Năm 2022 là năm đặc biệt với ngành nông nghiệp nói chung và hệ thống khuyến nông nói riêng, triển khai nhiệm vụ trong bối cảnh thực hiện các chính sách quan trọng: Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của BCH Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 19); Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 150). Toàn hệ thống đã chủ động, tích cực tham gia vào việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi, tổ chức lại sản xuất và nâng cao năng lực, trình độ sản xuất cho nông dân; phát triển kinh tế xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh ...

Tại Hội nghị, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh đã báo cáo kết quả hoạt động khuyến nông năm 2022. Nổi bật, khuyến nông đã thực hiện tốt công tác xây dựng và kết nối hệ thống. Hướng dẫn các địa phương tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động theo tinh thần Nghị quyết số 19. Xây dựng hướng dẫn thực hiện đối với chỉ tiêu “Có tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả” thuộc tiêu chí số 13 về Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Thực hiện chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

Với công tác thông tin tuyên truyền, thực hiện truyền thông có thông điệp, chủ đề cụ thể. Với công tác đào tạo huấn luyện tổ chức theo hướng chuyển dần từ chuyển giao kỹ thuật sang thay đổi nhận thức hành vi nhằm nâng cao giá trị gia tăng sản xuất nông nghiệp. Với triển khai dự án, xây dựng mô hình theo chuỗi giá trị, liên kết hợp tác xã gắn với nông thôn mới. Cụ thể là hỗ trợ nông dân tổ chức lại sản xuất theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, câu lạc bộ khuyến nông và kết nối với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

leftcenterrightdel
 Giám đốc TTKNQG báo cáo kết quả hoạt động khuyến nông năm 2022

Dấu ấn khuyến nông cộng đồng

Năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã thực hiện Đề án thí điểm “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông thông qua kiện toàn tổ khuyến nông cộng đồng”. Theo đó, hình thành ít nhất 26 tổ khuyến nông cộng đồng trên phạm vi 13 tỉnh có vùng nguyên liệu tham gia Đề án. Sau 1 năm triển khai, kết quả đạt được đã vượt ra ngoài đề án, đó là: ngoài 13 tỉnh tham gia Đề án thí điểm, hiện đã có thêm 12 tỉnh thành lập tổ khuyến nông cộng đồng với tổng số 132 tổ khuyến nông cộng đồng ở 25 tỉnh/thành, tổng số gần 900 khuyến nông viên. Thực tế, Hải Phòng đã thành lập tổ khuyến nông cộng đồng tại tất cả các xã (135 tổ, mỗi tổ có ít nhất 5 thành viên nhằm phục vụ xây dựng nông thôn mới). Nhiều tổ hoạt động đã có “đường nét” theo mục tiêu dự án. Nhiều địa phương đã xây dựng cơ chế chính sách hoạt động khuyến nông cộng đồng. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh đánh giá: Các tổ khuyến nông cộng đồng góp phần tạo nên hệ sinh thái khuyến nông, đồng thời tăng tính tương tác giữa các thành viên, các tổ chức. Đồng thời nâng cao hiệu quả hệ thống khuyến nông cơ sở: Cơ cấu lại tổ chức, đa dạng chức năng, nhiệm vụ khuyến nông cơ sở gắn với địa bàn xã; Hướng tới khuyến nông theo nhu cầu và khuyến nông dịch vụ.

Đồng quan điểm trên, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản Nguyễn Như Tiệp cũng cho rằng: Hiện nay, công tác an toàn vệ sinh thực phẩm chỉ quản lý theo dõi được đến cấp tỉnh, vì vậy có khuyến nông cộng đồng là lực lượng giám sát an toàn thực phẩm tại cơ sở hiệu quả nhất, thông qua tập huấn sẽ vận động người dân để thay đổi hành động.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh hội nghị

Năm đột phá của hệ thống khuyến nông

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam đánh giá, năm 2022 là năm rất tích cực và hiệu quả của hệ thống khuyến nông, có nhiều hoạt động nổi bật. Sự chuyển mình của đội ngũ khuyến nông đã bám sát thực tế và những yêu cầu từ thị trường, doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp. Là năm có rất nhiều đổi mới với các hoạt động nổi bật như đẩy mạnh khuyến nông cơ sở, hoạt động cơ giới hoá, thực hiện mô hình liên kết theo chuỗi giá trị.

Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ cũng đáng giá cao hiệu quả hoạt động khuyến nông, hoàn thành các nhiệm vụ đều thông qua khuyến nông, như: hoạt động truyền thông, đào tạo tập huấn, biên soạn tài liệu, xây dựng mô hình tại vùng nguyên liệu…

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng: Hoạt động khuyến nông năm qua đã tạo nên sự thay đổi cách nhìn nhận từ trung ương đến địa phương trong công tác quản lý nhà nước về khuyến nông. Đồng thời, qua khuyến nông cộng đồng đã tái lập hệ thống khuyến nông cơ sở - người đồng hành cùng nông dân ở cơ sở.

Ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cũng đánh giá: Khuyến nông tham gia vào lĩnh vực trồng trọt rất hiệu quả, đặc biệt là giải quyết tốt vấn đề thiên tai, địch hại bất thường xảy ra với sản xuất, xây dựng tài liệu tập huấn phục vụ cán bộ khuyến nông và nông dân. Với mục tiêu thúc đẩy sản xuất theo chuỗi thì lực lượng cán bộ khuyến nông cơ sở hoàn toàn có thể tham gia vào việc hướng dẫn, đào tạo nông dân trong việc xin cấp, quản lý vùng trồng, nhất là các loại trái cây xuất khẩu chủ lực. Điều này thể hiện rõ thời gian qua, khi nhiều quy trình, tiến bộ kỹ thuật trồng trọt đã được chuyển giao một cách bài bản từ hệ thống khuyến nông, nhất là việc tái canh, phát triển cây công nghiệp.

leftcenterrightdel
 Thứ trưởng Trần Thanh Nam chỉ đạo tại hội nghị

Để tiếp tục phát huy và thực hiện có hiệu quả hơn nữa hoạt động khuyến nông trong thời gian tới với rất nhiều nhiệm vụ mới, Thứ trưởng Trần Thanh Nam chỉ đạo hệ thống khuyến nông năm 2023 cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ như sau:

- Xây dựng mô hình khuyến nông đa giá trị - là mô hình gắn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật với tổ chức lại sản xuất theo hình thức hợp tác xã, nâng cao giá trị sản phẩm, tiếp cận thị trường theo chuỗi liên kết tổ chức lại sản xuất, liên kết doanh nghiệp. Gắn xây dựng mô hình với xây dựng nông thôn mới và kiểm tra, giám sát chất lượng an toàn thực phẩm. Cần phải xây dựng tiêu chí đầu vào, đầu ra cho các mô hình. Xu hướng, ở trung ương sẽ thực hiện những mô hình quy mô lớn gắn với các doanh nghiệp lớn; ở địa phương sẽ thực hiện những mô hình quy mô nhỏ hơn phù hợp với cơ sở.

- Hoàn thiện đề án khuyến nông cộng đồng, tập trung nâng cao năng lực đội ngũ, tổ chức lại bộ máy tại địa phương, xác định rõ chức năng nhiệm vụ, cơ chế hoạt động ở trung ương và địa phương. Trung tâm và các đơn vị thuộc Bộ cần phối hợp đào tạo cho cán bộ khuyến nông cộng đồng hiểu thêm về hợp tác xã, về quản lý chất lượng sản phẩm, lấy đó làm cơ sở để hướng dẫn thêm người nông dân. Thực hiện đào tạo thí điểm giám đốc hợp tác xã cho khuyến nông cộng đồng. Xem xét thành lập tổ kinh tế kỹ thuật tại cơ sở nhằm quản lý, giám sát hiệu quả hơn hoạt động sản xuất. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ tổ chức sơ kết đề án thí điểm, dự kiến tháng 3 - 4/2023.

- Hệ thống khuyến nông cần xây dựng cơ chế, chiến lược tổ chức để xã hội hóa hơn nữa hoạt động, nhằm thu hút các nguồn lực, đồng thời phục vụ công tác quản lý nhà nước. Ngoài ra, khi liên kết doanh nghiệp, cần đảm bảo về chuyên môn, chất lượng, hoạt động khuyến nông chỉ có thể phát triển sâu, rộng, tích hợp nhiều ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số chỉ khi kết hợp được với doanh nghiệp.

- Hệ thống khuyến nông cần đổi mới cách làm hơn nữa. Thời gian tới, Bộ phối hợp với Trường Đại học Hirosima - Nhật Bản về hợp tác đào tạo. Cán bộ khuyến nông trung ương có thể tham gia đào tạo tiến sĩ về khuyến nông, cán bộ khuyến nông cơ sở có thể đi học tập, lao động ở nước ngoài, vừa giúp tăng thu nhập.

Yêu cầu toàn hệ thống tập trung xây dựng nội dung hoạt động của lực lượng khuyến nông ngay từ cấp huyện thông qua hình thức của các trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp. Các đề án nâng cao năng lực khuyến nông cộng đồng có thể tranh thủ nguồn lực ODA từ những tổ chức quốc tế như từ Hàn Quốc, Nhật Bản bởi họ rất quan tâm tới khuyến nông cộng đồng.

- Nghị định 105/2022/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ mới của Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ có hiệu lực từ ngày 15/1/2023. Do đó, các đơn vị trực thuộc Bộ, trong đó có Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phải sớm hoàn thiện kế hoạch cho năm kế tiếp. Tiếp đó, tham mưu lãnh đạo để sửa Nghị định 83 về khuyến nông phù hợp với chức năng nhiệm vụ mới của khuyến nông. Đồng thời xây dựng chiến lược, kế hoạch hoạt động đến năm 2050

Trước mắt sẽ thực hiện việc tổng kết, đánh giá kết quả 30 năm hoạt động khuyến nông (1993- 2023) và đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2023- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đỗ Tuấn - Thu Hằng