Trong những năm qua, huyện có những cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư, phát triển sản xuất đã trở thành ngành chủ lực. Trong đó, đặc biệt chú trọng tới công tác nâng cao chất lượng giống, phòng chống dịch bệnh, chuẩn hóa quy trình và quy hoạch vùng chăn nuôi. Phương thức chăn nuôi chuyển dần từ truyền thống nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung quy mô trang trại, gia trại.
Với tổng đàn gà của huyện luôn duy trì ổn định ở mức 3,8 triệu con. Hằng năm xuất bán ra thị trường trên 10 triệu con gia cầm thương phẩm, giá trị sản xuất năm 2024 ước đạt trên 1.600 tỷ đồng. Nhằm giữ ổn định giống gà chủ lực của địa phương như gà ri lai, mía lai, gắn với lựa chọn một số giống gà theo hướng đa dạng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, như gà lai chọi, lai hồ... Đồng thời, chỉ đạo xây dựng, nhân rộng mô hình gà thảo dược, mô hình gà an toàn dịch bệnh trên địa bàn; điều chỉnh tổng đàn hợp lý theo từng thời điểm trong năm nhằm phù hợp yêu cầu thị trường và đảm bảo an toàn dịch bệnh. Phối hợp thực hiện các chuỗi liên kết từ sản xuất đến sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm thông qua các Tổ hợp tác, HTX chăn nuôi và đa dạng sản phẩm qua giết mổ, chế biến như: gà đồi hút chân không, giò gà, chả gà, xúc xích gà, khô gà, gà ủ muối, ruốc gà... Chăn nuôi gà đồi đã trở thành một nghề đối với nhiều hộ nông dân và cho thu nhập ổn định.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi gà, anh Nguyễn Hữu Quý ở thôn Ngò, xã Đồng Kỳ, huyện Yên Thế cho biết, chăn nuôi nhiều để có chất lượng tốt, trước hết cần lựa chọn nguồn con giống tốt, thực hiện đúng quy trình chăm sóc, phòng trị bệnh. Ngoài ra, chú trọng đến việc áp dụng phương pháp nuôi bán tự nhiên, thả gà trong không gian rộng lớn, dưới những tán cây. Từ đó, giúp đàn gà phát triển tự nhiên, khỏe mạnh, chất lượng thịt thơm ngon.
|
|
Anh Nguyễn Hữu Quý trong trang trại nuôi gà lai chọi của gia đình |
Bên cạnh đó, công tác quảng bá, xúc tiến thương mại luôn được huyện quan tâm đầu tư. Đến nay, sản phẩm “Gà đồi Yên Thế” không những trở thành sản phẩm chủ lực của huyện mà đã trở thành sản phẩm chủ lực của tỉnh Bắc Giang. Sản phẩm “Gà đồi Yên Thế” đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng cả nước, được vinh dự nhận các giải thưởng cao, như: Chứng nhận thương hiệu “Gà Đồi Yên Thế” đạt Top 100 thương hiệu vàng năm 2020; Sản phẩm Chả gà Đạt chứng nhận “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh- năm 2021; Sản phẩm Gà đồi Yên Thế đạt chứng nhận nông nghiệp tiêu biểu lần thứ III; Chứng nhận đạt danh hiệu top 10 thương hiệu uy tín quốc gia năm 2023; các sản phẩm như gà giết mổ hút chân không, giò gà, chả gà, xúc xích gà đạt chứng nhận OCOP 4 sao,...
Với mục tiêu thực hiện tốt công tác quản lý, giám sát tình hình dịch bệnh; tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm gà đồi Yên Thế. Mới đây, UBND huyện Yên Thế đã phối hợp với Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức hội thảo khoa học "Giải pháp nâng cao chất lượng gà đồi Yên Thế” nhằm nâng cao chất lượng, giá trị, thương hiệu sản phẩm gà đồi. Thực tế, tỷ lệ tiêu thụ các sản phẩm chế biến từ gà đồi Yên Thế còn thấp, sản phẩm chưa đa dạng, chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường hiện đại. Chủ yếu vẫn bán gà lông, chưa qua giết mổ nên giá trị thu được chưa tương xứng với số lượng quy mô đàn gà của huyện; các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị chưa hiệu quả và còn thiếu bền vững, lợi nhuận chưa cao...
Bên cạnh đó, quy mô chăn nuôi chủ yếu là kinh tế hộ, còn tồn tại một bộ phận hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ, ý thức tuân thủ các hướng dẫn, quy định về phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường chưa cao; công tác quản lý, giám sát dịch bệnh trên đàn gà chưa được quan tâm đúng mức, nguy cơ có thể lây lan dịch bệnh.
Tại buổi Hội thảo khoa học đại diện một số ban ngành như: Sở Khoa học và công nghệ, Sở nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Cục Chăn nuôi, Hiệp hội Gia cầm, các doanh nghiệp và các hộ chăn nuôi…. cho rằng để nâng cao chất lượng gà đồi Yên Thế, hướng tới thị trường xuất khẩu, nhất là những thị trường khó tính, huyện Yên Thế cần xây dựng chuỗi chăn nuôi, liên kết hoàn chỉnh từ con giống, sản xuất, giết mổ, chế biến, tiêu thụ… Việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong chăn nuôi gà, vấn đề quản lý, giám sát hiệu quả dịch bệnh trên đàn vật nuôi nói chung, đàn gà đồi nói riêng. Các mô hình chăn nuôi gà hiệu quả có thể áp dụng nhằm nâng cao chất lượng, giá trị. Vấn đề xây dựng chuỗi liên kết trong phát triển thị trường, nhất là việc chăn nuôi, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gà đồi Yên Thế ổn định theo hướng bền vững, tiếp tục duy trì ổn định thị trường, kênh phân phối sẵn có.
Nhằm giúp huyện Yên Thế có định hướng và đề ra các giải pháp tổ chức thực hiện phát triển sản xuất, nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm gà đồi Yên Thế, UBND huyện Yên Thế cam kết luôn đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp về thủ tục đầu tư, đất đai, môi trường đầu tư để đảm bảo các chương trình, dự án đầu tư đi vào hoạt động sớm nhất và hiệu quả nhất. Thông qua đó, góp phần tiếp tục giữ vững thương hiệu "Gà đồi Yên Thế", thúc đẩy phong trào chăn nuôi gà đồi phát triển mạnh, bền vững, tạo thêm nhiều công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Gà đồi Yên Thế không chỉ là sản phẩm chủ lực của huyện Yên Thế mà đã trở thành sản phẩm đặc trưng của tỉnh Bắc Giang. Để nâng cao chất lượng gà đồi Yên Thế hơn nữa và hướng tới thị trường xuất khẩu, nhất là những thị trường khó tính. Các cơ quan chuyên môn sẽ tăng cường công tác kiểm tra giám sát với các hộ, HTX chăn nuôi từ con giống đến thức ăn chăn nuôi, kỹ thuật chăn nuôi đến thời gian xuất bán. Thường xuyên tổ chức tập huấn cho các HTX, hội chăn nuôi về quy trình chăn nuôi, kiểm soát dịch bệnh đồng thời khuyến cáo cá hộ nuôi không xuất bán gà non để đảm bảo chất lượng cho sản phẩm, ông Nguyễn Văn Tuyền - Phó Chủ tịcH UBND huyện Yên Thế cho biết.
Hương Giang
Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang