Diễn đàn được tổ chức trực tiếp tại tỉnh Thái Bình và kết nối với trên 100 điểm cầu trực tuyến tại các tỉnh, thành phố phía Bắc. Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Ngọc Thạch, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT Lê Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh đồng chủ trì và điều hành diễn đàn.

leftcenterrightdel
Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đồng chủ trì và điều hành diễn đàn

Diễn đàn được tổ chức nhằm giới thiệu, thảo luận tìm các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, khuyến khích mô hình sản xuất đại điền của tỉnh Thái Bình nói riêng, các tỉnh thành trong cả nước nói chung. Theo đó, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận các vấn đề xoay quanh việc phát triển đại điền nhìn từ thực tiễn tại Thái Bình; những định hướng mới trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thúc đẩy sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp; giải pháp chính sách đất đai thúc đẩy tích tụ tập trung trong sản xuất nông nghiệp đại điền; chính sách tín dụng, đào tạo và giải pháp khoa học công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp đại điền; kinh nghiệm xây dựng, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, nông nghiệp tuần hoàn từ các doanh nghiệp, hợp tác xã ...

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam đã đề cập tới bài viết "Một thoáng quê hương năm tấn" của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan trong chuyến thăm tỉnh Thái Bình vào ngày 21/9/2022. Trong bài viết, Bộ trưởng nhận định: "Lúa gạo Thái Bình không chỉ thấm đượm giá trị đậm đà bởi sông Kinh Thầy, sông Trà Lý, sông Hoá…, mà ngon thơm hơn nhờ sự liên kết với nhau giữa các hộ sản xuất trên những cánh đồng hợp tác, trong các Câu lạc bộ đại điền". Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Thái Bình có hơn 1.700 hộ có diện tích ruộng đất từ 2 ha trở lên, trong đó có những hộ có diện tích lớn nhất gần 70 ha. Đặc biệt, một tổ chức đang hình thành là hội đại điền. Trong tổng số hơn 1.700 hộ có diện tích hơn 2 ha, hội đại điền đã quy tụ được gần 200 thành viên rải rác ở toàn tỉnh. Một số hộ đại diện đã gom ruộng và thành lập HTX”.

Theo ông Thạch, Thái Bình là điểm sáng trong tích tụ đất đai nhờ có những cơ chế khuyến khích, động viên kịp thời. Tuy nhiên, thực tiễn trong việc phát triển đại điền vẫn còn gặp nhiều trở ngại, một trong những “rào cản” đó chính là những quy định trong Luật Đất đai hiện tại, khi nông dân vùng Đồng bằng sông Hồng chỉ được giao tối đa 2 ha đất trồng lúa/hộ, Đồng bằng sông Cửu Long là 3 ha, đồng thời được chuyển nhượng 10 lần giới hạn giao đất. Diễn đàn được thực hiện đúng vào thời điểm Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sẽ được cho ý kiến lần thứ 2 tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV (tháng 5/2023). Vì vậy, hy vọng rằng, những điểm chưa sát với thực tế trong sản xuất nông nghiệp sẽ được xem xét thấu đáo.

Ông Thạch tin tưởng rằng, với sự đóng góp tâm huyết, trí tuệ của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp; đặc biệt là ý kiến quý báu của các hộ nông dân, hợp tác xã tiên phong trong tích tụ đất đai ở Thái Bình tại Diễn đàn sẽ là những bài học, đề xuất, gợi mở quý giá để chúng ta cùng thực hiện được “Giấc mơ đại điền”, tiền đề cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, nhằm cụ thể hóa mục tiêu “Xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

Tại Diễn đàn, đại diện Vụ Pháp chế - Bộ Nông nghiệp và PTNT thông tin về một số điểm mới và định hướng trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm thúc đẩy sản xuất hàng hóa tập trung trong nông nghiệp.

Theo đó, các hạn chế về hạn mức, giao đất, chuyển nhượng, chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp đang dần được tháo gỡ từ quan điểm của Nghị quyết 18 ngày 16/6 của Hội nghị Trung ương về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực để đưa đất nước có thu nhập cao và cụ thể hóa tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2013. Đồng thời, nêu một số nguyên tắc sử dụng đất đa mục đích theo hướng: đất sử dụng đa mục đích là đất được sử dụng kết hợp từ hai mục đích trở lên có thể phân định được ranh giới hoặc không phân định được ranh giới của từng mục đích sử dụng...

