Các đại biểu tham quan mô hình trồng rừng thâm canh cây keo lai nuôi cấy mô ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao chất lượng gỗ tại xã Hải Phú, huyện Hải Lăng

 

Về tình hình sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp, cả nước hiện có 744 đơn vị, cá nhân sản xuất kinh doanh giống cây lâm nghiệp, tổng số 632 vườn ươm kiên cố, 1.063 vườn ươm tạm thời và 37 nhà nuôi cấy mô.

Về tình hình chế biến, sản xuất, kinh doanh sản phẩm gỗ, lâm sản: Cả nước có 5.580 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chế biến gỗ và lâm sản. Trong đó, số lượng doanh nghiệp trong nước 4.813 doanh nghiệp; 767 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI). Doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu khoảng 2.600 doanh nghiệp. Năm 2021 kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản của Việt Nam đạt 14,21 tỷ USD, xuất siêu trên 10,0 tỷ USD, xuất khẩu sang 160 quốc gia và vùng lãnh thổ...

“Ngành sản xuất, chế biến gỗ và lâm sản nước ta đã và đang đạt được những kết quả nhất định và có nhiều tiềm năng cũng như dư địa để phát triển trong thời gian tới. Tuy nhiên, thực tiễn sản xuất hiện nay cho thấy vẫn còn những khó khăn; bấp cập trong sản xuất đòi hỏi Chính phủ, các Bộ, Ban, Ngành và các địa phương phải cùng nhau bàn bạc, thống nhất nhằm đưa ra các giải pháp phù hợp và hiệu quả để phát triển bền vững ngành sản xuất, chế biến gỗ và lâm sản”, ông Hoàng Văn Hồng – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhận định.

Toàn cảnh diễn đàn

 

Nhằm tạo điều kiện cho nông dân trao đổi, chia sẻ và thảo luận với các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến những giải pháp để phát triển vùng nguyên liệu gỗ phục vụ ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu, trong 2 ngày 08 - 09 tháng 8 năm 2022, tại thành phố Đông Hà (Quảng Trị), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp và Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Trị tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề "Giải pháp phát triển vùng nguyên liệu gỗ phục vụ ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu”.

Tham dự Diễn đàn có ông Hoàng Văn Hồng - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; ông Quách Đại Khang Ninh - Phó vụ trưởng Vụ phát triển rừng - Tổng cục Lâm nghiệp; ông Nguyễn Phú Quốc - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Trị và hơn 200 đại biểu đến từ Văn phòng chứng chỉ rừng Việt Nam, Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung Bộ - Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Khuyến nông các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, các đơn vị tiêu thụ và chế biến gỗ rừng trồng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, các cơ quản lý nhà nước về lâm nghiệp, các HTX, bà con nông dân trồng rừng.

Ông Nguyễn Phú Quốc - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Trị phát biểu tại Diễn đàn
 

Tại diễn đàn, các chuyên gia và ban cố vấn đã nhận và trả lời hơn 30 câu hỏi của bà con nông dân tập trung vào một số vấn đề: quy hoạch vùng nguyên liệu gỗ phục vụ ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu tại các địa phương; quản lý và tổ chức sản xuất tại các vùng nguyên liệu; cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu gỗ phục vụ ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu, trong đó tập trung vào 2 vấn đề chính là chính sách về đất đai và chính sách đầu tư và tín dụng; xây dựng hệ thống chứng chỉ rừng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và cấp chứng chỉ tại các vùng gỗ nguyên liệu; thị trường cung ứng và tiêu thụ nguyên liệu gỗ trong điều kiện thế giới có nhiều biến động về an ninh, chính trị, kinh tế - xã hội; các giải pháp khoa học công nghệ phát triển vùng nguyên liệu gỗ; công tác quản lý, kiểm soát việc sản xuất và cung ứng cây giống; công tạo đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực; vấn đề liên kết giữa doanh nghiệp với chính quyền và người dân...

Ông Nguyễn Phú Quốc – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, đối với tỉnh Quảng Trị, với sự nỗ lực không ngừng của các cấp chính quyền, cùng sự đồng hành trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và người dân, từ sau khi thiết lập tỉnh năm 1990, độ che phủ rừng chưa đến 20%, đến nay độ che phủ rừng đã đạt đến 50%. Tham gia rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC của tỉnh Quảng Trị đến nay đã có gần 18 nghìn ha, là một trong các tỉnh đi đầu trên cả nước về rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC, giá trị rừng gỗ lớn này đưa lại hiệu quả kinh tế gấp 2 lần so với trồng rừng gỗ nhỏ không có chứng chỉ, đã khẳng định tỉnh Quảng Trị đã đi đúng hướng trong tái cơ cấu ngành lâm nghiệp. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Trị đang quyết liệt chỉ đạo nâng cao diện tích rừng có chứng chỉ FSC, phấn đấu đến năm 2030 có trên 30.000 ha rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ.

Ông Hoàng Văn Hồng - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại Diễn đàn

 

Kết luận tại Diễn đàn, ông Hoàng Văn Hồng - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển vùng nguyên liệu gỗ phục vụ ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu. Muốn phát triển rừng gỗ lớn phục vụ công nghiệp chế biến, xuất khẩu cần triển khai các giải pháp đồng bộ. Đó là phải quy hoạch vùng nguyên liệu gỗ phục vụ ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu, quản lý và tổ chức tốt sản xuất tại các vùng nguyên liệu, trong đó chú trọng về chất lượng giống, áp dụng giống mới, hướng đến sản xuất rừng theo tiêu chuẩn FSC. Phát triển rừng theo hình thức đầu tư thâm canh, áp dụng đầy đủ quy trình kỷ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, tỉa thưa. Một điều quan trọng phát triển sản xuất rừng gỗ lớn là lấy ngắn nuôi dài nên cần phát triển sản xuất dưới tán rừng giúp người dân yên tâm sản xuất, tạo ra bước đột phá mạnh mẽ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cho người trồng rừng.

Nông dân đặt câu hỏi tại diễn đàn

 

Việt Toàn – Ánh Nguyệt