Riêng ở Quảng Ngãi, phong trào này không ngừng đổi mới để kết quả hàng năm luôn nâng cao hơn cả chất và lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của tổ chức Hội Nông dân trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.
Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh đã có 72.025 hộ đạt danh hiệu NDSXKD giỏi các cấp (đạt cao hơn 25,5% so với Nghị quyết đại hội XVI), trong đó cấp cơ sở 62.082, cấp huyện 8.508 hộ, cấp tỉnh 662 hộ, cấp trung ương 53 hộ. Điều đáng nói là phong trào này đã tạo sức lan tỏa rộng lớn trong tỉnh, từ các huyện đồng bằng đến miền núi, hải đảo xa xôi ngày càng có nhiều gương nông dân điển hình tiên tiến, dám nghĩ, dám làm, dám đầu tư và áp dụng tiến bộ KHKT và công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó mà đã có nhiều mô hình kinh tế mới đem lại hiệu quả cao, như: mô hình nuôi cá lồng bè trên biển của ông Đỗ Văn Được, phường Phổ Thạnh (TX Đức Phổ); mô hình nuôi heo khép kín theo kỹ thuật cao của ông Nguyễn Hoài, xã Bình Nguyên (huyện Bình Sơn); mô hình sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu của HTX nấm Đức Nhuận (huyện Mộ Đức) do ông Lê Giang Phong làm Giám đốc….
Cùng với sự phát triển kinh tế, các tiến bộ khoa học kỹ thuật được nông dân ứng dụng vào sản xuất đem lại hiệu quả cao. Trong 05 năm qua đã có 10 nông dân tiêu biểu của tỉnh được đề cử tham gia Chương trình Tự hào nhà nông, 05 nông dân có sáng kiến, giải pháp tham gia Hội thi KHKT cấp tỉnh và Trung ương; 01 nông dân được tôn vinh Nhà khoa học của nhà nông; 05 nông dân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
Nhờ phong trào này đã huy động được toàn lực cán bộ, hội viên nông dân đóng góp vào thành tựu chung của ngành nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất hàng hóa, giữ vững an ninh lương thực, là hạt nhân nòng cốt tạo sự chuyển biến tích cực về thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở nông thôn; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh bình quân giai đoạn 2018-2022 là 1,46%/năm.
Điểm nổi bật trong phong trào này nữa là có nhiều nông dân trở thành chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ. Các nông dân này đã biết liên kết trong sản xuất theo chuỗi tuần hoàn thông qua hình thức phát triển các mô hình kinh tế tổ hợp tác, hợp tác xã để hỗ trợ vốn, kỹ thuật và cầu nối tiêu thụ sản phẩm. Điển hình như anh lên Giang Phong, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất nấm ở Đức Nhuận đã liên kết sản xuất theo chuỗi sản xuất phôi nấm để bán cho nông dân trong huyện về chăm sóc, thu hoạch nấm tươi; sau đó HTX thu mua nấm tươi của nông dân về sơ chế, tẩm, ướp để chế biến thành thức ăn nhanh như: nấm khô sợi ăn liền, trà thảo dược linh chi, bột nêm nấm,… cung ứng cho các thị trường siêu thị, chợ, cửa hàng trong và ngoài tỉnh. Hiện tại HTX sản xuất nấm Đức Nhuận có 6 loại sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó có 1 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao; 05 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao và chiếm lĩnh thị trường nông nghiệp số trên các sàn giao dịch thương mại điện tử như: Shopee, Vỏ Sò, Saely,…
“Kể từ khi được gắn mác OCOP và có mặt trên sàn giao dịch điện tử nên doanh thu bán hàng của HTX vượt 30% so với trước”. Trong 3 năm trở lại đây, doanh thu mỗi năm của HTX lên đến hơn 3,5 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động ở địa phương với thu nhập bình quân của mỗi tổ viên trong HTX từ 10 – 15 triệu đồng/người/tháng” – anh Lê Giang Phong, Chủ nhiệm HTX cho chia sẻ.
|
|
Kể từ khi được gắn mác OCOP và có mặt trên sàn giao dịch điện tử nên doanh thu bán hàng của HTX vượt 30% so với trước |
Đồng hành với phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi ở Quảng Ngãi là các chi nhánh Ngân hàng NN& PTNT, Ngân hàng CSXH đã phối hợp với các cấp Hội để hướng dẫn, tín chấp cho trên 50.000 lượt hộ vay với tổng dư nợ đến tháng 05/2023 tại Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn là 1.318 tỷ đồng; tại Ngân hàng chính sách xã hội là 1.531 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân trong tỉnh cũng đã tăng trưởng lên 60,308 tỷ đồng, đã hỗ trợ cho 1.508 lượt hộ vay với tổng số tiền là 75,949 tỷ đồng. Từ những nguồn vốn này đã thúc đẩy phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi của tỉnh ngày càng phát triển, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo bền vững ở địa phương.
Cũng từ phong trào này mà tổ chức Hội Nông dân ngày càng nâng cao vai trò, vị thế và thu hút ngày càng nhiều nông dân vào tổ chức Hội. Phong trào thực sự mang lại ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội sâu sắc; là cơ hội, điều kiện thuận lợi để nông dân học tập, tiếp thu những tiến bộ KHKT và công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh, tạo đà thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp hóa nông nghiệp nông dân và nông thôn theo hướng hiện đại, văn minh./.
Đồng Xuân
Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi