Tình hình nhập khẩu giống lúa lai Nhị ưu 838 từ Trung Quốc
Qua khảo sát thực tế tình hình sản xuất hạt giống lúa lai F1 Nhị ưu 838 ở Trung Quốc, chúng tôi được biết diện tích sản xuất ngày càng thu hẹp. Có 2 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên:
Một là, giống lúa lai Nhị ưu 838 không mang tính độc quyền, lợi nhuận thu được từ sản xuất kinh doanh giống lúa này rất thấp, các doanh nghiệp giống cây trồng của Trung Quốc thường bán kèm cùng với một số giống lúa độc quyền khác để giữ khách hàng. Để có giống, họ phải sản xuất từ Băng-la-đét chuyển về trong nước chế biến, đóng gói rồi xuất cho Việt Nam.
Hai là, giá nhân công lao động ngày càng cao dẫn đến chi phí sản xuất tăng. Giá hạt giống nhập khẩu rất phong phú, đa dạng, từ 16 đến 19 Nhân dân tệ/kg (khoảng 58.000 - 70.000 đồng/kg) tùy thuộc từng đơn vị nhập khẩu và thời điểm khác nhau.
Chất lượng hạt giống cũng là một vấn đề cần bàn. Không chỉ có một loại Nhị ưu 838 chuẩn mà có nhiều dạng khác nhau, có thể là 837, 839 hoặc 840. Tựu chung có hai dạng chủ yếu là dạng hạt bầu tròn và dạng hạt dài. Chính vì thế, đối với giống nhập khẩu, trong 5 chỉ tiêu chất lượng Trung tâm Khảo Kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Quốc gia chỉ kiểm nghiệm và cấp chứng nhận chất lượng phù hợp qui chuẩn cho 4 chỉ tiêu, không phân tích chỉ tiêu hạt khác giống mà yêu cầu hậu kiểm.
Tình hình sản xuất hạt giống lúa lai Nhị ưu 838 trong nước thời gian qua
Sản xuất hạt giống lúa lai nói chung, Nhị ưu 838 nói riêng chứa đựng nhiều rủi ro.
Vụ Đông Xuân 2015 – 2016 tại Quảng Nam do thời tiết nắng nóng gay gắt, nhiệt độ cao, độ ẩm không khí thấp xảy ra vào giai đoạn trỗ bông nở hoa làm hạt phấn bị chết, không thụ phấn, thụ tinh được dẫn đến lúa kết hạt kém, năng suất chỉ đạt khoảng 1 tấn/ha. Đây là năm mất mùa nặng nhất từ trước đến nay, các doanh nghiệp phải đền bù năng suất. Hệ lụy là vụ Đông Xuân 2016 – 2017 nông dân Quảng Nam không muốn sản xuất lúa lai Nhị ưu 838 nên diện tích sản xuất giảm nghiêm trọng. Sản xuất kinh doanh hạt giống lúa lai Nhị ưu 838 không hiệu quả, các doanh nghiệp trở nên mệt mỏi. Vụ mùa năm 2017 hàng trăm héc-ta lúa lai F1 của Công ty TNHH Cường Tân bị thiệt hại nặng nề do nhiễm bệnh nặng và mưa bão triền miên dẫn đến năng suất và chất lượng thấp.
Sau nhiều năm mất mùa liên tiếp, nhập khẩu khó khăn dẫn đến thiếu hụt nguồn cung, vụ Đông Xuân 2017 – 2018 ở miền Trung và vụ Xuân 2018 ở miền Bắc, giá hạt giống lúa lai F1 Nhị ưu 838 tăng đột biến từ trên 60.000 đồng lên hơn 70.000 đồng/kg nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu. Trên thị trường thiết lập mặt bằng giá mới.
Nhu cầu sản xuất lớn, nguồn cung trong nước và nhập khẩu hạn chế, sớm nhận thức được vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phê duyệt Dự án “Phát triển sản xuất hạt giống lúa lai F1” theo Quyết định số 5505/QĐ-BNN-KHCN ngày 30 tháng 12 năm 2016 do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chủ trì.
Mục tiêu của dự án là “xây dựng mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân để sản xuất và cung ứng hạt giống lúa lai F1 nhằm chủ động và kiểm soát được chất lượng hạt giống, giảm giá giống, cạnh tranh với hạt giống nhập khẩu, tăng thu nhập cho nông dân”. Chính vì vậy, sản xuất hạt giống lúa lai nói chung, sản xuất hạt giống Nhị ưu 838 nói riêng tiếp tục được duy trì và mở rộng diện tích.
Trong khi sản xuất hạt giống lúa lai Nhị ưu 838 đại trà đi vào bế tắc thì các mô hình khuyến nông năm 2017 vẫn thành công, thu được kết quả tốt, có tính lan tỏa lớn.
Theo báo cáo tổng kết mô hình khuyến nông năm 2017 của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, năng suất bình quân của mô hình sản xuất hạt giống lúa lai Nhị ưu 838 đạt 28,63 tạ/ha, cao hơn nhiều so với sản xuất đại trà và cao hơn 10% so với mục tiêu của dự án. Đây là cơ sở để nhân rộng mô hình, mở rộng diện tích.
Những tín hiệu khả quan
Để khuyến khích nông dân và các địa phương duy trì và mở rộng diện tích, các doanh nghiệp sản xuất hạt giống lúa lai phải tăng tỉ lệ qui đổi, đồng thời tăng công quản lí thêm 1.000 đồng/kg. Lần đầu tiên, qui mô sản xuất hạt giống lúa lai F1 hệ ba dòng chủ yếu là Nhị ưu 838, chiếm khoảng 80% diện tích.
Tham gia sản xuất hạt giống lúa lai Nhị ưu 838 năm 2018 có hơn 10 doanh nghiệp trong và ngoài nước gồm Công ty TNHH Mahyco Việt Nam, Công ty CPGCT Trung ương, Công ty Nam Dương, Công ty hạt giống Việt, Công ty CPGCT Miền Nam, Công ty CP Nông nghiệp KT cao Hải Phòng, Công ty Đại Thành, Công ty TNHH Cường Tân, Công CPGCT Quảng Nam, Công ty CPGCT Thái Bình, Công ty CP giống cây trồng Nam Định.
Mô hình sản xuất hạt giống lúa lai Nhị ưu 838 tại HTX Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam
Diện tích sản xuất tăng đột biến, theo thống kê chưa đầy đủ, tổng diện tích sản xuất hạt giống lúa lai Nhị ưu 838 trên cả nước khoảng 750 ha. Tính riêng tại các tỉnh phía Nam có khoảng 400 ha sản xuất hạt giống Nhị ưu 838, trong đó có 195 ha thuộc dự án “Phát triển sản xuất hạt giống lúa lai F1”. Diện tích sản xuất tại các tỉnh phía Bắc vụ Xuân 2018 khoảng hơn 350 ha, tập trung ở các tỉnh Thanh Hóa, Nam Định, Hải Phòng,…
Thời tiết vụ Đông Xuân 2017 - 2018 ở các tỉnh phía Nam rất thuận lợi, không xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng giai đoạn lúa trỗ bông thụ phấn thụ tinh nên lúa sinh trưởng phát triển tốt, độ đồng đều cao, bố mẹ trùng khớp nhất từ trước tới nay, hầu hết diện tích kết hạt tốt. Hiện nay, lúa đang ở giai đoạn chín sáp và chuẩn bị thu hoạch. Nếu không có biến động về thời tiết bất thường, năng suất bình quân ở các tỉnh phía Nam đạt khoảng hơn 3 tấn/ha. Ở các tỉnh phía Bắc, lúa sinh trưởng phát triển tốt, đang ở giai đoạn phân hóa đòng từ bước 3 đến 4, bố mẹ gặp nhau độ trùng khớp tốt hơn năm trước, triển vọng rất khả quan. Như vậy sản lượng hạt lai F1 Nhị ưu 838 dự kiến đạt trên 2.000 tấn, cao nhất trong vòng nhiều năm qua.
Các đơn vị sản xuất giống tuân thủ chặt chẽ quy trình kỹ thuật sản xuất từ khi gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch ngoài đồng, cách ly đảm bảo, khử lẫn triệt để đến chế biến bảo quản tại nhà máy. 100% hạt giống sản xuất ra sẽ được sấy chế biến bằng công nghệ sấy hai chiều. Chất lượng hạt giống ngày càng được nâng cao không thua kém hạt giống lúa lai nhập khẩu.
Nhờ năng suất, sản lượng cao, giá hạt giống lúa lai F1 Nhị ưu 838 sẽ giảm và đi vào ổn định trong thời gian tới, người sản xuất được hưởng lợi gián tiếp.
Phạm Hữu Toản