Dự thảo hiện nay đã nêu lên vị trí, vai trò của Bộ Nông nghiệp và PTNT trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, Bộ là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, thủy lợi,... với diện tích đất nông nghiệp 27,9 triệu ha, chiếm 84,46% diện tích đất tự nhiên cả nước. Điểm rất mới ở dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là đã thể hiện vai trò của cơ quan nông nghiệp trong việc thực hiện bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất đai nông nghiệp. Tuy nhiên, để việc đánh giá chất lượng đất đai hiệu quả, phục vụ cho định hướng sản xuất vùng trồng; Bộ tiếp tục đề nghị quy định cơ quan nông nghiệp và PTNT có trách nhiệm đánh giá, quan trắc, giám sát, bảo vệ, cải tạo, nâng cao chất lượng, phục hồi đất nông nghiệp.

Là đơn vị luôn đồng hành cùng nông dân phát triển sản xuất, ông Vũ Trọng Thắng, Phó Trưởng ban Chính sách tín dụng - Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT cho biết: Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam là một trong những ngân hàng lớn nhất cả nước với tổng dư nợ đạt 1,44 triệu tỷ đồng, phục vụ cho khoảng 30.000 doanh nghiệp, hơn 3,6 triệu hộ nông dân và hợp tác xã. Ngân luôn có các chính sách nhằm đồng hành, gắn bó với người nông dân. Hiện nay, bà con và các hợp tác xã đang gặp nhiều vướng mắc về vấn đề tài sản thế chấp. Trong chính sách hỗ trợ cho vay sản xuất đại điền, đại diện Ngân hàng cho biết bà con có thể sử dụng tài sản hình thành từ máy móc để thực hiện thế chấp, vay vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp.

“Liên quan đến hiệu quả mô hình đại điền, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT có thể cho vay không có tài sản đảm bảo. Đây là chính sách được thực hiện theo Nghị định 55 của Chính phủ. Bà con sản xuất đại điền có thể yên tâm rằng Ngân hàng luôn tạo điều kiện cho bà con phát triển sản xuất nông nghiệp”, ông Vũ Trọng Thắng chia sẻ.

Ngoài chính sách về đất đai, tín dụng, các đại biểu còn được giới thiệu các giải pháp khoa học công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp đại điền.

Bà Dương Thị Ngà, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Bắc đã chia sẻ về ứng dụng biện pháp canh tác lúa cải tiến (SRI) đối với sản xuất nông nghiệp đại điền. Hệ thống canh tác lúa cải tiến từ lâu đã được áp dụng tại Việt Nam. Đây là phương pháp canh tác lúa sinh thái, giảm phát thải khí nhà kính dựa trên những tác động kỹ thuật nhằm giảm chi phí đầu vào như giống, phân bón, thuốc trừ sâu, tiết kiệm nước tưới. Ứng dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến SRI vào sản xuất đại điền sẽ giúp quản lý cỏ dại tốt hơn với mục tiêu không dùng thuốc trừ cỏ, từ đó tiến tới xây dựng thương hiệu gạo sinh thái, bền vững, làm cỏ liên tục trên khu vực rộng trong vài năm sẽ giảm thiểu nguồn cỏ dại. Ứng dụng SRI trong thời gian dài cũng sẽ giảm áp lực sinh vật gây hại.

Các kết quả thực nghiệm cho thấy, nếu áp dụng đầy đủ các nguyên tắc SRI sẽ mang lại hiệu quả đáng kể. Cụ thể, giảm 40 - 50% lượng giống so với tập quán, giảm trung bình 2 lần phun thuốc BVTV/vụ, giảm 2 lần nước tưới/vụ, năng suất tăng 7 - 15% tương đương 15 - 30 kg/sào, hiệu quả sản xuất lúa tăng 5 - 10 triệu đồng/ha.

Còn theo đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia: Các mô hình ứng dụng “Cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp” phục vụ sản xuất nông nghiệp đại điền đều có mục tiêu “giảm chi phí, giảm thất thoát, giảm phát thải” và “tăng năng suất lao động, tiết kiệm và nâng cao hiệu suất sử dụng vật tư đầu vào” tạo sản phẩm có quy mô sản xuất lớn, có dư địa thị trường và phải được cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc và chứng nhận chất lượng

Từ năm 2017 đến nay, Trung tâm đã triển khai thực hiện dự án áp dụng cơ giới hoá phục vụ sản xuất nông nghiệp đại điền tại một số tỉnh phía Bắc. Việc xây dựng thành công mô hình cánh đồng lớn thâm canh và áp dụng cơ giới hóa đồng bộ tại các tỉnh phía Bắc đã giúp hình thành 36 mô hình áp dụng cơ giới hoá tại 13 tỉnh/ thành phố phía Bắc: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế...

leftcenterrightdel
Đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại Diễn đàn

Diễn đàn còn ghi nhận ý kiến của đại diện các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực nông nghiệp như: Sài Gòn Kim Hồng, Tổng Công ty Lương thực miền Bắc, Thaibinh Seed, Sygenta, Đại Thành, Công ty Cổ phần Nicotex Thái Bình, Hiệp hội sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam... Các doanh nghiệp đã mang tới Diễn đàn các giải pháp về giống, công nghệ, thuốc bảo vệ thực vật, xây dựng thương hiệu; Đồng thời mở ra cơ hội liên kết, hợp tác giữa bà con nông dân, các hợp tác xã với doanh nghiệp.

Ông Trần Xuân Định, Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam (VSTA) đánh giá, Diễn đàn lần này sẽ mở ra một hướng đi mới, góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn trong sản xuất lúa hiện nay là nhỏ lẻ, manh mún; khó tổ chức sản xuất, khó ứng dụng cơ giới hóa và áp dụng tiến bộ KHKT... Đồng thời, đây cũng là cơ hội thúc đẩy việc hình thành các HTX kiểu mới, cùng nhau làm kinh tế nông nghiệp.

Lâu nay chúng ta vẫn đang loay hoay trong việc dồn, đổi, tích tụ đất đai. Do đó, việc phát triển nông nghiệp đại điền sẽ là cơ hội để cho nông nghiệp thực sự phát triển theo chuỗi hoàn chỉnh hơn. Với sự đóng góp của các đại điền, nông dân trẻ sáng tạo thì nền nông nghiệp sẽ có thể bước sang một trang mới. Tuy nhiên, hiện tại, mới hình thành câu lạc bộ đại điền, nếu muốn phát triển mạnh hơn nữa, cần tiến tới thành lập hợp tác đại điền.

Về giảm phát thải trong trồng lúa, ông Định cho rằng, sản xuất lúa lại là hoạt động tạo ra khí nhà kính lớn nhất. Do đó, việc ứng dụng các giải pháp canh tác lúa tiên tiến như SRI, IPM, IPHM sẽ giúp các đại điền giải quyết cùng lúc nhiều vấn đề như giảm chi phí sản xuất; tạo ra sản phẩm chất lượng, tiến tới xây dựng được thương hiệu. Bên cạnh đó, trong tương lai, với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, từng bước hoạt động trồng lúa sẽ hình thành thị trường bán chứng chỉ khí thải, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân.

leftcenterrightdel
 Ông Trần Xuân Định, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam (VSTA), phát biểu tại Diễn đàn

Phát biểu kết luận tại Diễn đàn, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn hy vọng rằng từ kinh nghiệm của Thái Bình, mô hình đại điền sẽ có được những bước tiến và mang lại thành công. Tuy nhiên, để thành công mô hình sẽ cần tới những điều kiện cần thiết như: công tác truyền thông; cơ chế chính sách; phát triển các mô hình đại điền ứng dụng các tiến bộ KHCN; tổ chức lại sản xuất; xây dựng và phát triển được thương hiệu nông sản. Và mô hình đại điền sẽ chỉ thành công nếu hội đủ yếu tố: lớn, chất lượng, thương hiệu, có tổ chức và phát triển bền vững.

Việt Oanh

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia