leftcenterrightdel
 Toàn cảnh hội nghị

Dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi lợn Kiềng Sắt thương phẩm phát huy lợi thế cạnh tranh” được Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt theo Quyết định số 2469/QĐ- BNN- KHCN, ngày 03/06/2021. Dự án được triển khai tại tỉnh Quảng Ngãi trong 3 năm 2021 – 2023 với tổng quy mô 600 con lợn kiềng sắt và 18 hộ tham gia. Qua gần 3 năm triển khai thực hiện mô hình, dự án đã thu được nhiều kết quả khả quan.

Riêng trong năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi đã triển khai mô hình chăn chăn nuôi lợn kiềng sắt thương phẩm phát huy lợi thế cạnh tranh ở 3 huyện Ba Tơ, Sơn Hà và Mộ Đức. Cụ thể, tại huyện Ba Tơ quy mô 65 con lợn kiềng sắt với 2 hộ tham gia, huyện Sơn Hà quy mô 65 con với 2 hộ tham gia, huyện Mộ Đức quy mô 100 con với 2 hộ tham gia. Lợn giống kiềng sắt có xuất xứ từ các cơ sở nuôi bảo tồn và được Tổ bình tuyển của Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Ngãi kiểm tra chất lượng trước khi bàn giao cho các hộ chăn nuôi, lợn giống có trọng lượng bình quân 5 – 6 kg/con, lợn giống khỏe mạnh và được tiêm phòng đầy đủ các loại bệnh theo quy định.

Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi lợn kiềng sắt thương phẩm theo hướng an toàn sinh học, đến thời điểm sơ kết mô hình, lợn kiềng sắt đạt trọng lượng bình quân 30 – 32 kg/con, tỷ lệ nuôi sống đạt 100%. Hiện Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo chủ nhiệm dự án và các cán bộ kỹ thuật tham gia dự án tiếp tục phối hợp với các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện Ba Tơ, Sơn Hà và Mộ Đức theo dõi, ghi chép số liệu để làm cơ sở tổ chức tổng kết dự án và báo cáo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia.

Năm 2023, dự án đã tổ chức được 03 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi lợn kiềng sắt thương phẩm theo hướng an toàn sinh học cho 70 nông dân trong và ngoài mô hình, qua đó đã giúp người dân củng cố kiến thức, đồng thời nắm bắt các tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi mới để áp dụng vào sản xuất. Tất cả nông dân tham gia các lớp tập huấn đều được tham quan thực tế mô hình nhằm giới thiệu về kỹ thuật chăn nuôi lợn kiềng sắt thương phẩm theo hướng an toàn sinh đã được áp dụng trong mô hình. Dự án cũng đã tổ chức 01 Hội nghị sơ kết với 45 người tham gia nhằm đánh giá sơ bộ kết quả thực hiện dự án năm 2023, xác định những khó khăn, tồn tại và đúc kết bài học kinh nghiệm để làm cơ sở báo cáo tổng kết dự án trong thời gian đến.

Anh Đinh Văn Tréa ở xã Sơn Thượng, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi tham gia mô hình cho biết, năm 2023, gia đình anh được Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi hỗ trợ 35 con giống lợn bản địa kiềng sắt để thực hiện mô hình. Mặc dù trước đây, gia đình anh Tréa vẫn nuôi giống lợn này nhưng với số lượng 2 – 3 con để sử dụng vào các dịp lễ, tết và nuôi theo hình thức chăn thả rông nên chuồng trại rất đơn giản. Khi tham gia mô hình, anh Tréa được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi lợn kiềng sắt thương phẩm tập trung theo hướng an toàn sinh học, anh Tréa đã cải tạo và xây dựng lại chuồng nuôi kiên cố, khu vực sân chơi được rào chắn cẩn thận và áp dụng các biện pháp phòng bệnh như: định kỳ 2 – 3 tuần phải sát trùng tiêu độc chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi. Lợn giống mua về nuôi được 7 – 10 ngày tiến hành tẩy giun sán và tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh tụ huyết trùng, dịch tả, phó thương hàn. Hằng ngày vệ sinh chuồng trại, dọn bỏ thức ăn thừa, rửa sạch máng ăn, máng uống….

“Được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và phòng bệnh, nên đàn lợn kiềng sắt của gia đình tôi không bị nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Hiện mỗi con lợn có trọng lượng khoảng 30 kg, gia đình tôi tiếp tục nuôi và chọn những con lợn tốt để làm giống” - anh Tréa cho biết thêm.

leftcenterrightdel

Tại thời điểm sơ kết, lợn kiềng sắt đạt trọng lượng bình quân 30 – 32 kg/con

Từ những hiệu quả bước đầu cho thấy, dDự án hoàn toàn có thể nhân ra diện rộng, một mặt giải quyết nhu cầu xã hội về việc làm cho lao động nông thôn, mặt khác tạo ngành nghề có thu nhập ổn định, nâng cao đời sống của các hộ dân trong vùng và ngoài vùng thực hiện dự án. Đặc biệt, dự án đã góp phần khôi phục, bảo tồn nguồn gen vật nuôi đặc hữu của tỉnh, giữ gìn đa dạng sinh học và từng bước phát triển chăn nuôi giống lợn bản địa.  

Mạnh Hùng

Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi