Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Lãnh đạo các bộ, cơ quan: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ; Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam và đại diện lãnh đạo các cơ quan: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang và đại diện Lãnh đạo Ủy ban nhân dân 12 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long tham gia Đề án: Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ.

Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1490/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2023, với mục tiêu hình thành một triệu héc-ta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp tại 12 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long nhằm nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và thu nhập của người trồng lúa, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam. Việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai Đề án khẳng định Việt Nam đã chủ động, tích cực triển khai các cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh lương thực; ghi nhận và đánh giá cao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang và các địa phương liên quan chuẩn bị chu đáo việc tổ chức Hội nghị triển khai Đề án.

Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và 12 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã tích cực triển khai một số hoạt động thiết thực để đảm bảo Đề án sớm được triển khai có hiệu quả; cụ thể xây dựng: (1) dự thảo Kế hoạch triển khai Đề án; (2) Quy trình sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp; (3) Kế hoạch nâng cao năng lực các hợp tác xã nông nghiệp phát triển liên kết theo chuỗi giá trị; (4) Kế hoạch truyền thông và tổ chức khuyến nông cộng đồng; (5) Khung theo dõi, giám sát, báo cáo (MRV) và cơ chế chi trả kết quả giảm phát thải khí nhà kính cho các chủ thể tham gia Đề án; (6) Tích cực làm việc với Ngân hàng Thế giới về ý tưởng xây dựng Chương trình lúa chất lượng cao, các-bon thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2025-2031 với 02 dự án thành phần: Dự án tài chính khí hậu dựa vào kết quả và Dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật lúa các-bon thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đây là Đề án rất lớn, với nhiều nội dung và hoạt động phức tạp mang tính liên ngành, liên vùng. Để đạt được các mục tiêu đề ra, cần có sự quyết tâm, nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các bộ, ngành trung ương và đặc biệt là sự chủ động vào cuộc của các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long; cần huy động tối đa các nguồn lực hợp pháp từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, sự đóng góp của các doanh nghiệp và hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, trong đó nội lực là chiến lược, quyết định, lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá.

leftcenterrightdel

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo Hội nghị 

Để Đề án được triển khai có hiệu quả, đạt được các mục tiêu đề ra, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu: Các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân phải hết lòng với Đề án; tuân thủ kế hoạch, nguyên tắc, tiêu chuẩn; đồng thời cũng phải linh hoạt, sáng tạo trong quá trình triển khai, phù hợp với điều kiện cụ thể từng địa phương, tiểu vùng sinh thái, đặc biệt phải thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu; hợp tác tốt, phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành trung ương với địa phương, giữa các bộ ngành trung ương, giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp và các đối tác quốc tế trong quá trình triển khai Đề án, đồng thời phải lồng ghép tốt các chương trình để tạo sức mạnh tổng hợp mới có thể cùng thắng; cần có sự kiểm soát tốt để không lệch hướng và kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế; thường xuyên sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm, kịp thời nhân rộng những mô hình mới, cách làm hay, khắc phục các tồn tại, hạn chế.

Phó Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ, quyết liệt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương vùng đồng bằng sông Cửu Long sớm hoàn thiện, phê duyệt và tổ chức triển khai Kế hoạch cụ thể triển khai Đề án, hoàn thành trong tháng 2 năm 2024; hoàn thiện đề xuất, có văn bản chính thức kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết 03 kiến nghị nêu trong dự thảo báo cáo.

- Khẩn trương hoàn thiện, ban hành Quy trình kỹ thuật sản xuất lúa phát triển bền vững, chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh, trên cơ sở kế thừa kinh nghiệm quốc tế và dự án chuyển đổi ngành nông nghiệp do Ngân hàng Thế giới tài trợ giai đoạn 2015-2022 (VnSAT), điều kiện cụ thể của vùng Đồng bằng sông Cửu Long;

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính xây dựng Đề án tham gia thị trường các-bon đối với tín chỉ các-bon được hình thành từ việc triển khai Đề án; ban hành quy định về đo đạc, thẩm định, báo cáo (MRV) về giảm phát thải khí nhà kính thực hiện Đề án, phù hợp với quy định quốc tế, điều kiện cụ thể và pháp luật Việt Nam; xây dựng, đề xuất chính sách thí điểm chi trả kết quả giảm phát thải khí nhà kính cho các chủ thể tham gia Đề án, trình cấp có thẩm quyền xem xét vào Quý IV năm 2024;

- Phối hợp với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long hoàn thiện ý tưởng xây dựng Chương trình lúa chất lượng cao, các-bon thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2025-2031 vay vốn từ Ngân hàng Thế giới trong Quý I năm 2024 làm cơ sở để triển khai các bước tiếp theo;

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và các cơ quan, địa phương liên quan sớm hoàn thành, phê duyệt và tổ chức triển khai có hiệu quả Kế hoạch truyền thông và tổ chức khuyến nông cộng đồng về triển khai Đề án;

- Chủ trì, phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam triển khai Kế hoạch nâng cao năng lực cho hợp tác xã và các chủ thể tham gia Đề án;

  - Thường xuyên đánh giá, sơ kết việc thực hiện Đề án, kịp thời biểu dương các địa phương, đơn vị, cá nhân xuất sắc, nhân rộng cách làm hay, kinh nghiệm quý, rút kinh nghiệm, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai Đề án.

Đối với 12 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long, cần căn cứ tiêu chí vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp của Đề án, tiến hành rà soát, xác định chính xác diện tích, phạm vi các vùng đạt tiêu chí, đăng ký và xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án cho năm 2024 và cho từng giai đoạn; bổ sung, cập nhật vào Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030; nghiên cứu, trình Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh xem xét ban hành cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện Đề án, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, quy định của pháp luật và điều kiện cụ thể của địa phương; tổ chức lại sản xuất, khuyến khích hình thành và phát triển các chuỗi giá trị trong sản xuất lúa gạo, đẩy mạnh liên doanh, liên kết, lấy doanh nghiệp làm trung tâm và động lực của sự phát triển, hợp tác xã là cầu nối giữa người trồng lúa và doanh nghiệp; hỗ trợ và phát triển các hợp tác xã, đào tạo nhân lực quản lý hợp tác xã, nâng cấp cơ sở hạ tầng để tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất lúa bền vững; khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất để sản xuất lúa hàng hoá với quy mô lớn, hiệu quả cao; tập trung củng cố, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng cho vùng lúa tham gia Đề án, nhất là hạ tầng về thủy lợi.

BBT