Nhằm tìm ra các giải pháp nâng cao hiệu quả nuôi trồng thủy sản, ngày 25/4/2025, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hải Dương tổ chức tọa đàm "Giải pháp phát triển nuôi thủy sản bền vững ở Đồng bằng sông Hồng" tại Hải Dương. Sự kiện thu hút sự tham gia của hơn 100 đại biểu, bao gồm đại diện các cơ quan quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp và nông dân nuôi thủy sản.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Đỗ Tiến Dũng – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hải Dương – nhấn mạnh: Buổi tọa đàm là cơ hội quan trọng để tổng kết thực trạng, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp thiết thực, nhằm thúc đẩy phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn, bền vững. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái.
Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, năm 2024, diện tích nuôi trồng thủy sản tại vùng Đồng bằng sông Hồng đạt 114.868 ha và 946.916 m³ lồng bè, chiếm khoảng 17% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản cả nước, với sản lượng ước đạt 823.871 tấn. Các đối tượng nuôi trồng rất đa dạng như ngao, hàu, tôm sú, cá song, cá chẽm, cá giò, cá chép lai,... Trong đó, diện tích nuôi mặn lợ chiếm 20.531 ha và 45.000 m³ lồng bè, chủ yếu tại Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình; diện tích nuôi cá nước ngọt chiếm 94.336 ha và 901.916 m³ lồng bè. Hiện nay, toàn vùng có 493 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, đáp ứng khoảng 80% nhu cầu giống phục vụ sản xuất, với chủng loại phong phú từ các loài truyền thống đến đối tượng đặc sản có giá trị kinh tế cao.
Đặt mục tiêu cho năm 2025, các địa phương phấn đấu đạt diện tích nuôi trồng khoảng 115.000 ha (tăng 132 ha) và 948.000 m³ lồng bè (tăng 1.084 m³), với sản lượng dự kiến đạt 850.000 tấn. Tuy nhiên, ngành nuôi trồng thủy sản của vùng vẫn đối mặt với không ít thách thức: giá vật tư đầu vào tăng cao, môi trường nuôi trồng chưa kiểm soát tốt, dịch bệnh trên cá nước ngọt diễn biến phức tạp gây thiệt hại cho người dân.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã lắng nghe các báo cáo chuyên đề về thực trạng và định hướng phát triển thủy sản tại Đồng bằng sông Hồng; ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản; và mô hình liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Các phiên thảo luận tập trung làm rõ những khó khăn hiện hữu, đồng thời nhấn mạnh vai trò của việc tiếp tục tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững, gắn sản xuất với bảo vệ môi trường sinh thái.
Một điểm nhấn tại tọa đàm là phần chia sẻ kinh nghiệm thực tế từ ông Lê Văn Việt – Giám đốc Công ty Xuyên Việt COOP. Ông trình bày về phương pháp ứng dụng công nghệ IoT trong quản lý hồ nuôi, với khả năng tự động cảnh báo các thông số môi trường nước và kết nối điều khiển các thiết bị xử lý, giúp tối ưu hóa điều kiện nuôi trồng. Nhờ áp dụng công nghệ này, công ty đạt sản lượng khoảng 200 tấn cá/ha, với mỗi lứa cá chỉ sau 3 tháng nuôi. Giá thành sản phẩm dao động từ 28.000 – 29.000 đồng/kg, mang lại lợi nhuận trung bình 5.000 đồng/kg. Ngoài ra, ông Lê Văn Việt cũng chia sẻ tiềm năng xuất khẩu sản phẩm thủy sản ra các thị trường lớn như Mỹ, Châu Phi…
Phát biểu tổng kết tọa đàm, ông Hoàng Văn Hồng – Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia – đánh giá cao những kết quả đạt được nhưng cũng thẳng thắn chỉ ra các hạn chế: sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết, công nghệ sản xuất còn lạc hậu, giá trị gia tăng chưa cao. Ông nhấn mạnh, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất theo hướng phát triển bền vững, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ cao và chuyển đổi số trong nuôi trồng thủy sản. Đây là giải pháp quan trọng để bảo đảm an ninh lương thực, phát triển kinh tế nông nghiệp và bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng thời, yêu cầu các địa phương tăng cường bám sát cơ sở, nắm bắt tình hình sản xuất, dịch bệnh, hướng dẫn kỹ thuật nuôi an toàn và đẩy mạnh công tác quan trắc, cảnh báo môi trường nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro.
Kết thúc chương trình tọa đàm, ông Hoàng Văn Hồng – Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia thừa ủy quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) trao Bằng khen cho hai tập thể là Trung tâm Khuyến nông Hải Dương và Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống bão số 3 năm 2024.
Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu đã tham quan mô hình nuôi trồng thủy sản hiệu quả và bền vững tại Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Xuyên Việt, xã Hồng Hưng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Tại đây, các đại biểu và nông dân được trực tiếp tìm hiểu cách áp dụng công nghệ cao, kỹ thuật nuôi cá sông trong ao và ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý sản xuất, góp phần nâng cao năng suất và phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững.
Một số hình ảnh tại tọa đàm:
    |
 |
Ông Hoàng Văn Hồng – Phó giám đốc TTKNQG phát biểu kết luận tọa đàm |
    |
 |
Trung tâm Khuyến nông Hải Dương và Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống bão số 3 năm 2024. |
    |
 |
Các đại biểu tham quan mô hình nuôi trồng thủy sản hiệu quả và bền vững tại Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Xuyên Việt |
Bảo Toàn
Trung tâm Khuyến nông quốc gia