Hiện nay, cà phê là cây trồng chủ lực của tỉnh Đăk Nông nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung với tổng diện tích toàn tỉnh khoảng trên 142.059ha, trong đó diện tích kinh doanh: 129.930 ha, năng suất bình quân đạt: 27,71 tạ/ha, sản lượng thu hoạch đạt 360.027 tấn.

 

Tuy nhiên, việc phát triển cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Nông trong những năm trước đây chưa mang tính bền vững, chưa phát huy hết tiềm năng về đất đai, khí hậu để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Ngành hàng cà phê Đắk Nông đang đứng trước những thách thức như: cà phê trồng tự phát, kể cả trên những chân đất không phù hợp, không đủ điều kiện canh tác (đất có độ dốc lớn, tầng canh tác mỏng, nguồn nước tưới không đảm bảo...); chất lượng giống chưa đảm bảo, mẫn cảm nhiều loại sâu bệnh hại; diện tích cà phê sử dụng cây giống thực sinh còn nhiều nên độ đồng đều của vườn thấp, năng suất, chất lượng không cao và chu kỳ kinh doanh ngắn (sâu hại, bệnh rỉ sắt, quả nhỏ và ít, đốt cành thưa, chín không đều, chín không tập trung)…

 

Trên cơ sở triển khai thực hiện Đề án tái canh cà phê giai đoạn 2021 – 2025 của Bộ Nông nghiệp và PTNT; Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững tỉnh Đắk Nông đến năm 2020, định hướng đến năm 2023 của UBND tỉnh Đắk Nông; Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu trình UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến việc triển khai công tác tái canh cà phê trên địa bàn tỉnh.

 

Đến nay, kết quả tái canh, ghép cải tạo cà phê giai đoạn 2021- 2023 đạt 7.456,8 ha/17.892,2 ha kế hoạch (KH), đạt 41,68% KH. Lũy kế từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh tái canh được 29.980,75 ha (trong đó: tái canh đạt 23.037,91 ha; ghép cải tạo đạt 4.942,84 ha).

 

Nguyên nhân diện tích tái canh, ghép cải tạo cà phê không đạt theo KH đề ra là do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp từ năm 2019 kéo dài đến những tháng đầu năm 2022, dẫn đến tình hình kinh tế của người dân bị ảnh hưởng; Chi phí về giống, phân bón, thuốc BVTV, công chăm sóc, thu hoạch,… tăng cao đã ảnh hưởng đến khả năng đầu tư tái canh của người sản xuất. Mặt khác, giá cà phê từ năm 2022 đến nay liên tục tăng cao so với với các năm trước (hiện nay đã trên 120.000 đồng/kg), do đó người dân chưa mạnh dạn nhổ bỏ trồng lại, muốn để lại vườn cây để tiếp tục thu hoạch dù năng suất thấp. Ngoài ra thời gian gần đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết thất thường cũng đã ảnh hưởng đến việc ghép cải tạo cà phê của người dân.

 

Đánh giá sơ bộ về năng suất, sản lượng cà phê so với trước tái canh: Năng suất bình quân chung tại thời điểm bắt đầu triển khai chương trình tái canh cà phê vào năm 2012 đạt 2,01 tấn/ha; đến năm 2023, năng suất bình quân chung toàn tỉnh đạt 2,9 tấn/ ha, tăng 0,9 tấn/ha; cụ thể các vườn tái canh, năng suất trung bình đạt 3,5 – 4 tấn/ha; các vườn cà phê ghép cải tạo đạt từ 3 – 3,5 tấn/ha; cá biệt có một số vườn đạt 4,5 – 5,0 tấn/ha (tại các huyện Đắk Mil, Đắk R’lấp,…).

 

Về hiệu quả kinh tế của vườn sản xuất cà phê tái canh, ghép cải tạo hiệu quả đem lại thu nhập cho người sản xuất cao hơn so với sản xuất đại trà khoảng 60-120 triệu đồng/ha (tùy vào giá của từng thời điểm), do năng suất cao hơn khoảng 0,5-1 tấn/ha.

 

Để năng suất, chất lượng cà phê toàn tỉnh được nâng cao cần tiếp tục tuyên truyền vận động nông dân mạnh dạn chuyển đổi những diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp, sâu bệnh gây hại bằng hình thức tái canh, ghép cải tạo những giống có chất lượng tốt. Ngoài ra, cần tập trung mọi nguồn lực, ban hành và triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách hiện hành liên quan đến khuyến khích, thu hút đầu tư; Tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng cho các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trong và ngoài quốc doanh tham gia làm đầu mối liên kết, hỗ trợ nông dân tham gia vào các chuỗi giá trị cây trồng chủ lực của tỉnh; Tiếp tục hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm chủ lực; Hỗ trợ cấp giấy chứng nhận sản xuất theo các tiêu chuẩn chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP; Ogarnic; 4C; UTZ; ATTP;...), tiến đến xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, thương hiệu để nâng  cao giá trị sản phẩm, tạo chỗ đứng vững vàng trên thị trường, đặc biệt là thị trường tiêu thụ ở các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước và trên thế giới.

 

Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phối hợp với các tổ chức chính trị như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đài Phát thanh - Truyền hình tuyên truyền, vận động, hướng dẫn kỹ thuật và chính sách hỗ trợ phù hợp để thực hiện công cuộc tái canh cà phê, mọi người dân hiểu được tính cấp thiết cũng như tất yếu của biện pháp tái canh trong việc nâng cao năng suất và chất lượng của vườn cà phê. Bên cạnh đó phải đẩy mạnh hướng dẫn cũng như tư vấn kỹ thuật để người nông dân ra quyết định chọn lựa diện tích cần tái canh hoặc ghép cải tạo; Tạo điều kiện hỗ trợ kịp thời về vốn, khoa học kỹ thuật,…đúng quy định để người nông dân yên tâm sản xuất;

 

Tăng cường công tác tổ chức thăm quan, học tập cho cán bộ chuyên môn và bà con nông dân tại các mô hình tái canh cũng như ghép cải tạo thành công trong và ngoài tỉnh. Tổ chức hội nghị hàng năm để đánh giá, tổng kết, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác tái canh và ghép cải tạo;

 

Về nguồn giống, khuyến cáo sử dụng các dòng cà phê Robusta cao sản cho năng suất cao, chất lượng tốt và ổn định, có khả năng kháng bệnh rỉ sắt như TR4, TR9, TR11, TRS1, cà phê dây…

leftcenterrightdel
Giống cà phê dây được ghép cải tạo tại xã Thuận an, huyện Đắk Mil 

Về kỹ thuật, tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ để hướng dẫn, tập huấn quy trình tái canh cũng như ghép cải tạo, xây dựng quy trình tái canh, ghép cải tạo phù hợp với điều kiện thực tế tại Đắk Nông cũng như địa bàn từng huyện và đối với hiện trạng từng vườn cây;

 

Cần triển khai các nghiên cứu về kỹ thuật tái canh như: giống, thời gian luân canh, xử lý sâu bệnh hại,... Phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, các ban ngành có liên quan trực tiếp đối với thương trình như: Sở Nông nghiệp và PTNT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh…

 

Để chương trình tái canh cà phê tiếp tục đạt đạt kết quả cao cần có sự quan tâm lãnh đạo từ Trung ương, UBND tỉnh, các Sở, ban ngành liên quan, các tổ chức chính trị xã hội và các doanh nghiệp thu mua, chế biến trên địa bàn tỉnh và đặc biệt sự chung tay vào cuộc của nông dân đang sản xuất, canh tác cà phê trên địa bàn tỉnh hiện nay./.

 

Nguyễn Thị Thảo

Trung tâm Khuyến nông Đắk Nông