Trong khi chờ đón mùa vải bội thu, với nhiều hộ nuôi ong trong vùng đây cũng là một “mùa vàng” bởi hoa vải bung nở trắng đồi cũng đồng nghĩa với việc sản lượng mật ong thu được sẽ cao.
Hộ ông Nông Văn Thức ở thôn Cây Gạo, xã Đồng Lạc, huyện Yên Thế có khoảng gần 1000 m2 diện tích đồi trồng cây ăn quả, trong đó chủ đạo là cây vải thiều. Từ nhiều năm trước để tăng tỷ lệ thụ phấn, đậu quả, ông Thức đã tìm mua ong mật về nuôi. Khi ấy ông chỉ nuôi 5-6 đàn ong nội mục đích chính là để con ong giúp thụ phấn cho hoa, từ đó quả sẽ ra sai hơn, mật thu được dùng để bồi bổ sức khỏe. Thế nhưng, quá trình nuôi ong mang lại nhiều lợi ích hơn ông nghĩ, vì diện tích để nuôi rất gọn, các thùng nuôi được ông đặt ngay trong vườn, không ảnh hưởng đến diện tích trồng cây ăn quả mà chi phí đầu tư ban đầu thấp.
Đặc biệt, trong những năm trở lại đây, hộ ông Thức cùng một số hộ trên địa bàn xã được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Giang hỗ trợ đàn ong giống và thường xuyên được cán bộ Trung tâm Khuyến nông tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi, chăm sóc và phòng trị bệnh cho đàn ong nên đến nay ông cũng như các hộ khác đều làm tốt, khai thác hiệu quả.
Từ 5-6 đàn ong ban đầu, nay nhà ông Thức thường duy trì 60-70 đàn ong nội trong vườn nhà. Ông Thức cho biết, nuôi ong để khai thác mật hiệu quả kinh tế rất cao. Một đàn ong, mỗi vụ hoa có thể cho thu hoạch 4-5 vòng quay, những năm thuận lợi có thể được 6-7 vòng quay, mỗi vòng quay có thể đạt từ 1,2-1,5 lít mật. Tính trung bình 5 vòng quay mỗi vụ thì một đàn ong cho 10 lít mật, với mức giá ổn định từ 180.000 - 200.000 đồng/lít t, trừ chi phí, mỗi năm gia đình thu về từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng từ việc nuôi ong lấy mật. Điều quan trọng hơn cả là cũng từ việc nuôi ong mà vườn vải thiều nhà ông được thụ phấn thuận lợi và cho quả sai hơn. Dù số lượng đàn không lớn, ông Thức chỉ nuôi theo kiểu tận dụng diện tích vườn cây ăn quả nhưng mọi chi tiêu trong gia đình đều là tiền bán vải và mật ong.
    |
 |
Ông Thức chia sẻ về hiệu quả nuôi ong trong vườn vải của gia đình |
Không chỉ ở xã Đồng Lạc, hiện nay mô hình nuôi ong lấy mật đang ngày càng được nhân rộng, phát triển cả về số lượng lẫn quy mô đàn tại nhiều xã trên địa bàn huyện Yên Thế. Một số địa phương đã thành lập được hợp tác xã và có sản phẩm mật ong đạt tiêu chuẩn OCOP. Từ những hộ nuôi ong cá thể, đơn lẻ, các năm trở lại đây nhiều hộ đã mạnh dạn đăng ký tham gia mô hình hợp tác xã.
Ông Phạm Văn Hào - Hợp tác xã Hào An, xã An Thượng, huyện Yên Thế chia sẻ, mặc dù trước nay việc trồng cây ăn quả vẫn được xem là chủ đạo nhưng nhận thấy rõ lợi ích của việc nuôi ong lấy mật mà đến nay nhiều hộ trong xã nuôi vài chục đàn ong. Các hộ đã thành lập hợp tác xã với 10 thành viên tham gia. Nhờ nắm rõ được kỹ thuật mà đến nay Hợp tác xã Hào An đã có 3 sản phẩm được chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao là mật ong nội hoa nhãn Hào An, thanh long ruột đỏ, táo đại mật. Sau khi được công nhận OCOP, giá bán các sản phẩm không những cao hơn trước mà việc tiêu thụ cũng thuận lợi hơn rất nhiều. Hiện Hợp tác xã đang bán buôn với giá 200.000/lít mật ong vải, nhãn.
Trên địa bàn huyện Yên Thế hiện đang nuôi 14.000 đàn ong, tập trung ở một số xã như Hồng Kỳ, Tam Tiến, Đồng Lạc, An Thượng… Đây là những vùng tập trung nhiều đồi rừng và diện tích cây ăn quả lớn, do vậy các hộ đã kết hợp trồng cây ăn quả và nuôi ong. Phần lớn các hộ nuôi từ 50-70 đàn, mặc dù số lượng đàn không nhiều nhưng là nguồn thu nhập ổn định cho các hộ trong mỗi vụ hoa.
Ông Lương Văn Hiến - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Yên Thế cho biết, để phát huy lợi thế so sánh, ngoài vấn đề phát triển tổng đàn, trong thời gian qua cơ quan chuyên môn tham mưu cho UBND huyện tập trung chỉ đạo để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, sản phẩm mật ong trên địa bàn huyện Yên Thế đã có nhãn hiệu như mật ong hoa rừng, mật ong hoa nhãn của các hợp tác xã
Ngoài ra, phòng sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND huyện và các cơ quan liên quan, lồng ghép các nguồn lực để hỗ trợ các hợp tác xã và các xã có lợi thế phát triển đàn ong để tiếp tục duy trì và phát triển đặc biệt đi sâu về chất lượng, quảng bá sản phẩm để khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến sản phẩm mật ong của Yên Thế.
Hương Giang
Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang