Được thành lập từ năm 2006 với tiền thân là Hợp tác xã ong mật sạch phía Bắc, năm 2009, hợp tác xã được chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) ong mật Phương Bắc, trụ sở đặt tại thôn Phúc Giới, xã Thanh Quang, huyện Thanh Hà. Công ty trách nhiệm hữu hạn mật ong Phương Bắc chuyên nuôi ong, khai thác và chế biến đóng gói và xuất khẩu mật ong. Mỗi năm, Công ty đã phát triển khoảng trên 5.000 đàn ong nội, cho sản lượng mật ong khai thác được khoảng 70-100 tấn mật ong xuất khẩu sang thị trường Mỹ, cho thu lãi hàng tỷ đồng/năm.

Thời điểm tháng 3, những vườn vải ở huyện Thanh Hà đang nở rộ, phủ sắc trắng trên khắp những nhà vườn. Hương thơm và vị ngọt của mật hoa vải đã thu hút những đàn ong về làm mật. Đây cũng là thời điểm vàng để các hộ nuôi ong trên địa bàn huyện Thanh Hà khai thác nguồn lợi từ mật hoa vải. Tôi có dịp được gặp gỡ và trò chuyện với ông Lê Xuân Lựu, giám đốc công ty TNHH ong mật Phương Bắc vào những ngày đầu xuân năm mới và được tham quan công ty, tôi không khỏi thán phục trước sự phát triển của công ty.

leftcenterrightdel
Thời điểm tháng 3 là thời điểm vàng để các hộ nuôi ong trên địa bàn huyện Thanh Hà khai thác nguồn lợi từ mật hoa vải

Ông Lựu phấn khởi chia sẻ: “Nghề nuôi ong không phải đầu tư quá nhiều về chi phí, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn hoa tự nhiên. Khi nguồn hoa trong khu vực cạn kiệt, người nuôi ong sẽ di chuyển đàn ong sang vùng khác để có hoa thu mật. Nuôi ong không khó nhưng đòi hỏi người nuôi phải áp dụng đúng kỹ thuật, có tính kiên trì, cần phải hiểu rõ tập tính của ong. Người nuôi cần chú trọng đến kỹ thuật nuôi từ khâu chọn giống, chọn địa điểm, tạo chúa, đặc biệt lưu ý đến quá trình sinh trưởng của đàn ong; kỹ thuật tách đàn, áp dụng hiệu quả cách thu hoạch mật bằng thùng quay ly tâm để tăng sản lượng mật, đảm bảo chất lượng của mật ong, thường xuyên kiểm tra cầu ong, di chuyển cầu ong liên tục để tích mật mới làm tăng năng suất mật…”. Để duy trì đàn ong khỏe mạnh, năng suất cao và sản phẩm mật chất lượng, cần phải kiểm tra và vệ sinh thường xuyên cho các thùng ong, đảm bảo thùng khô ráo và sạch sẽ. Muốn đàn ong khoẻ mạnh, trong quá trình nuôi cần áp dụng một số loại thảo dược để phòng trừ bệnh cho ong như: dùng rượu phun sát khuẩn trị bệnh chí lớn, chí bé ở ong; dùng nước chanh pha cho ong uống để phòng bệnh thối ấu trùng châu Âu, những vùng sản xuất nông nghiệp kết hợp nuôi ong tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật…

Đàn ong của công ty được tính toán theo nguồn hoa, tính thời điểm hoa nở để lấy mật nên đàn ong được di chuyển theo mùa hoa của các địa phương. Hết mùa hoa vải Thanh Hà, đàn ong được di chuyển lên hoa vải Lục Ngạn, sau đó về mùa hoa nhãn lồng Hưng Yên, mùa vẹt Thái Bình, rồi di chuyển vào trong Nghệ An, Hà Tĩnh để đảm bảo nguồn hoa nuôi ong.

Mật ong hoa vải là sản phẩm tiêu biểu của huyện Thanh Hà, Hải Dương, với màu vàng nhạt và hương thơm đặc trưng từ hoa vải, thơm ngon sánh mịn, mùi thơm dịu của hoa vải - mùi mà các sản phẩm mật ong khai thác từ các loài hoa khác không thể có được nên được nhiều người tiêu dùng chọn lựa. Hiện nay, trên địa bàn huyện Thanh Hà ước tính có khoảng hơn 30 hộ nuôi ong quy mô lớn với số lượng từ 300 tới trên 1000 đàn ong/hộ nuôi. Giữa các hộ có sự liên kết chặt chẽ trong tất cả các khâu từ chọn giống, chăm sóc, sản xuất cho đến thu hoạch nhằm học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển. Sản lượng dự kiến hàng năm của cả huyện đạt khoảng 600 - 700 tấn mật, tuy nhiên, khi tới mùa hoa vải, không chỉ những hộ nuôi ong trên địa bàn huyện Thanh Hà mà cả những hộ nuôi ong ở các địa phương khác cũng di chuyển trại ong của mình đến địa bàn huyện để thu hoạch mật ong. Vì vậy, sản lượng mật ong hoa vải toàn huyện trên thực tế có thể đạt tới 1.000 tấn mật ong. Hiện nay, mật ong hoa vải quay tại vườn có giá 70.000 đồng/kg và thành phẩm có tem nhãn có giá 80.000 - 90.000 đồng/kg.

Thị trường tiêu thụ chủ yếu của mật ong hoa vải vẫn là thị trường xuất khẩu sang Mỹ. Các hộ nuôi ong đa phần tiếp cận thị trường xuất khẩu qua các bên trung gian (các công ty xuất nhập khẩu), một số ít qua việc người tiêu dùng Việt Nam xách tay đi các nước và khách nước ngoài xách tay về nước. Ngoài ra, thị trường tiêu thụ trong nước cũng rất rộng mở. Cùng với tiếng vang của vải thiều Thanh Hà, sản phẩm Mật ong hoa vải Thanh Hà rất được người dân Hải Dương và các tỉnh lân cận nói riêng cũng như người dân cả nước nói chung tin dùng. Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, sản lượng mật ong khai thác được tại huyên Thanh Hà ước khoảng 800 tấn, giá trị khoảng 44 tỷ đồng. Để nâng cao hiệu quả, một số hộ nuôi ong đã quan tâm xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm rộng rãi trên thị trường.

Với nhiều nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, năm 2023, lần đầu tiên công ty TNHH ong mật Phương Bắc có hai sản phẩm mật ong đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, đó là sản phẩm mật ong hoa vải thiều Thanh Hà và mật ong rừng Phương Bắc. Đây được xem là bước khởi đầu quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng, nâng cao chất lượng thương hiệu, uy tín của các sản phẩm ong mật tại địa phương, từ đó tiếp tục mở rộng thị trường. Để bảo vệ và phát triển thương hiệu mật ong Phương Bắc cũng như bảo vệ được đàn ong nội và tạo sinh kế cho người nuôi ong, các cấp chính quyền và các ngành chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để giúp những người nuôi ong nâng cao nhận thức để bảo vệ môi trường, môi sinh, phát triển đàn ong nội của địa phương. Bên cạnh đó, địa phương rất cần sự hỗ trợ về cơ sở vật chất để tạo điều kiện giúp các hộ nuôi ong phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; hỗ trợ về truyền thông để giới thiệu được sản phẩm Mật ong hoa vải Thanh Hà tới đông đảo hơn người dân trên toàn quốc cũng như trên toàn thế giới. Bên cạnh đó cũng cần bài trừ các sản phẩm hàng giả, hàng nhái thương hiệu Mật ong hoa vải Thanh Hà. Có thể khẳng định hiệu quả kinh tế từ nuôi ong đem lại khá cao, từ nghề nuôi ong lấy mật đã và đang giúp cho nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Thanh Hà có thêm một nguồn thu nhập ổn định, giúp phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.

Nguyễn Thị Tuyền

Trung tâm Khuyến nông Hải Dương