Bình Phước là địa phương có tiềm năng thế mạnh để phát triển cây hồ tiêu. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 15.720 ha trồng tiêu với năng suất bình quân đạt 19.54 tạ/ha. Với tiềm năng thế mạnh về đất đai, khí hậu của địa phương, kèm với kinh nghiệm canh tác lâu năm nhiều nông dân đã chủ động thay đổi tư duy sản xuất, phát triển hồ tiêu hữu cơ, vừa giảm thiệt hại do sâu bệnh, đồng thời nâng cao, hồ tiêu đem lại nguồn thu nhập cao cho nhiều nông hộ trồng tiêu.

Kế thừa và lan tỏa hiệu ứng tích cực của Chương trình Phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững, hiện nay đã có nhiều nông hộ chuyển đổi tư duy canh tác từ phương pháp truyền thống sang sản xuất tiêu hữu cơ. Điển hình như vườn tiêu của nông dân Vi Linh Duy ở thôn Bình Minh - xã Nghĩa Bình - huyện Bù Đăng. Sau hơn 3 năm miệt mài với sự nỗ lực, quyết tâm trong việc đổi mới canh tác, gia đình anh đã tích cực tiếp cận các biện pháp kỹ thuật và áp dụng canh tác tiêu bằng phương pháp hữu cơ trên toàn bộ diện tích vườn tiêu hiện có

Toàn bộ vườn tiêu đã được gia đình đầu tư, chăm sóc theo quy trình hữu cơ, sử dụng phân bón hữu cơ có chứng nhận nguồn gốc rõ ràng, tuyệt đối không dùng phân bón - thuốc hóa học, kể cả chất kích thích sinh trưởng có nguồn gốc hóa học. Ngoài ra, theo anh Duy chia sẻ thì khi canh tác hữu cơ cần chú ý đến môi trường sinh thái trong vườn, cỏ trong vườn tiêu không nên phun xịt nhổ bỏ mà chỉ dùng máy phát cắt gọn, duy trì hệ thảm thực vật nhằm giữ ẩm cho đất, phải thiết kế ngăn cách vùng đệm xung quanh vườn, tránh lây nhiểm chéo sâu bệnh và khi phun xịt thuốc ảnh hưởng đến khu vực canh tác hữu cơ

Hiện nay, vườn hồ tiêu 2 ha của anh thu về 5-6 tấn/năm, bán cao hơn giá thị trường 15-20%. Sau khi trừ hết chi phí, gia đình thu về gần 700 triệu đồng/vụ. Vườn tiêu của gia đình anh không những đạt năng suất cao, mà sản phẩm còn được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ, đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Châu Âu, Mỹ và một số thị trường khác.

Liên kết để sản xuất sạch theo tiêu chuẩn quốc tế đang là xu hướng của các hộ dân trồng tiêu. Do không sử dụng phân, thuốc hóa học nên chi phí sản xuất tiêu đã giảm đáng kể, giá bán lại cao hơn nhiều so với tiêu sạch và tiêu thường trước đây, đặc biệt qua quá trình sản xuất thì nông dân cho biết canh tác hữu cơ đã góp phần bảo vệ sức khỏe cho nông dân, nông dân không tiếp xúc, sử dụng hóa chất nên sẽ không phải chịu ảnh hưởng từ những hóa chất hóa chất độc hại này. Đồng thời, nhờ áp dụng quy trình kỹ thuật này mà môi trường cũng trong lành hơn tốt cho sức khỏe con người.

Để phát triển hồ tiêu bền vững, mang lại năng suất, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu khắt khe của thị trường trong thời kỳ hội nhập, ngành nông nghiệp cần khuyến khích nông dân quan tâm, nhân rộng mô hình sản xuất tiêu theo tiêu chuẩn hữu cơ, sinh học; phát triển các vùng nguyên liệu hồ tiêu bền vững không chạy theo phong trào, đáp ứng các nhu cầu về liên kết với doanh nghiệp chế biến, bao tiêu sản phẩm.

Mai Hưng

Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Bình Phước