nội dung của Đề án nhằm hoàn thành các mục tiêu, nội dung, kế hoạch đã đề ra đến năm 2025 theo Quyết định số 1088/QĐ-BNN-KTHT ngày 25/3/2022; Chủ trì, phối hợp với các tổ chức, cá nhân tổ chức đào tạo, tập huấn, tư vấn cho các HTX, thành viên HTX trong các vùng nguyên liệu nhằm mở rộng quy mô thành viên tham gia, củng cố và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động; hỗ trợ HTX, tham gia các chuỗi liên kết theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP; Chủ trì, phối hợp với các Viện, Trường thuộc Bộ và các đơn vị liên quan nghiên cứu tổ chức các lớp đào tạo nghề cho các HTX, thành viên HTX và nông dân tham gia phát triển vùng nguyên liệu như: Nghề Giám đốc HTX nông nghiệp; nghề kế toán HTX nông nghiệp; sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp để tái sản xuất theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn; áp dụng quy trình sản xuất xanh, giảm phát thải, thân thiện với môi trường.v.v.
Cục cũng là đơn vị chủ trì, phối hợp với các tổ chức có năng lực đẩy mạnh chuyển đổi số, hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin cho các HTX, thành viên HTX. Nghiên cứu thí điểm thành lập Hiệp hội HTX nông nghiệp trong các vùng nguyên liệu. Phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ và các địa phương nghiên cứu xây dựng hệ thống tiêu chí, chỉ tiêu, định mức kinh tế kỹ thuật cho vùng nguyên liệu nông, lâm, thủy sản đạt chuẩn để triển khai hiệu quả và nhân rộng. Phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam (Agribank) và một số ngân hàng, tổ chức tín dụng; Bảo hiểm Nông nghiệp (ABIC) triển khai thí điểm cơ chế, chính sách tín dụng gắn với bảo hiểm nông nghiệp theo chuỗi liên kết phát triển vùng nguyên liệu. Trước mắt, rà soát nhu cầu tín dụng của các HTX, doanh nghiệp trong các vùng nguyên liệu lúa gạo ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cà phê ở vùng Tây Nguyên để triển khai thí điểm một số mô hình cho vay tín dụng theo chuỗi liên kết có sự tham gia của HTX, doanh nghiệp và có sự hỗ trợ của Tổ khuyến nông cộng đồng (KNCĐ).
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia được phân công nhiệm vụ tiếp tục tăng cường năng lực cho hệ thống khuyến nông và hỗ trợ các Tổ KNCĐ trong phát triển vùng nguyên liệu; nâng cao vai trò của các Tổ KNCĐ trong việc tư vấn, hỗ trợ phát triển HTX, tư vấn kỹ thuật phát triển sản xuất và liên kết thị trường, tiếp cận khoa học công nghệ, tín dụng. Phối hợp với Cục Kinh tế hợp tác và PTNT thí điểm việc tham gia của KNCĐ vào tổ chức của các HTX nông nghiệp.
Các địa phương tham gia Đề án (Hòa Bình, Sơn La, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Kiên Giang, An Giang) cần quan tâm, bố trí kinh phí, phối hợp với các cơ quan thuộc Bộ triển khai Đề án theo đúng cam kết với Bộ. Quan tâm tháo gỡ khó khăn pháp lý về đất đai, tạo điều kiện, hỗ trợ mặt bằng đầu tư hạ tầng, nhất là hạ tầng logistics hỗ trợ HTX. Tập trung hoàn thành các hạng mục công trình hạ tầng vùng nguyên liệu; đào tạo, tập huấn tăng cường năng lực cho các HTX; tư vấn, hỗ trợ các HTX mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh; phát huy vai trò các Tổ khuyến nông cộng đồng; xúc tiến thương mại và phát triển thương hiệu sản phẩm; cấp mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến; hỗ trợ hạ tầng logistics phục vụ sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp; có cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, liên kết với HTX, nông dân theo chuỗi giá trị; hỗ trợ các dự án, kế hoạch liên kết theo Nghị định 98, các mô hình, dự án khuyến nông.
Với sự nỗ lực của cả hệ thống, hy vọng Đề án sẽ đạt những mục tiêu đặt ra góp phàn thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế và những thách thức của biến đổi khí hậu ngày càng lớn trong giai đoạn tới.
Thu Hằng